Nghệ An: Đầu tư hạ tầng logistics giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt đại dịch

Dịch COVID-19 bùng phát ở Nghệ An khiến cước vận chuyển container tăng cao, các dịch vụ logistics kèm theo đều đang gặp khó khi thiếu nhân công, tài xế, chi phí vận chuyển khác, khiến doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm này chồng chất khó khăn, càng làm càng lỗ.

Cước phí vận tải tăng cao, doanh nghiệp càng làm càng lỗ

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Nghệ An đang bị thu hẹp, lượng hàng hóa lưu thông qua cảng Cửa Lò đã giảm sút rõ rệt so với những tháng trước đây. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu ở Nghệ An, trong tâm dịch COVID-19 không chỉ cước vận chuyển container tăng cao, các dịch vụ logistics kèm theo đều đang gặp khó khi thiếu nhân công, tài xế, chi phí vận chuyển khác, khiến doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm này khó chồng khó, càng làm càng lỗ.

Nghệ An: Đầu tư hạ tầng logistics giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt đại dịch - Ảnh 1

Đơn cử như Công ty Cổ phần Vilaconic xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới bằng đường hàng hải. Các mặt hàng chủ yếu như gạo, tinh bột sắn, hồ tiêu…với sản lượng khoảng 20.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 7 triệu USD. Nay với chi phí cước vận tải biển tăng cao khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đại diện Vilaconic, do dịch bệnh nên lượng Container 20 và 40 feet bị thiếu hụt, vì thế phí dịch vụ cước phí vận tải tăng lên đột biến. Ví dụ, trước đây giá cước vận tải chỉ 300-400 USD/1 container xuất đi Dubai (các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) thì nay tăng lên 3.000 USD; hay như xuất khẩu gạo sang Chi Lê (Nam Mỹ) trước chỉ 1.700 USD/1 container thì nay tăng lên đến 8000-9000 USD/1 container nên mức độ đội chi phí lên cho doanh nghiệp là rất lớn.

Cùng quan điểm, ông Trần Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng, chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc cho biết: Dịch COVID-19 tại Nghệ An đang diễn biến phức tạp, cả tỉnh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như hiện nay thì công ty An Hưng phải chuyển phương án “3 tại chỗ” nên sản xuất hạn chế chỉ được 1/4 công suất. Trong khi đó, các chi phí vận chuyển hàng hóa trên đường tăng cao, ăn thẳng vào giá thành. Dù vậy, các đơn hàng đã ký kết từ trước vẫn phải đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng cho các đối tác.

Ông Yên Văn Phúc, Phó giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Cảng Cửa Lò, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng qua cảng Cửa Lò đều ổn định và có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đến tháng 7, 8 do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lượng hàng hóa giảm rõ rệt. Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu do công tác phòng chống dịch nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, ngoài ra nhu cầu về nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa phục vụ sản xuất cũng giảm sút. Vì thế, lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Cửa Lò những tháng gần đây giảm sút là điều tất yếu.

Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, trong lịch sử xuất khẩu và các dịch vụ logistics chưa có khi nào tăng mạnh như vậy. Rõ ràng đây là một gánh nặng gây áp lực lên các doanh nghiệp. Có thể thấy, các chi phí vận chuyển container tăng cao, các dịch vụ logistics kèm theo đều đang gặp khó khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chịu cảnh xuất nhiều nhưng càng làm lại càng lỗ.

“Gỡ khó” giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Theo số liệu từ Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An ước đạt hơn 850,7 triệu USD. Trong đó xuất khẩu hàng hóa của quý 1 và 2 ước đạt 537 triệu USD. Riêng năm 2021, ngành công thương tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 7,1 % so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phấn đấu đạt 910 triệu USD. Tuy nhiên, do cước phí vận chuyển tăng cao khi dịch COVID-19 bùng phát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Nghệ An: Đầu tư hạ tầng logistics giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt đại dịch - Ảnh 2

Để gỡ khó giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt qua đại dịch, ông Hoàng Minh Tuấn cho rằng, trước mắt Sở Công thương Nghệ An sẽ trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để giảm giá thành dịch vụ, đồng thời đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người lao động để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Còn về lâu dài, tỉnh Nghệ An phải huy động tối đa mọi nguồn lực để từng bước hoàn thiện về cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, giao thông đường bộ, đường sắt, thông tin, các trung tâm logistics để phục vụ các dịch vụ.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn ngày 27/8/2021 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 496/KH-UBND về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Cụ thể, tỉnh Nghệ An sẽ thu hút và xã hội hóa việc đầu tư, kết nối hạ tầng logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực để từng bước hoàn thiện cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, giao thông đường bộ, đường sắt. Cùng đó, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng đẩy mạnh kết nối lưu thông hàng hóa tới các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Việt Nam- Lào -Thái Lan - Myanmar.

Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất quản trị theo chuỗi cung ứng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng ứng dụng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng số và công nghệ mới trong logistics. Xây dựng mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với cung cấp dịch vụ logistics khép kín, hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải… ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao về logistics. Doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa.

Thủy Tiên

Theo Doanh nghiệp Việt Nam