Chi tiết phương án quy hoạch 2 thành phố mới ở hai đầu cửa ngõ Thủ đô

Cụ thể, hai thành phố mới dự kiến được đặt ở TP Bắc sông Hồng thuộc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và TP phía Tây thuộc vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045.

Trong đó, tờ trình có nêu phương án quy hoạch định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn) và thành phố phía Tây Hà Nội (khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai) cùng với 5 trục phát triển. Tổng diện tích khoảng 884 km2, quy mô dân số vào năm 2045 khoảng 4,45 triệu người.

Khu vực phía Tây Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Báo Lao động.
Khu vực phía Tây Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Báo Lao động.

Hai thành phố mới của Hà Nội có đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như tăng số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 1 lên 2), tăng số lượng phó chủ tịch UBND (từ 3 lên 4), tăng đại biểu HĐND chuyên trách (từ 6 lên 9).

TP phía Tây Hà Nội: Khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo

Với quy mô khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116km2, dân số khoảng 0,12 triệu người.

Thành phố định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục…

Thành phố cửa ngõ phía Bắc: Đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế

TP phía Bắc Hà Nội bao gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh. Ảnh: UBND TP.
TP phía Bắc Hà Nội bao gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh. Ảnh: UBND TP.

Tổng diện tích TP phía Bắc sông Hồng rộng khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa…

Thành phố dự kiến khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Theo Chất lượng và cuộc sống