Cao tốc nối dài một dải non sông
Năm 2025 ghi dấu mốc quan trọng hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 2.063 km. Lần đầu tiên Việt Nam hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc trục dọc và trục ngang 3.000 km, nối dài một dải non sông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) qua Cao Bằng đến tận mũi Cà Mau.
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, sau năm 2030, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 1.205 km sẽ được xây dựng cùng hàng loạt dự án cao tốc liên vùng phía bắc, miền Trung - Tây nguyên và phía nam, nâng tổng số ki lô mét cao tốc cả nước lên 8.400 km.

Những ngày cuối tháng 3, các nhà thầu trên công trường cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (qua Quảng Trị) hối hả với 82 mũi thi công đồng loạt cả cầu, đường, hầm chui… 500 đầu máy thiết bị và gần 1.500 kỹ sư, công nhân được huy động thi công không quản ngày đêm.
Thông tin với Thanh Niên, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, cho biết cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ khởi công tháng 1.2023, tiến độ hoàn thành theo hợp đồng vào tháng 10.2025. Dù vẫn còn vướng mắc một số mặt bằng, song ban cùng các đơn vị đang nỗ lực để phấn đấu thông tuyến chính và cơ bản hoàn thành trong dịp 30.4. Nếu được địa phương bàn giao dứt điểm mặt bằng sẽ nỗ lực mọi giá để thi công 3 ca, 4 kíp, hoàn thành các cầu vượt và thông toàn tuyến vào 30.6.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau dài khoảng 2.063 km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng cao tốc cả nước theo quy hoạch). Dự kiến dịp 30.4 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 2 đoạn dài 90 km (gồm 20 km Bến Lức - Long Thành và đoạn cuối dự án Vân Phong - Nha Trang dài 70 km) và thông xe tuyến chính cao tốc của 4 dự án dài 158 km (dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi 35 km, Hàm Nghi - Vũng Áng 54 km, Bùng - Vạn Ninh 49 km, Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 20 km).
Đại diện Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết để hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc trên cả nước, trong năm nay sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án, bao gồm 17 dự án (889 km) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, 11 dự án (299 km) do địa phương làm cơ quan chủ quản.
Các dự án đều đang chạy nước rút tiến độ nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025. Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Minh, các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng đang phấn đấu thông xe tuyến chính cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều dự án khác như Tuyên Quang - Hà Giang, Vành đai 3 TP.HCM… khối lượng thi công lớn, đòi hỏi tháo gỡ quyết liệt các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã yêu cầu lập các đoàn công tác do các phó thủ tướng làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra, quyết liệt giải quyết dứt điểm vướng mắc của từng dự án.
Mở lối ra biển
Trong khi tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam sắp hoàn thiện, thì các tuyến trục ngang cao tốc Bắc - Nam phía tây cũng đang dần hé lộ. Những phác thảo đầu tiên về phương án đầu tư tuyến cao tốc kết nối thành phố lớn thứ hai của Tây nguyên là Gia Lai với biển đã dần hình thành với dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Dự án dài 123 km, quy mô 4 làn xe, có điểm đầu tại QL19B thuộc xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh (QL14) thuộc TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, với dự kiến tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng.
Hiện việc kết nối bằng đường bộ từ Gia Lai xuống Bình Định chỉ có duy nhất tuyến QL19, dù đã được nâng cấp cải tạo, song hai "nút thắt" tại đèo An Khê và đèo Mang Yang quanh co, hiểm trở. Điều này khiến việc vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế. Tốc độ bình quân chỉ khoảng 40 - 50 km/giờ, khiến các xe mất 3,5 - 4 giờ cho quãng đường xấp xỉ 150 km.
Trong khi đó, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với vận tốc thiết kế (đề xuất 80 - 100 km/giờ) có thể rút ngắn hành trình từ Gia Lai xuống cụm cảng biển tại Bình Định chỉ còn 1,5 giờ so với QL19 hiện nay; mở lối ra biển nhanh và thuận tiện hơn cho hàng hóa các tỉnh Tây nguyên. Theo ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đây sẽ là tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây nguyên, mở rộng không gian phát triển, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định và vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Ngoài ra, dự án thành phần 1 cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có thời gian chuẩn bị và bắt đầu thi công năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác vận hành năm 2027. Tuyến cao tốc dài khoảng 124,13 km, có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, tổng mức đầu tư 20.434 tỉ đồng, theo hình thức PPP. Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà đầu tư từ đấu thầu công khai sang chỉ định nhà đầu tư.
Một tuyến cao tốc mở lối từ Tây nguyên ra biển cũng đang được xúc tiến đẩy nhanh là dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã giao Ban QLDA 85 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, theo hình thức đầu tư công với quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, chiều dài 136 km; tiến độ thực hiện là từ năm 2025 - 2028. Tuyến có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía đông thuộc địa phận H.Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi); điểm cuối giao với cao tốc Bắc - Nam phía tây thuộc địa phận TP.Kon Tum, (tỉnh Kon Tum). Đặc biệt, dự án chạy xuyên qua TT.Măng Đen, với kỳ vọng sẽ đánh thức một vùng du lịch đầy tiềm năng của Tây nguyên sau Đà Lạt.
"Biến thời gian thành tiền bạc"
Cuối tháng 6 này, dự án Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ được thông xe, nối thẳng cao tốc từ Hà Nội về Quảng Trị. Anh Viết Long (quê H.Đông Hà, Quảng Trị) đang sinh sống tại Hà Nội, vui vẻ cho biết mùa hè này anh dự định lái xe đưa cả gia đình về quê, kết hợp tắm biển Cửa Tùng. "Quảng Trị có những bãi tắm rất đẹp như biển Cửa Tùng, nhưng còn rất hoang sơ, chưa được khai thác nhiều như các bãi tắm nổi tiếng khác ở miền Trung", anh Long chia sẻ và kỳ vọng nhờ cao tốc nối thông từ Hà Nội về Quảng Trị, bãi tắm quê hương sẽ nhanh chóng được lên bản đồ du lịch, thu hút nhiều du khách.

