Thích nghi với thuế đối ứng: 'Tái chiến lược giá bán, san sẻ 1 phần gánh nặng với đối tác'

Theo ông Trương Đắc Nguyên -Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh chiến lược để thích nghi với những thay đổi mới và hạn chế rủi ro.

Tối 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald J.Trump tuyên bố trên Truth Social về việc đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm. Mặc dù chưa có những thông tin cụ thể và chính thức song động thái này ngay lập tức thu hút được sự chú ý của giới phân tích lẫn các doanh nghiệp trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Đắc Nguyên - Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, khung thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam về thuế đối ứng còn lỏng lẻo: thỏa thuận hiện tại mới chỉ là khung sơ bộ - loose framework), nhiều chi tiết quan trọng vẫn chưa được thống nhất, đặc biệt là tiêu chí xác định hàng hóa trung chuyển - transshipping và các lĩnh vực khuyến khích.

Tuy nhiên, nếu theo như chia sẻ của Tổng thống Trump, bất kỳ hàng hóa nào ‘Made in Vietnam’ xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 20%. "Đây là mức thuế cao hơn nhiều so với mức 0 - 5% trước đây cũng như cao hơn mức thuế tạm 10%. Nếu so với các kịch bản trước đó của các trung tâm phân tích thì đây là kịch bản trung lập, song vẫn còn cần so sánh thêm với các mức thuế áp lên các đối thủ cạnh tranh”, ông Nguyên nhận định.

Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS).
Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Với kịch bản này, lợi nhuận dự kiến của nhóm doanh nghiệp đại diện trên sàn sẽ giảm 5,6%, đạt 13,4% trong cả năm 2025. Một số ngành có mức tăng trưởng thấp được dự báo là ngành công nghiệp (7,2%), hàng tiêu dùng thiết yếu (0,7%), hàng tiêu dùng không thiết yếu (8,2%), y tế (7,6%), năng lượng (6,9%),… Đây là mức tăng trưởng khiêm tốn so với kỳ vọng trước đó.

Ông Nguyên nhận định, mức thuế 20% mà Mỹ áp dụng là đánh vào bên nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, tức là doanh nghiệp Mỹ phải trả. Một số doanh nghiệp Việt cho rằng với mức tăng giá 20% thì nhà xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ không cần phải san sẻ phần thuế này cho đối tác. Tuy nhiên, trong trường hợp các đối thủ xuất khẩu của Việt Nam bị áp mức thuế thấp hơn, doanh nghiệp Việt có thể sẽ phải “bớt” đi một phần lợi nhuận, giảm giá bán để tăng sức cạnh tranh.

Đáng chú ý, thỏa thuận cũng bao gồm một điều khoản cứng rắn nhắm vào hành vi transshipping. Những hàng hóa này sẽ bị đánh thuế trừng phạt lên tới 40%. Trong trường hợp hàng hóa được biến đổi đáng kể về vật chất tại Việt Nam, Mỹ sẽ xem xét chấp nhận là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam và chỉ áp mức thuế 20%.

Chia sẻ thêm, ông Nguyên cho rằng, dù chưa chắc chắn nhưng nhiều khả năng các mặt hàng do những tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Samsung, Nike hay Intel đặt gia công, sản xuất tại Việt Nam sẽ không bị áp mức thuế cao đến 40% bởi điều này giống như Mỹ đang “tự bắn vào chân mình”.

Nhận định về tình hình sắp tới, vị đại diện TPS cảnh báo Mỹ sẽ siết chặt kiểm tra xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp đơn giản hay chỉ thay đổi bao bì cho hàng Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ sẽ rất dễ bị phía Mỹ kết luận là transhipping, từ đó phải đối mặt với mức thuế 40%.

Mặc dù cho rằng hai bên vẫn còn nhiều bất đồng cần giải quyết và các vấn đề liên quan đến mức thuế còn có thể tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến chính trị và kinh tế, song ông Trương Đắc Nguyên cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh chiến lược để thích nghi với những thay đổi mới và hạn chế rủi ro.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần chủ động xin và lưu trữ đầy đủ Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) nhằm chứng minh hàng hóa có nguồn gốc thực sự từ Việt Nam, tránh bị đánh đồng với hàng “lách xuất xứ” từ nước thứ ba.

Về dài hạn, doanh nghiệp Việt cần tăng tỷ lệ nội địa hóa một cách thực chất để đáp ứng tiêu chí xuất xứ "Made in Vietnam", đồng thời rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt là nguồn linh kiện, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc nếu hướng tới thị trường Mỹ.

Song song với việc ứng phó ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt cần chủ động mở rộng “sân chơi” xuất khẩu ra các thị trường ít rủi ro hơn như châu Âu, Nhật Bản, ASEAN nhằm giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ, ông Trương Đắc Nguyên nhấn mạnh.

Một lưu ý khác là các doanh nghiệp có thể phải cân nhắc việc tái chiến lược giá bán, không loại trừ khả năng phải san sẻ một phần gánh nặng thuế với đối tác nếu đối thủ cạnh tranh khu vực được hưởng mức thuế thấp hơn. Ngoài ra, biến động tỷ giá trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bất ổn cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng, tránh để chi phí đội lên bất ngờ khi bước vào mùa cao điểm đơn hàng cuối năm, vị chuyên gia này chia sẻ.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance