Cây cầu dài bậc nhất Việt Nam có vị trí địa chất đặc biệt sắp hợp long

Cầu bắc qua sông Gianh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ hoàn thành hợp long trong tháng 8 tới đây.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài 126,43km. Tuyến đường chia ra làm các đoạn, trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km; đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km; đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55km và đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng.

Cầu bắc qua sông Gianh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sắp hợp long. Ảnh: Công Sáng  
Cầu bắc qua sông Gianh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sắp hợp long. Ảnh: Công Sáng  

Trên tuyến cao tốc Bắc  - Nam đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình có hạng mục cầu sông Gianh thuộc gói thầu XL-02 dự án thành phần đoạn Vũng Áng – Bùng. Cầu bắc qua sông Gianh từ xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch qua xã Quảng Hải và Quảng Lộc thuộc thị xã Ba Đồn có chiều dài khoàng 2,8km, rộng 17,5m, 4 làn xe. Đây cũng là cầu dài nhất trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và nằm trong top những cây cầu dài nhất Việt Nam.

Ông Trần Hải Đăng - Chỉ huy trưởng gói thầu XL-02 thuộc dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - nhà thầu thi công) chia sẻ trên báo Xây Dựng, tính đến đầu tháng 8, cầu sông Gianh đã thi công đạt hơn 90% giá trị khối lượng. Dự kiến ngày 14/8 sẽ tiến hành hợp long cây cầy này, đến tháng 9/2024 cơ bản hoàn thành công trinh và đến tháng 12/2024 sẽ hoàn thiện toàn bộ gờ lan cam khe co giãn, thảm mặt cầu. 

Cây cầu này có vị trí địa chất đặc biệt. Ảnh: T.H  
Cây cầu này có vị trí địa chất đặc biệt. Ảnh: T.H  

Được biết, quá trình thi công cầu sông Gianh đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương khi bàn giao mặt bằng kịp thời, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế giám sát luôn đồng hành để giải quyết khó khăn. Vì thế đến nay, nhiều hạng mục đã hoàn thành 100% như cọc khoan nhồi, kết cấu phần dưới, dầm bản 24m, dầm super T.

Tuy nhiên, quá trình thi công dự án cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn chính là địa chất phức tạp của khu vực này. Theo đó, trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công đã phát hiện nhiều hang karst. Hang karst là vị trí địa chất nứt nẻ, không đồng nhất vì thế tạo nên các khe hở. Hay những vị trí có đất bùn, đất rời rạc nằm trong kẽ hở của đá cũng được gọi là hang karst. 

Theo chia sẻ của đại diện đơn vị thi công trên báo Tiền Phong, hang karst tại dự án cầu sông Gianh xếp tầng lên nhau với độ sâu từ 25-80m tùy vị trí. Thiết kế kỹ thuật cũng đã xác định khu vực có các hang trên, sau khi khoan xuống vị trí này, nhà thầu đã bơm bê tông vào phần rỗng để cố định chắc chắn các trụ cầu. 

Chi Chi

Theo Chất lượng và Cuộc sống