CEO Group: Nợ phải trả ăn mòn vốn chủ sở hữu, ‘tham vọng’ mở rộng thêm 1.000 ha quỹ đất sẽ ra sao?
Trong năm nay, CTCP Tập đoàn C.E.O (Mã CK: CEO) đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (5.146 tỷ đồng). Đồng thời, doanh nghiệp cũng ‘tham vọng’ sở hữu thêm 1.000 ha quỹ đất.
‘Tham vọng’ lớn từ việc mở rộng quỹ đất
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ diễn ra mới đây, đại diện CEO Group cho biết, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển quỹ đất thông qua việc tham gia đấu thầu, đấu giá, M&A, hợp tác đầu tư các dự án có tiềm năng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch phát triển thêm các dự án mới trên địa bàn cả nước với tổng quy mô dự kiến gấp rưỡi đến gấp đôi hiện nay, tập trung tại các đô thị ven biển, đảm bảo quỹ đất phát triển cho nhiều năm tiếp theo.
Dự kiến, trong năm nay, các dự án của CEO Group sẽ cung cấp ra thị trường trên 4.000 sản phẩm với hơn 1 triệu m2 sàn và 600.000 m2 đất kinh doanh, khách sạn 5 sao 3000 - 5000 sản phẩm...
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tập trung triển khai các dự án như CEOHomes Hana Garden City tại Hà Nội hay Sonasea Residences tại Phú Quốc
Như vậy, nếu thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, quỹ đất dự kiến của CEO Group có thể tăng thêm đến 1.000 ha so với mức 1.000 ha hiện nay đang sở hữu.
Nhìn vào thực tế, lượng quỹ đất đẹp ngày càng thu hẹp, tiếp cận đất đai cũng ngày càng khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang tích cực săn lùng quỹ đất, bởi càng có nhiều quỹ đất càng có cơ hội phát triển.
Do đó, ngoài việc triển khai những dự án hiện có, CEO Group sẽ không đứng ngoài cuộc đua tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất.
Để hiện thực hóa tham vọng kinh doanh và mở rộng quỹ đất của mình, HĐQT CEO Group đã thông qua nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, tại Đại hội cổ đông năm 2022, HĐQT CEO Group đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 257 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương với tổng giá trị tương đương hơn 2.573 tỷ đồng.
Cổ phiếu sẽ được phát hành theo hình thức bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Thời gian dự kiến phát hành trong quý III – quý IV/2022. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên gần 5.147 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế mà nói, đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp được dự báo sẽ bị tác động mạnh bởi chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản thì kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng này của CEO Group bị đặt nhiều dấu hỏi bởi cổ đông.
"Chúng ta muốn mở rộng quỹ đất nhưng không tăng vốn thì hơi mâu thuẫn. Trong kế hoạch hoạt động tới đây, muốn mở rộng các dự án, muốn làm thật các dự án thì chúng ta phải cần nhiều vốn", ông Đoàn Văn Bình – chủ tịch Tập đoàn CEO chia sẻ tại ĐHĐCĐ diễn ra vừa qua.
Nợ phải trả ăn mòn vốn chủ sở hữu
Được biết, trong năm 2022, CEO Group đã đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 300 tỷ đồng (gấp gần 4 lần so với kết quả đạt được năm 2021).
Đây được cho là một kế hoạch doanh thu đầy tham vọng của CEO Group, mặc dù thực tế, trong năm 2021 công ty đạt doanh thu hợp nhất là 1.249 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 82 tỷ đồng, tăng 185 tỷ đồng so với năm trước.
Chưa hết, kế hoạch CEO đưa ra được đặt trong bối cảnh thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với những lo ngại về tình trạng đứt chuỗi cung ứng, giá cả leo thang và lạm phát cao.
Theo BCTC hợp nhất quý I/2022 vừa được CEO Group công bố, trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 293 tỷ đồng, nhờ đó chuyển lỗ sang có lãi ròng 35 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Với con số đạt được trong quý I/2022, có thể thấy, so với kế hoạch được CEO Group đề ra, công ty mới chỉ thực hiện được 9,7% doanh thu và 11,6% kế hoạch lợi nhuận.
Trong quý vừa qua, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của CEO cũng đạt gần 219 tỷ đồng, gần gấp 3 cùng kỳ. Theo đó tổng doanh thu tăng gấp đôi, đạt 293 tỷ đồng.
Về tình hình tài sản của CEO không quá biến động sau 3 tháng đầu năm, quy mô đạt 7,077 tỷ đồng tại 31/03/2022. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu là 3.559 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nợ phải trả tính đến cuối tháng 3/2022 của công ty ghi nhận là 3.518 tỷ đồng, chiếm 49,7% tổng tài sản và chiếm tới gần 99% quy mô vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, CEO Group đang dần mất năng lực chủ động về nguồn vốn, lý giải cho việc vì sao doanh nghiệp phải nhanh chóng tăng vốn để đảm bảo cho tình hình triển khai các dự án trong thời gian tới.
Như đã đề cập ở trên, hiện tại CEO Group đang ‘nắm trong tay’ quỹ đất khoảng 1.000ha, trong đó, trong đó, 3 dự án trọng điểm được triển khai ở Quảng Ninh, Hà Nội và Phú Quốc.
Cụ thể là Dự án Sonase Vân Đồn Habor City ở Quảng Ninh. Đây cũng sẽ là một trong những dự án trọng điểm trong năm 2022 của CEO Group.
Dự án có diện tích đất 358ha, trong đó, chủ đầu tư đã được giao hơn 100ha đất sạch và đang triển khai xây dựng và bán hàng trên diện tích này.
Dự án thứ hai là CEO Mê Linh có quy mô 21ha, hiện đã xong giải phóng mặt bằng và đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng để chào bán ra thị trường vào cuối năm nay. Dự án này có 1.200 sản phẩm, trong đó hơn 500 sản phẩm nhà thấp tầng, khoảng 450 căn chung cư và hơn 200 căn nhà ở xã hội.
Cuối cùng là dự án khu nhà ở Sonea Residence Phú Quốc, hiện đang giải phóng mặt bằng cho mục tiêu khởi công cuối năm nay.
Bên cạnh các mục tiêu về doanh thu, trong năm 2022, CEO Group cũng sẽ thực hiện tổ chức tái cấu trúc các ngành nghề kinh doanh chính, tập trung nhiều hơn vào phát triển BĐS nhà ở, khu đô thị tích hợp du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có ý định mở rộng sang các ngành, lĩnh vực mới như năng lượng xanh, BĐS khu công nghiệp, BĐS logistics, BĐS phục vụ người cao tuổi, viện dưỡng lão…