Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu hơn 5.800 tỷ sắp được khởi công
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài khoảng 27,43km, với tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Ban Chỉ đạo Triển khai thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu vừa họp định kỳ để đánh giá tiến độ dự án và đề ra nhiệm vụ thực hiện tiếp theo.
Báo cáo về tiến độ thực hiện, ông Nguyễn Thế Hồng Trung, Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết đến ngày 27/4, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thành phần 1) đã có 511/533 hộ dân nhận tiền bồi thường, đạt tỷ lệ 95,9%, giá trị bồi thường hơn 478 tỷ đồng.
"Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do còn khiếu nại về giá bồi thường. Tuy nhiên, theo phương án bồi thường được duyệt, giá bồi thường dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được tính toán cao hơn nhiều so với những dự án trước đây", ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết UBND huyện Cao Lãnh hiện đang rà soát, báo cáo Hội đồng Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xem xét, thẩm định về thu hồi đất có diện tích nhỏ (đất bìa chéo), đất ven sông rạch theo đề nghị của người dân.
Phần mặt bằng (dự án thành phần 1) đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông tỉnh là 92,34 ha/101,14 ha, đạt tỷ lệ 91,3%. Về bố trí tái định cư, đã tổ chức bốc thăm 55 nền (48 hộ), còn lại 62 nền (53 hộ).
"Ban Quản lý dự án tiếp tục triển khai các gói thầu theo đúng tiến độ đã đề ra, dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023", ông Trung cho hay.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị phải quyết tâm cao hơn nữa, xác định rõ mốc thời gian hoàn thành các phần việc trước ngày 15/6 để đảm bảo các điều kiện khởi công dự án.
Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến dự án cho người dân nắm theo quy định; hằng tuần phải có báo cáo, thông tin về dự án.
Cũng tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị tăng cường vận động, thuyết phục người dân đồng thuận theo chủ trương của tỉnh; cùng với đó giải quyết kịp thời các khiếu nại, kiến nghị của người dân; diện tích đã giải phóng mặt bằng phải bàn giao, quản lý chặt chẽ; khẩn trương di dời hạ tầng công trình kỹ thuật.
Đối với các gói thầu, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung thực hiện đúng tiến độ theo quy định để tiến hành lựa chọn đơn vị thi công.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn I được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng vào tháng 6/2022. Dự án có chiều dài khoảng 27,43km; điểm đầu dự án giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Theo phê duyệt, quy mô đầu tư phần tuyến chính theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h; phân kỳ đầu tư giai đoạn I có quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80 km/h.
Dự án được sẽ được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.886 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn dành cho dự án khoảng hơn 3.486 tỷ đồng, gồm vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải là hơn 2.282 tỷ đồng và vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 1.204 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, dự án được bố trí khoảng gần 2.400 tỷ đồng trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của pháp luật.
Dự án được chia thành 2 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng.