Cảng Liên Chiểu: Động lực dài hạn cho Đà Nẵng

Cảng Liên Chiểu được xem đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao triển vọng đầu tư của khu thương mại tự do Đà Nẵng, đồng thời sẽ là cửa ngõ kết nối thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

Đòn bẩy cho khu thương mại tự do

Tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, trong đó đồng ý thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu.

Cảng Liên Chiểu có vị trí chiến lược quan trọng, là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Hiện nay, dự án cảng Liên Chiểu đang được triển khai xây dựng hợp phần A – phần cơ sở hạ tầng dùng chung, kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; hợp phần B với tổng vốn đầu tư khoảng 48.304 tỷ đồng, đang kêu gọi đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài.

Cảng Liên Chiểu có vai trò đặc biệt quan trọng với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.  
Cảng Liên Chiểu có vai trò đặc biệt quan trọng với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.  

Theo dự thảo xây dựng đề án khu thương mại tự do Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu được xác định đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao triển vọng đầu tư của khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo đó, cảng sẽ góp phần làm giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông hàng hóa, giúp khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và logistics. Ngoài ra, với vị trí nằm trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng cho việc kết nối thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

“Cảng Liên Chiểu đóng vai trò đặc biệt quan trọng với khu thương mại tự do Đà Nẵng trong mục tiêu hướng đến trở thành “Cửa ngõ xuất nhập khẩu của Đông Nam Á” khi sở hữu vị trí đắc địa và là một trong những cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam”, dự thảo nhấn mạnh và cho biết việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cảng Liên Chiểu là yêu cầu bức thiết đối với Đà Nẵng.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung. “Trong giai đoạn đến, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có khu bến Liên Chiểu”, ông Trần Chí Cường nói.

Ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho hay, nhiều khu thương mại tự do trên thế giới đều liên quan đến cảng biển. Vai trò của cảng Liên Chiểu đối với khu thương mại tự do Đà Nẵng là cực kỳ quan trọng. Đây là mối quan hệ khăng khít, hữu cơ và phát triển đi liền với nhau. Theo ông Đức, xu hướng hiện nay của các cảng biển là cảng xanh và cảng biển Liên Chiểu cũng không nằm ngoài xu thế đó. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong cảng như: cảng vụ, hải quan, biên phòng … cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của cảng.

“Đối với một cảng biển, mà ở đây cụ thể sẽ cảng Liên Chiểu, để bảo đảm phục vụ khu thương mại tự do, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa đặc biệt là hải quan, để thời gian thông quan nhanh nhất, không có chuyện bị “nghẽn”. Chúng ta phải xác định lợi thế so sánh khu thương mại tự do Đà Nẵng với các khu thương mại tự do khác, người ta mới vào đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.

Trong lần kiểm tra dự án cảng Liên Chiểu đầu tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, hiện có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến dự án cảng Liên Chiểu, điều này để thấy rằng cảng Liên Chiểu có vị trí rất chiến lược về mặt logistics. Thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng lưỡng dụng với công năng đa ngành, đa lĩnh vực; lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.

Xây dựng cảng xanh, cơ chế linh hoạt

Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển container hàng hóa 24/24 mà không phải đi qua trung tâm thành phố. Đồng thời, cảng nằm ở vị trí chiến lược ngay cửa ngõ thành phố, kết nối trực tiếp với các tuyến cao tốc và Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cũng là một lợi thế lớn cho sự phát triển của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cảng tọa lạc trên địa bàn quận Liên Chiểu, nơi có khu công nghiệp lớn nhất của thành phố, sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu công nghiệp. Quận Liên Chiểu, với quỹ đất rộng, sẽ trở thành trung tâm kinh tế logistics; đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại và du lịch biển, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Tất Thành.

Vẫn theo ông Bình, cảng Liên Chiểu không chỉ tạo cơ hội cho ngành logistics mà còn giúp phát triển du lịch và thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp từ các quốc gia lân cận có thể dễ dàng đến Đà Nẵng để tham quan, mua sắm tại khu thương mại tự do mà không phải qua tận châu Âu. Khu thương mại tự do sẽ trở thành một "showroom" lớn, nơi các quốc gia có thể trưng bày và giao dịch hàng hóa, giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics và thương mại quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ không chỉ kích thích sự phát triển kinh tế trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế, tạo cơ hội giao thương lớn cho Việt Nam.

Tuy nhiên, để cảng phát triển bền vững và thu hút được nguồn hàng, cần có các chính sách hợp lý, cơ chế vận hành linh hoạt. Đặc biệt, khi Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế khu vực và khu thương mại tự do, nguồn hàng sẽ tăng lên đáng kể.

Để cảng phát triển bền vững và thu hút được nguồn hàng, cảng Liên Chiểu cần có các chính sách hợp lý, cơ chế vận hành linh hoạt.  
Để cảng phát triển bền vững và thu hút được nguồn hàng, cảng Liên Chiểu cần có các chính sách hợp lý, cơ chế vận hành linh hoạt.  

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng việc Chính phủ và TP. Đà Nẵng quyết tâm xây dựng cảng Liên Chiểu là một quyết định đúng đắn, phục vụ cho kinh tế miền Trung. Cảng Liên Chiểu không chỉ đóng góp vai trò hạt nhân cho Đà Nẵng mà tạo động lực phát triển các tỉnh lân cận trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu có cảng nước sâu mà không có khu thương mại tự do với những cơ chế đặc thù tiến bộ, tiên phong thì việc phát triển cảng Liên Chiểu khó. Khu thương mại tự do sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho việc phát triển cảng Liên Chiểu thực hiện được đầy đủ công năng của mình là cảng nước sâu của khu vực với quy mô lớn. Vì vậy, Đà Nẵng cần tích cực triển khai sớm, bởi nếu chậm, thành phố sẽ mất thời cơ đón làn sóng nhà đầu tư. “Chúng ta cũng biết làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam giai đoạn tới là cực kỳ nhanh. Nếu chúng ta không hoàn thiện sớm, sẽ mất đi một lượng nhà đầu tư vô cùng tiềm năng”, ông Dũng lưu ý.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance