CBOT Việt Nam: Doanh thu hơn 18.000 tỷ, đóng thuế TNDN 0 đồng

Công ty cổ phần CBOT Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt hơn 18.112 tỷ đồng trong năm 2024, báo lãi sau thuế hơn 4,6 tỷ đồng nhưng công ty đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 0 đồng.

Bị phạt, truy thu thuế 4,2 tỷ đồng

Mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã công bố công khai kết luận thanh tra thuế tại Công ty cổ phần CBOT Việt Nam (gọi tắt CBOT Việt Nam).

Theo đó, cơ quan thuế yêu cầu CBOT Việt Nam nộp số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính pháp luật về thuế, tổng số tiền gần 4,2 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra thuế tại Công ty cổ phần CBOT Việt Nam  
Kết luận thanh tra thuế tại Công ty cổ phần CBOT Việt Nam  

Cụ thể, tổng số tiền thuế truy thu qua thanh tra số tiền hơn 3,09 tỷ đồng. Tiền phạt khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm qua kiểm tra, do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, số tiền hơn 618,17 triệu đồng.

Tiếp đó, công ty bị phạt 6,5 triệu đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan tới xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ khai thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn trong hồ sơ thuế tại kỳ khai thuế tháng 12/2023.

Cùng với đó là tiền chậm nộp, số tiền hơn 464,36 triệu đồng do công ty có hành vi chậm nộp tiền thuế. Số tiền chậm nộp tiền thuế được tính đến hết ngày 28/2/2025.

Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là gần 4,2 tỷ đồng. Trong đó, thuế TNDN đã nộp cho năm 2023 là hơn 813,3 triệu đồng. Cơ quan thuế cũng yêu cầu điều chỉnh giảm thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau số tiền hơn 18,71 tỷ đồng.

Doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm

Công ty cổ phần CBOT Việt Nam (gọi tắt CBOT Việt Nam) được thành lập vào ngày 9/7/2014, địa chỉ ngõ 73 đường Tân Triều, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Công ty có người đại diện là Bùi Anh Tuấn, chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ngành nghề chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2024 CBOT Việt Nam ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 18.112,7 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.864,3 tỷ đồng, tương đương tăng 47,9% so với năm 2023 (doanh thu đạt 12.248,4 tỷ đồng).

Tỷ lệ thuận với doanh thu là giá vốn hàng bán. Theo đó, công ty ghi nhận con số này năm 2024 là hơn 17,97 tỷ đồng, tăng 49,4% so với năm ngoái.

Trong khi đó, lợi nhuận gộp của CBOT Việt Nam lại tỷ lệ nghịch với doanh thu. Cụ thể, năm 2024 công ty chỉ ghi nhận hơn 138 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, công ty kiểm soát tốt chi phí tài chính khi tiết giảm được 62,4% từ mức 226,2 tỷ đồng (năm 2023) xuống chỉ còn 85,2 tỷ đồng (năm 2024). Tập trung chủ yếu là chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, năm qua công ty lại tăng mạnh về chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Theo đó, chi phí bán hàng tăng gấp 3,4 lần lên hơn 30,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,6 lần lên gần 28,6 tỷ đồng.

So với năm 2023, bước sang năm 2024 CBOT Việt Nam ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh dương hơn 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 12 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, kết thúc năm 2024, CBOT Việt Nam báo lãi sau thuế hơn 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 báo lỗ 11,6 tỷ đồng.

CBOT Việt Nam: Doanh thu hơn 18.000 tỷ, đóng thuế TNDN 0 đồng - Ảnh 1
Mặc dù ghi nhận doanh thu gần 18.113 tỷ năm 2024 nhưng công ty đóng thuế TNDN 0 đồng

Đáng chú ý, mặc dù ghi nhận khoản lãi hơn 4,6 tỷ đồng nhưng năm 2024 công ty đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 0 đồng. Trong khi đó, năm 2023 công ty đóng thuế TNDN hơn 813,3 triệu đồng.

Như vậy, trong hai năm 2023, 2024, CBOT Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu lên tới hơn 30.361,1 tỷ đồng, nhưng số thuế TNDN công ty đóng chỉ hơn 813,3 triệu đồng. Một con số rất khiêm tốn so với doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo chuyên gia thuế, ngành bán buôn nông, lâm sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ khai khống giá vốn để trốn thuế do trong quá trình thu mua, người nông dân hầu như không xuất hóa đơn.

Nợ phải trả gấp 14 lần vốn chủ sở hữu

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến cuối năm 2024, tổng cộng tài sản của CBOT Việt Nam là hơn 5.613,4 tỷ đồng, tăng thêm hơn 362,5 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tập trung chủ yếu nằm ở tài sản ngắn hạn với gần 5.337,5 tỷ đồng, chiếm 95,1% tổng tài sản công ty.

Thời điểm đến ngày 31/12/2024, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty là gần 109,3 tỷ đồng. Trong đó, công ty có hơn 21,3 tỷ đồng tiền và hơn 87,96 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.

Các khoản phải thu ngắn hạn của CBOT Việt Nam ghi nhận gần 4.249,6 tỷ đồng, chiếm tới 75,6% tổng tài sản. Hiện tập trung chủ yếu ở phải thu ngắn hạn của khách hàng (hơn 3.952,5 tỷ đồng) và gần 251 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn.

Hàng tồn kho của công ty hiện ghi nhận đến cuối năm 2024 là hơn 599,4 tỷ đồng. Trong khi con số này hồi đầu năm là hơn 1.036,4 tỷ đồng.

Nợ phải trả của CBOT Việt Nam đến cuối năm 2024 là hơn 5.213,8 tỷ đồng  
Nợ phải trả của CBOT Việt Nam đến cuối năm 2024 là hơn 5.213,8 tỷ đồng  

Về nợ phải trả, tính đến cuối năm 2024 CBOT Việt Nam có nợ phải trả là hơn 5.213,8 tỷ đồng, tăng thêm hơn 357,9 tỷ đồng sau 12 tháng.

Khoản mục chiếm phần lớn trong nợ phải trả công ty là phải trả người bán ngắn hạn hơn 3.885,6 tỷ đồng (chiếm 69,2% nợ phải trả). Tiếp đến là Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.307,1 tỷ đồng (chiếm 25,1% nợ phải trả).

Vốn chủ sở hữu của công ty ghi nhận đến ngày 31/12/2024 là hơn 399,6 tỷ đồng. Hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CBOT Việt Nam là gấp hơn 14 lần. Con số này trong năm 2023 là gấp 12,3 lần.

Việc nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và kéo dài trong nhiều năm cho thấy nguồn vốn của CBOT Việt Nam được tài trợ chủ yếu bởi nợ.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của CBOT Việt Nam trong năm 2024 âm hơn 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 dương 146,9 tỷ đồng.

Về mặt lý thuyết, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm có nghĩa là tổng dòng tiền đã thu vào nhỏ hơn tổng dòng tiền đã chi ra trong kỳ, thể hiện quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp đang bị giảm sút, ảnh hưởng đến mức độ an toàn ngân quỹ của doanh nghiệp, cũng như an ninh tài chính doanh nghiệp nói chung.

Minh Đức

Theo VietnamFinance