Cảng Khánh Hội: 'Của để dành', không chỉ phục vụ các ông chủ địa ốc
Cảng Khánh Hội ven sông Sài Gòn là một di sản của quá khứ, cần tạo ra giá trị cho cư dân chứ không chỉ phục vụ cho các ông chủ đầu tư địa ốc dọc theo cảng.
Cảng Khánh Hội - “của để dành”
Theo ý kiến của một chuyên gia, không phải ngẫu nhiên “Lễ hội sông nước” của TP. HCM mở đầu bằng một chương trình đại nhạc kịch mang tên “Chuyến tàu huyền thoại” ngay tại cảng Khánh Hội (quận 4 - TP. HCM).
Cảng Khánh Hội là một phần quan trọng, phần lớn nhất của hệ thống thương cảng Sài Gòn, được khởi tạo từ 1860. Hệ thống ấy có nhiều bến bắt đầu từ khu vực công trường Mê Linh, chạy thẳng đến cột cờ Thủ Ngữ rồi vươn ra Khánh Hội.
Nhìn trên bản đồ, có thể nhận ra hệ thống bến tàu mang hình dáng của một cánh cung vàng mà Khánh Hội với điểm mở đầu là Bến nhà Rồng chính là đỉnh xuất phát cho các mũi tên giao thương và hàng hải - hai sức mạnh truyền thống của TP. HCM. Bản thân hai chữ Khánh Hội được nhà Nguyễn đặt tên cho mũi đất có hai mặt sông nước đã gửi đến thông điệp của người xưa về kỳ vọng tương lai hưng thịnh cho cả vùng đất lớn: Long vân khánh hội - rồng mây giao hòa, quê hương phát đạt.
Bởi vậy, vào năm 2019, tại cuộc thi thiết kế “Khu phố di sản trong thành phố thông minh” do Tổng lãnh sự Ý và các trường đại học ngành kiến trúc tại TP. HCM tổ chức, nhiều ý tưởng gìn giữ và tôn tạo di sản bến tàu Khánh Hội đã đặt ra vấn đề kinh tế di sản, cũng như gắn kết cả ba chiều thời gian và sức mạnh của khu vực.
Chẳng hạn, nhóm Curves Lines đề nghị từ vị trí Nhà Rồng đến vị trí dự kiến cầu Thủ Thiêm 3, sẽ thành chuỗi công viên và bảo tàng, khu thể thao, và đặc biệt là “chợ làng” - phục dựng chợ Khánh Hội xưa. Còn nhóm The Line of History điểm danh một loạt di tích, cột mốc ký ức dọc bờ sông từ công trường Mê Linh đến thủy đài Khánh Hội, coi đó là những chấm son nối thành một đường kẻ lịch sử.
Hay như tại sự kiện Bảo tồn Di sản và Phát triển Kinh tế Việt Nam diễn ra tại TP. HCM vào năm 2022, dự án “The Green Mile” được thực hiện bởi Công ty Kiến trúc S&A Architecture cùng các giảng viên và sinh viên đến từ trường Đại học RMIT đã đề xuất cảng Khánh Hội như là “The Future of the Past" (Tương lai của quá khứ).
Theo đó, giải pháp mang tính học thuật được đề xuất cho khu thương cảng Sài Gòn cũ – cảng Khánh Hội bao gồm: khu triển lãm và giải trí, không gian làm việc chung, khu vực hậu cần, khu dân cư và thương mại phức hợp. Đề án cũng tập trung vào nhu cầu cấp thiết của khu đất này bằng cách cung cấp hơn 200.000m2 không gian xanh, xây dựng “Thành phố Xốp - Sponge City” để giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt.
Điểm nhấn tương lai của TP. HCM
Nhận xét cảng Khánh Hội sẽ nâng tầm TP. HCM, kế thừa, tiếp nối từ hiện tại đến tương lai, ông Nguyễn Hải Linh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS TP. HCM chia sẻ: “Cảng là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta khi dòng sông Sài Gòn dẫn sâu vào nội đô, có cảng tiếp nhận được tàu lớn. Nói đến khu cảng này là nói đến cửa ngõ thông thương từ TP. HCM ra quốc tế”.
