Chi phí vận chuyển tăng, lợi nhuận doanh nghiệp logistics biến động dữ dội
Khép lại nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp logistics Việt Nam đã dần cho thấy sự phục hồi rõ nét so với năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có những điểm tối trong bức tranh kinh doanh của ngành.
Chi phí vận chuyển tăng, doanh nghiệp logistic Việt có thực sự hưởng lợi?
Hiện nay, giá cước vận tải biển đã tăng lên mức kỷ lục và gấp 4 lần trước khi đại dịch Covid -19 xuất hiện. Khi làn sóng dịch bệnh tại nhiều nước được kiểm soát, tình trạng mất cân đối cung cầu lập tức xảy ra khiến hoạt động trong ngành cảng biển và logistics có sự biến động dữ dội, tạo nên cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Logistic Việt Nam đang kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu, kho bãi hoặc vận chuyển nội địa.
Công ty chứng khoán SSI Research lại cho rằng, ngành Logistics Việt Nam không tham gia vào vận tải biển liên lục địa, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá cước trên các tuyến đường dài.
Kết quả, khép lại nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp logistics đã dần cho thấy sự phục hồi rõ nét so với năm 2020. Theo thống kê của người viết, các doanh nghiệp logistics phần lớn đều có kết quả kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.
Doanh nghiệp logistics được chia ra thành 3 nhóm chính là nhóm khai thác cảng, nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi, nhóm vận tải đường thủy.
Nhiều doanh nghiệp giảm lãi hoặc... thua lỗ
6 tháng đầu năm 2021, CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) thuộc nhóm vận tải đường thủy ghi nhận doanh thu tăng 29% so với cùng kỳ, lên hơn 348 tỷ đồng. Song tỷ lệ tăng giá vốn cao hơn doanh thu, lên đến 55% nên lợi nhuận gộp giảm 51% so với cùng kỳ, còn hơn 27 tỷ đồng.
Nhìn chung các khoản chi phí tại VIP đều tăng, trong khi doanh thu tài chính giảm 33% khiến VIP lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 35 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế tại VIP giảm mạnh 74%, xuống còn 19 tỷ đồng
Trong năm 2021, VIP đặt kế hoạch doanh thu hơn 880 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện năm trước. Ngược lại, lãi sau thuế lại giảm 51%, xuống còn 32 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch, VIP thực hiện được hơn 40% chỉ tiêu doanh thu và hơn 70% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021.
Cũng trong nhóm vận tải đường thủy song tình hình kinh doanh tại CTCP Vận tải Biển Việt Nam (VOS) lại khả quan hơn rất nhiều.
Nửa đầu năm, VOS ghi nhận doanh thu giảm 14%, xuống còn 580 tỷ đồng. Đặc biệt, VOS báo lãi ròng hơn 222 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 118 tỷ đồng. Do đó, lỗ lũy kế tính đến 30/06/2021 của VOS cải thiện, ghi nhận lỗ hơn 699 tỷ đồng (đầu năm lỗ lũy kế hơn 921 tỷ đồng).
Tương tự, CTCP MHC báo lãi ròng đạt 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 78 tỷ đồng, vượt hơn 50% chỉ tiêu năm 2021.
Tại nhóm khai thác cảng, CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (MAC) ghi nhận lỗ nặng trong nửa đầu năm 2021.
Cụ thể, trong kỳ, doanh thu tại MAC giảm 13% còn 45 tỷ đồng. Các khoản chi phí đều giảm song lợi nhuận khác lại lỗ hơn 1,2 tỷ đồng khiến MAC lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ lỗ hơn 610 triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ là trường hợp của CTCP Cảng Cát Lái (CLL) khi doanh thu giảm 12%, còn gần 146 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của CLL cũng giảm 17% xuống còn 41 tỷ đồng.
Ngược lại, CTCP Gemadept (GMD) lại ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm 2021 tăng 19% lên 1.439 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 39% đạt. Tương tự, CTCP Cảng Hải Phòng cũng ghi nhận lãi ròng hơn 300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 đạt 221 tỷ đồng; CTCP Transimex (TMS) báo lãi ròng ghi nhận hơn 215 tỷ đồng, tăng 55%;...
Doanh nghiệp logistic nhóm hỗ trợ vận tải đua nhau 'bứt phá'
Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang trên đà hồi phục và được dự báo còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới, có thể là một trong những lĩnh vực bứt phá mạnh nhất trong năm 2021.
Nửa đầu năm 2021, loạt doanh nghiệp logistics thuộc nhóm hỗ trợ vận tải như TMS, GMD đua nhau báo lãi đậm.
Ngoài ra, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng báo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 149 tỷ đồng, so với kế hoạch đề ra năm 2021 là 157,8 tỷ đồng thì đã hoàn thành tới 94,5% mục tiêu chỉ sau nửa đầu năm.
Hay như CTCP Kho vận Miền Nam (STG) đạt 1.348 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 61% so với cùng kỳ; lợi nhuận công ty mẹ đạt 128,4 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ 11 tỷ đồng. Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 2/2021, STG đã hoàn thành được 57,7% mục tiêu về doanh thu và 63,6% mục tiêu về lợi nhuận.
Tương tự, Tân Cảng Logistics (TCL) đạt hơn 602 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 61,5 tỷ đồng, cao gấp rưỡi kết quả nửa đầu năm 2020. EPS 6 tháng đạt 1.706. Như vậy kết thúc 6 tháng đầu năm, TCL đã hoàn thành được hơn 1 nửa mục tiêu về doanh thu và hơn 56% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Một số doanh nghiệp trong nhóm hỗ trợ vận tải này cũng ghi nhận lãi tăng trưởng như: Một số doanh nghiệp trong nhóm khai thác cảng này cũng ghi nhận lãi tăng trưởng như CTCP ICD Tân Cảng (ILB); CTCP Đại lý Hàng hải Việt Nam (VSA);...
Với bức tranh kinh doanh tươi sáng, cổ phiếu nhóm ngành logistics đang gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, dù vẫn có một số mã giảm giá do nội lực kém của doanh nghiệp.