Chậm bàn giao 41 tỷ đồng quỹ bảo trì, CĐT Hòa Bình Green City bị phạt 125 triệu đồng

Chủ đầu tư chung cư “dát vàng” Hòa Bình Green City bị UBND TP Hà Nội phạt 125 triệu đồng do chậm bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City ở 505 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư.

Theo đó, Chủ đầu tư chung cư “dát vàng” Hòa Bình Green City bị UBND TP Hà Nội phạt 125 triệu đồng do chậm bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị.

Được quảng bá là chung cư cao cấp với chất lượng 6 sao với chất lượng xây dựng cao, dịch vụ hoàn hảo và có giá ở phân khúc cao, nhiều người dân đã bỏ tiền tỷ ra để được sử hữu căn nhà “trong mơ” tại dự án chung cư Hòa Bình Green City.

Tuy nhiên, cư dân lại gặp phải liên tiếp những rắc rối từ sự “chây ỳ” của chủ đầu tư trong việc làm sổ hồng cho cư dân, “om” quỹ bảo trì không bàn giao cho Ban quản trị… Trước đó, cư dân tại đây là nhiều lần xuống đường băng rôn đòi quyền lợi.

Ban quản trị nhà chung cư Hòa Bình Green City được UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định công nhận từ ngày 21/3/2019. Thế nhưng, kể từ sau khi thành lập đến nay, mặc dù đã có nhiều văn bản đề nghị chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhưng cho đến nay chủ đầu tư vẫn ‘chây ì’ chưa chuyển trả hết kinh phí bảo trì.

Tổng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của 2 tòa A, B chung cư Hòa Bình Green City khoảng 41 tỷ đồng.

Việc Hà Nội ra tay xử phạt nặng chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City như một hồi chuông cảnh báo đối với các chủ đầu tư các khu chung cư khác cũng đang chây ì nhiều năm không chuyển trả số tiền phí bảo trì cho Ban quản trị cư dân.

Theo một thống kê chưa đầy đủ của Hà Nội, địa bàn thành phố hiện vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.

Nhiều năm nay, Hà Nội liên tiếp xảy ra tình trạng cư dân phản ánh việc tranh chấp liên quan đến phí bảo trì căn hộ. Trong khi số tiền quỹ bảo trì là không hề nhỏ, có chung cư có quỹ bảo trì đến 50-60 tỷ đồng.

Liên quan đến quỹ bảo trì chung cư, cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ký quyết định 980 ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020. Theo đó, năm tới, Thanh tra Bộ Xây dựng tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì tại hàng loạt dự án chung cư ở Hà Nội và TP.HCM.

Tại Hà Nội có 16 dự án chung cư thuộc diện thanh tra về công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì.

Đó là các dự án chung cư CT1, CT2 khu nhà ở Trung Văn do Vinaconex 3 đầu tư; khu đô thị Văn Khê do Công ty CP Sông Đà 1 đầu tư; cụm nhà ở chung cư Bắc Hà C14 do Công ty CP Bắc Hà đầu tư; tòa nhà S1, S2, S3, S4, S5 thuộc dự án nhà ở cao tầng đô thị Nam Thăng Long do Công ty CP xây dựng Xuân Đỉnh đầu tư; dự án chung cư Victoria Hà Đông do Văn Phú Invest đầu tư; các tòa nhà chung cư tại đô thị Times City, Royal City do Tập đoàn Vingroup đầu tư; dự án chung cư 90 Nguyễn Tuân, dự án CT2AB, CT2C Xuân Phương do Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 đầu tư; dự án CT2-105 đô thị Văn Khê do Công ty CP Hải Phát Thủ Đô đầu tư…

Tại TP.HCM, trong số 15 chủ đầu tư có dự án bị thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư có nhiều ông lớn như Khang Gia, Hoàng Anh Gia Lai, Địa Ốc Đất Xanh, Novaland, SSG.

Đây là lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng sau hàng loạt vụ tranh chấp liên quan tới quỹ bảo trì nhà chung cư xảy ra trong thời gian qua.

 

Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/cham-ban-giao-41-ty-dong-quy-bao-tri-cdt-hoa-binh-green-city-bi-phat-125-trieu-dong-d73056.html

Tin liên quan