Chậm triển khai, dự án 1.500 tỷ của TMS Group tại Cần Thơ có nguy cơ bị thu hồi

UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát tiến độ thực hiện, tham mưu thu hồi dự án Khu du lịch Cồn Sơn (Resort TMS Cồn Sơn) do CTCP Toàn cầu TMS (TMS Group) đầu tư.

Rà soát tiến độ, tham mưu thu hồi dự án Resort TMS Cồn Sơn

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát tiến độ thực hiện dự án Resort TMS Cồn Sơn.

Văn bản của UBND TP Cần Thơ nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp không tích cực triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư số 893 ngày 11/4/2019, tham mưu UBND TP thu hồi chủ trương đầu tư dự án nêu trên theo đúng quy định.

Thời hạn trình UBND TP trước ngày 15/5/2021.

Chậm triển khai, dự án 1.500 tỷ của TMS Group tại Cần Thơ có nguy cơ bị thu hồi - Ảnh 1
Vị trí dự án Resort TMS Cồn Sơn.

Dự án Resort TMS Cồn Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4/2019 với quy mô khoảng 75 ha, bao gồm toàn bộ khu vực Cồn Sơn khoảng 74,4 ha, trạm đón tiếp, bến đỗ xe, bến du thuyền trên đất liền (dự kiến nâng cấp, mở rộng bến tàu hiện hữu cuối đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) khoảng 0,65 ha.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng khu resort, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp khu du lịch sinh thái và khu vui chơi giải trí cao cấp; bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương; cung cấp dịch vụ ẩm thực; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Đây là một trong những dự án “khủng” của TMS Group tại Cần Thơ với tổng vốn đầu tư trên 1.571 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, từ năm 2019 đến năm 2023. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai theo đúng tiến độ đã cam kết.

Tại Cần Thơ, ngoài dự án Resort TMS Cồn Sơn, Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS còn có dự án khu đô thị mới TMS Luxury City Cần Thơ tại quận Bình Thủy và quận Ninh Kiểu, TP Cần Thơ quy mô 900 ha.

Tham vọng đầu tư lớn nhưng “ôm” đất bỏ hoang

Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS (TMS Group), tiền thân là Công ty Cổ phần Quốc tế Thái Minh được thành lập năm 2004. Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình tập đoàn đa ngành, gồm: du lịch, bán lẻ, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ bản và bất động sản. TMS hiện có các công ty thành viên: TMS edu, TMS Travel, TMS Homes, TMS Food và TMS Land.

Năm 2017, TMS Group thành lập thêm Công ty Cổ phần TMS Bất động sản (TMS Land), chính thức “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản với số vốn điều lệ 168 tỉ đồng.

Những năm gần đây, TMS Group lộ tham vọng lớn trong lĩnh vực địa ốc khi liên tục đầu tư vào các dự án lớn tại Bình Thuận, Quảng Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc…

Cụ thể, tại Quảng Ninh, TMS Group đã trình bày ý tưởng đầu tư, khai thác một số dự án với lãnh đạo tỉnh này. Đó là, Thành phố Ánh sáng (Cẩm Phả); khai thác Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh (Hạ Long); khu du lịch Công viên lịch sử phật giáo Lựng Xanh (Uông Bí) và khu du lịch Bạch Đằng (Quảng Yên).

Đáng chú ý, cuối tháng 9/2020, TMS Group ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư dự án nghìn tỉ TMS World Binh Thuan tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Dự án này nằm trong quần thể bãi biển Mũi Né với tên gọi đầy đủ Dự án Tổ hợp Đô thị - Nghỉ dưỡng - Thể thao biển TMS Wonder World Mũi Né với quy quy mô khoảng 1.350ha.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án có tổng số vốn gần 15.000 tỉ đồng và nếu được chấp thuận sẽ quyết tâm triển khai ngay, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động toàn bộ từ quý 1/2027.

Tại "siêu tổ hợp" này, TMS Group dự định xây dựng các khu phức hợp đa năng, đa tiện ích đồng bộ, phục vụ nhu cầu ở, nghỉ dưỡng và giải trí của xã hội hiện đại, các dịch vụ giải trí, thể thao đẳng cấp tại Việt Nam: Trường đua ngựa quốc tế, sân golf 36 hố links, khu vui chơi dưới nước, thuỷ cung, bến du thuyền. Bên cạnh đó, còn có quần thể biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, trung tâm hội nghị cao cấp...

Chậm triển khai, dự án 1.500 tỷ của TMS Group tại Cần Thơ có nguy cơ bị thu hồi - Ảnh 2

Đề xuất đầu tư dự án có quy mô lên đến 15.000 tỷ, nhưng dường như, TMS Group lại đang "bỏ quên" một số dự khác như TMS Land Đầm Cói, Resort TMS Cồn Sơn như đã đề cập, cùng với đó là loạt “tai tiếng” tại những dự án do doanh nghiệp này đầu tư xây dựng.

Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, dự án Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói tại xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc của TMS Group có tổng diện tích lên đến 200ha. Theo cam kết của chủ đầu tư, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào quý 1/2011 và dự kiến hoàn thiện sau đó 1 năm.Tuy nhiên, 10 năm qua, dự án luôn ở trong tình trạng “bất động”, không được triển khai xây dựng.

Năm 2020, TMS Land Đầm Cói đã lọt vào danh sách 66 dự án chậm tiến độ và có thể bị thu hồi đất trên địa bàn Vĩnh Phúc. Nguyên nhân bởi dự án treo gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư.

Ngoài TMS Land Đầm Cói, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, TMS Group cũng được giao thực hiện một số dự án khác như: Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương (phường Hùng Vương, TX. Phúc Yên, diện tích 18,55ha); Khu đô thị mới Núi Bầu khu vực 1 (phường Liên Bảo, Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, diện tích 41,49ha).

Với dự án TMS Land Hùng Vương, TMS Group cũng dính vào lùm xùm khi Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thiết kế hồ sơ cơ sở đề xuất kết cấu áo đường loại 1 chưa phù hợp với tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, dự án gặp nhiều tai tiếng nhất của TMS Group phải kể đến dự án TMS Luxury Hotel Đà Nẵng. Dự án này từ khi thi công xây dựng đến khi hoàn thiện liên tiếp bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi xả thải bức tử môi trường.

Có thể thấy, TMS Group đang thể hiện tham vọng rất lớn trong lĩnh vực bất động sản khi “chạy” theo những dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình đầu tư của doanh nghiệp lại cho thấy xu hướng ngược lại khi TMS “ôm” nhiều dự án với quỹ đất “khủng” nhưng không được doanh nghiệp triển khai gây lãng phí tài nguyên, lãng phí tài sản, thậm chí về lâu về dài có thể gây ra nhiều hệ lụy…

Hải Lan

Theo Sở hữu trí tuệ