Theo Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh, việc hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông vào năm 2025 sẽ thúc đẩy kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện các đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Cao tốc tới đâu, kinh tế, du lịch phát triển tới đó. Từ một vùng "trắng" cao tốc, mạng lưới cao tốc trục dọc và trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần thành hình với quyết tâm chính trị cao nhất từ Chính phủ. Sau tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 41 km được khánh thành năm 2009, mất hơn 10 năm, tuyến cao tốc thứ hai là Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km mới được hoàn thành năm 2022 và tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km qua cầu Mỹ Thuận 2 cuối năm 2023. Song chỉ trong 2 năm, tới cuối năm nay tổng chiều dài cao tốc toàn ĐBSCL dự kiến sẽ tăng lên 600 km với hàng loạt tuyến trọng điểm như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi lần lượt hoàn thành.
"Rất nhiều năm ĐBSCL với vựa lúa phì nhiêu và hơn 20 triệu người dân, cung cấp lương thực không chỉ cho cả nước mà xuất khẩu ra thế giới, nhưng hạ tầng giao thông lại kém phát triển, bị xem là "vùng trũng cao tốc". Thu nhập bình quân đầu người thậm chí còn thua cả các tỉnh miền Trung, Tây nguyên", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ. Song bài toán này theo ông đã có đáp án nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các nghị quyết của Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cao tốc tại vựa lúa miền Tây.

Với 600 km cao tốc sắp tới và các tuyến quốc lộ, đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL sẽ khởi sắc. Cùng với kinh tế sẽ là hạ tầng y tế, giáo dục phát triển. Các trường đại học, bệnh viện lớn hiện chủ yếu tập trung ở TP.HCM và một số ít tại Cần Thơ, trong khi nhiều tỉnh ĐBSCL rất thiếu và chưa tương xứng. Theo đại biểu Hòa, việc hoàn thiện hạ tầng sẽ thay đổi căn bản bức tranh về hạ tầng an sinh xã hội cho khu vực.
PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), thì ví von cao tốc sẽ "biến thời gian thành tiền bạc". Đơn cử như Quảng Ninh, nhờ phát triển hạ tầng mạnh mẽ, giao thông kết nối từ đường bộ đến đường biển, tỉnh này đã rất thành công trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn cả về đầu tư, thương mại, du lịch… Theo ông, các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng và cả nước, là một trong những đòn bẩy thu hút đầu tư.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá với 3.000 km cao tốc hoàn thành cuối năm nay, mạng lưới cao tốc đóng vai trò cực kỳ quan trọng, kết nối các vùng miền, kết nối miền núi với đồng bằng, với biển. Đặc biệt, với chủ trương sáp nhập tỉnh thành đang được chuẩn bị, việc hình thành nên các trục ngang hướng biển như các tuyến cao tốc nối các tỉnh Tây nguyên với miền Trung hướng ra biển, hoàn toàn phù hợp với định hướng kinh tế hướng biển. Hạ tầng thông suốt không chỉ kết nối giữa các tỉnh sẽ sáp nhập mà rộng hơn với các khu vực. Đặc biệt hơn, việc mở rộng không gian các tỉnh sẽ tránh được tình trạng "tỉnh cạnh tranh với tỉnh", tạo động lực phát triển mới trong kỷ nguyên mới của đất nước.
"Nâng đời" cao tốc từ Hà Nội vào TP.HCM lên 6 làn xe
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh. Hiện có 1.163 km đã và đang đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17 m); 99 km đang khai thác với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; 113 km đang đầu tư mở rộng quy mô cao tốc 4 - 6 làn xe.
Việc mở rộng lên 6 làn xe sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải tăng phù hợp với tăng trưởng GDP của đất nước phấn đấu trên 10% trở lên; nâng cao năng lực khai thác, tăng cường an toàn giao thông, do quá trình khai thác một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (4 làn xe hạn chế, không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục), đã phát sinh một số bất cập; chưa phù hợp với quy chuẩn đường cao tốc.
Trước mắt Bộ Xây dựng đề xuất nâng cấp các đoạn từ Hà Nội - TP.HCM, chiều dài đầu tư khoảng 1.144 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỉ đồng. Các đoạn tuyến chưa được nghiên cứu mở rộng như đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, dài 149 km hiện có nhu cầu vận tải chưa lớn; điều kiện thi công khó khăn…