Tại buổi thảo luận về "Dự án cải tạo cảng Khánh Hội: Các yếu tố tạo nên sự thành công” được Đại học Kinh tế TP. HCM phối hợp cùng tổ chức ADEME trực thuộc Bộ Chuyển đổi sinh thái và Liên kết vùng (Pháp) và Công ty Terao Asia tổ chức mới đây, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung - Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM cho biết, dự án cải tạo cảng Khánh Hội sẽ tái thiết chức năng khu vực với nhiều yếu tố hỗn hợp. Các yếu tố về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ logistic, du lịch…sẽ được quan tâm. Đồng thời, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, cũng như chiều sâu của phát triển, ứng dụng công nghệ tiên phong và đột phá.
TS Nguyễn Anh Tuấn cho hay, dự án sẽ có những công trình tiện ích cho người dân như công viên giải trí, văn hóa mang nét đặc sắc và cạnh tranh của khu trung tâm quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải giải quyết bài toán quỹ đất, giao thông, mô hình TOD, phát triển giao thông công cộng, kết nối giao thông liên vùng dọc bờ sông.
Còn theo KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP. HCM, cần phải xem khu vực cảng Khánh Hội như là “của để dành” cho cả quận 4, TP. HCM và toàn vùng. Bởi vậy, các công trình ở đây cần tạo ra giá trị cho cư dân chứ không chỉ phục vụ cho các nhà đầu tư địa ốc dọc theo cảng. Chính vì vậy phải tạo được thương hiệu cho TP. HCM nói chung và quận 4 nói riêng khi giới thiệu với bạn bè thế giới.
Để nâng tầm dự án, cần giải quyết hài hòa không gian và yếu tố văn hóa khi đối diện bên sông là khu đô thị hiện đại Thủ Thiêm, nhưng phía sau là khu vực có mật độ dân cư hiện hữu cao. Vấn đề giao thông và ngập nước cũng phải được giải quyết.
Đặc biệt, cần phải lựa chọn kỹ lưỡng các công trình được xây dựng nhằm bổ sung chức năng nơi đây. “Tôi đồng ý khu vực này cần bổ sung các chức năng, kể cả nhà hát và các công trình nhưng công trình nào thì phải lựa chọn kỹ lưỡng vì không đủ không gian cho chúng ta “nhét” tất cả những gì chúng ta muốn”, KTS Vũ nói.
Bên cạnh đó, KTS Vũ cho rằng việc chuyển đổi phải đưa được các chức năng có giá trị cao vào khu vực này như du lịch, giáo dục, y tế, thương mại, phát triển số, kỹ thuật cao, kinh tế xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đáng chú ý, tại cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn”, kiến trúc sư Trần Quang Hiếu và Trần Tấn Phúc (Công ty TNHH Librazzi) đã nêu ra giải pháp cộng sinh, trong đó, các di sản đô thị không bị phá bỏ nhưng cũng không bắt buộc “bảo tồn y nguyên” hay “cho vào bảo tàng” mà cần được đưa vào đời sống, tái phát triển để phục vụ những nhu cầu của cuộc sống đương đại, mang lại nhiều lợi ích tổng hợp cho cả nhà đầu tư và cộng đồng. Định hướng trên đặc biệt phù hợp với di sản bến cảng vì việc chuyển đổi về chức năng, hình thức cho những cơ sở này không quá khó khăn và tốn kém như những di sản hàng nghìn năm tuổi.
Theo đó, việc giữ lại một khu vực di sản sẽ tạo ra một nét đặc trưng, một động lực phát triển cho toàn khu vực, thay vì một loạt các dự án hoàn toàn mới cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Lấy cảng Khánh Hội làm trung tâm, các quỹ đất dọc sông Sài Gòn như khu cảng ICD Trường Thọ, bán đảo Thanh Đa, Khu chế xuất Tân Thuận thậm chí kể cả Tân Cảng, Ba Son, hay xa hơn là bến du thuyền Mũi Đèn Đỏ, cảng Hiệp Phước và đô thị cảng Cần Giờ trong tương lai đều có thể trở thành một phần của bài toán phát triển hành lang kinh tế - văn hóa - du lịch - logistic đánh thức tiềm năng của sông Sài Gòn.