Cảnh báo rủi ro sốt đất “ăn theo” dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài

Theo thông tin từ các sở ngành của TP. HCM và tỉnh Tây Ninh, Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tuy dự án chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục thế nhưng giá đất dọc tuyến cao tốc đã bị đẩy lên cao, tình trạng giao dịch diễn ra sôi động.

Được biết, Dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài 53km. Trong đó, có 23,7km đi qua TP. HCM, đoạn còn lại thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự án bắt đầu từ vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP. HCM, tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài. 

Năm 2021, dự án này đã được HĐND TP. HCM và tỉnh Tây Ninh có nghị quyết chấp thuận đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài là 15.900 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP – hợp đồng BOT.

UBND thành phố cũng cho biết, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có địa điểm đầu tư tại TP.HCM và tỉnh Tây Ninh với mục tiêu góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án giúp nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM - Campuchia.

Đồng thời, chia sẻ lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 22, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM - Tây Ninh và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến nói riêng và khu vực nói chung.

Tuy dự án Dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục thế nhưng giá đất dọc tuyến cao tốc đã bị đẩy lên cao, tình trạng giao dịch diễn ra sôi động. 

Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. 
Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. 

Ông Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tây Ninh cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu “sốt đất”. Đặc biệt, tình trạng phân lô bán nền gia tăng, từ đó tạo ra “sốt ảo”. 

Hồ sơ đất đai được Sở TN&MT tiếp nhận tăng đột biến. Cụ thể, trong hơn 134.500 hồ sơ tiếp nhận, Sở đã giải quyết hơn 128.700 hồ sơ. Hồ sơ trễ hạn lên đến 4.700 hồ sơ. Vẫn còn gần 5.800 hồ sơ chưa giải quyết. 

Cẩn thận 'tiền mất tật mang'

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến hồ sơ đất đai bị quá tải, như: Tỉnh đang xem xét ban hành quy định điều kiện tách thửa đất; phải cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; có những hạn chế trong quá trình phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký đất đai và cơ quan thuế…

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Bá Chí Nhân cảnh báo “Giới cò đất thường lợi dụng thông tin quy hoạch các dự án giao thông vẫn còn nằm trên giấy để tạo hiệu ứng đám đông. Nhiều nhà đầu tư mắc bẫy khi ồ ạt mua vào, đến khi giới cò này rút đi thì người mua chết đứng vì không thể thoát hàng”.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, dù tuyến đường cao tốc TP. HCM – Mộc Bài đi qua các địa phương sẽ làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản, song tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới…

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh "tiền mất tật mang" bởi thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc "ôm" đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều.

Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những thông tin về quy hoạch, sốt ảo. Nếu "chạy" theo sẽ có nguy cơ bị "nhấn chìm" trong cơn "sốt ảo" và thất vọng khi giá đất trở về mức cũ.

Ông Đính dẫn chứng: Bài học về đầu tư đất tại hai bên đường Đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị. Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường.

Theo ông Đính, nếu quy hoạch được triển khai đúng tiến độ, thị trường bất động sản cũng như đời sống người dân khu vực này sẽ ổn định và nhiều cơ hội phát triển, thuận lợi. Tuy nhiên, nếu việc triển khai bị chậm thì nhà đầu tư "lướt sóng" cũng cần tính bài toán tránh rủi ro.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống