Chiêu trò lừa đảo tinh vi thường thấy trong đầu tư nhà đất

Đầu tư nhà đất vốn là kênh đầu tư “hái ra tiền” được nhiều người ưa chuộng trên hết vì lợi nhuận hấp dẫn mà nó đem lại. Nhận thấy nhu cầu được tham gia vào giới đầu tư bất động sản ngày càng tăng, lợi dụng những người mới tham gia vào thị trường và chưa có nhiều kinh nghiệm, không ít tên lừa đảo đã giăng “lưới” tinh vi để bắt trọn “con mồi”.

Chiêu trò lừa đảo tinh vi thường thấy trong đầu tư nhà đất - Ảnh 1

Mở khóa dạy đầu tư để lừa tiền người học

Trong một “bẫy” lừa đảo dạy cách đầu tư, kẻ lừa đảo sẽ đề cập đến những chiến lược “đã được cấp bằng sáng chế”, “đã được kiểm nghiệm” hoặc “đã được chứng minh” (hoặc điều gì đó tương tự), chúng sẽ dạy học viên cách kiếm tiền khi đầu tư vào bất động sản. Chúng hứa rằng cách tiếp cận đầu tư này sẽ giúp người mới tham gia vẫn có thể thành công và thậm chí không phải làm gì mà vẫn có tiền.

Chúng thu hút sự chú ý của người mới bằng các bài viết trên trang mạng xã hội, khuyến khích tham dự các sự kiện miễn phí hoặc xem video giới thiệu miễn phí. Nhưng sau đó, người tham gia khóa học sẽ phải trả một khoản phí khổng lồ để có được những bài học mà những kẻ xấu hứa hẹn. Chúng sẽ đưa ra thật nhiều ví dụ điển hình cho thấy bằng những câu chuyện thành công của những người đã sử dụng “bí quyết” của chúng. Nhưng sẽ không có cách nào để xác minh những câu chuyện đó là thật.

Vụ việc điển hình của anh N.T.V tại TP.HCM liên quan đến chiêu trò lừa tiền khi đăng ký khóa học đầu tư từ nhóm tự xưng là chuyên gia môi giới bất động sản hàng đầu. Theo anh V., chúng tạo ra một hồ sơ doanh nghiệp tinh vi và cách dẫn dắt vô cùng chuyên nghiệp. Vốn chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, với sức hấp dẫn và lượng tương tác cao của khóa học trên các trang mạng xã hội, anh dần bị thuyết phục trước sự chuyên nghiệp và tận tình của đội ngũ tư vấn. Chúng cho phép anh tham gia một buổi học thử online miễn phí, sau đó nếu thấy phù hợp, anh sẽ đóng tiền học phí với số tiền hơn 10 triệu đồng cho khóa cơ bản.

“Sau khi xem thử một buổi học, tôi thấy lượng học viên tham gia rất đông và người dạy trông cũng rất đĩnh đạc. Vì thế, ngay khi nhân viên tư vấn khóa học liên hệ lại, tôi đồng ý và xuống tiền tham gia khóa học. Điều khiến tôi hối hận đến bây giờ, đó là không lưu giữ lại hóa đơn hay thông tin xác nhận từ phía bọn chúng, để rồi khi có được tiền, chúng chặn hết mọi phương tiện liên lạc sau khi tôi cố gắng hỏi về mã đăng nhập vào lớp học.”

Đây không phải là trường hợp duy nhất khi đề cập về vấn đề lừa đảo qua không gian mạng hoặc lợi dụng phương thức truyền thông để lấy được sự tin tưởng từ “con mồi”.

Nguồn ảnh: Internet  
Nguồn ảnh: Internet  

Lừa đảo nghìn tỷ từ hội thảo “làm giàu”

Các cuộc hội thảo trực tiếp và trực tuyến về cách đầu tư vào bất động sản thường quảng cáo dạy các nhà đầu tư cách kinh doanh “phi rủi ro”. Những kẻ lừa đảo có thể thu hút “con mồi” bằng những lời đảm bảo tự do tài chính và chúng sẽ dạy bạn cách kiếm thật nhiều tiền. Nhưng có vô số hội thảo đầu tư bất động sản là lừa đảo.

Đừng để bị lừa bởi những câu chuyện thành công của những người nói rằng họ đã kiếm được rất nhiều tiền mà không tốn nhiều thời gian, công sức và rủi ro. Nguy hiểm hơn, một số hội thảo còn có cả những người nổi tiếng tâng bốc về dự án hay bài học thành công. Đó đều là chiêu trò quảng cáo và không đáng tin cậy. Lừa đảo đầu tư bất động sản thường sử dụng chứng nhận giả và trả tiền để những người trong “ví dụ thành công” đến đảm bảo cho chương trình đầu tư hay dự án đầu tư.

Đối với hầu hết những người đổ tiền vào các cuộc hội thảo đầu tư bất động sản này, phổ biến là lợi nhuận thu được không tương đương với những lời quảng cáo. Trên thực tế, hầu hết những nhà đầu tư này không bao giờ nhận lại được số tiền họ đã bỏ ra.

Vụ việc gây xôn xao dư luận với bị cáo H., là người đã tự xưng là tiến sĩ từng có nhiều năm kinh doanh tại Nga, tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang web để kêu gọi hàng trăm cá nhân gửi vốn đầu tư với lãi suất cao để chiếm đoạt. Đáng nói là chỉ bằng chiêu trò như vậy, H. đã thu hút được hàng ngàn cá nhân ký kết gần 10 ngàn hợp đồng đầu tư.

Theo lời khai của các bị hại, thông qua quan hệ bạn bè, người quen và các thông tin trên Internet, các cuộc hội thảo do công ty này tổ chức, họ biết đến công ty đang triển khai các dự án có tiềm năng, có chương trình góp vốn đầu tư với lãi suất cao... Tin tưởng các thông tin này, họ đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư. Nhiều người sau khi ký hợp đồng chưa nhận được một khoản tiền lãi nào như cam kết.

Làm thế nào để tránh lừa đảo đầu tư

Là một người mới và mong muốn tham gia vào giới đầu tư, người chưa có kinh nghiệm thường là miếng mồi ngon cho những tay lừa đảo chuyên nghiệp. Đặc biệt với sự hỗ trợ của truyền thông và công nghệ, những chiêu thức lừa đảo ngày một tinh vi và khó đoán hơn. Vì thế, người có ý định tham gia bất kỳ sự kiện đầu tư cần trả phí đều phải suy xét thật kỹ trước khi quyết định xuống tiền để không để “tiền mất tật mang”.

Số liệu thống kê và giấy chứng nhận có thể được làm giả. Những kẻ lừa đảo muốn người xem tin rằng chương trình của họ luôn thành công. Chúng có thể đưa ra các bài đánh giá hoặc câu chuyện của những người đã sử dụng chương trình và kiếm được nhiều tiền. Nhưng đó có thể là những diễn viên được trả tiền hoặc những đánh giá bịa đặt.

Không ai có thể đảm bảo khoản đầu tư đó thực sự có thể hoàn vốn hay có lãi. Những kẻ lừa đảo có thể tuyên bố rằng bạn sẽ kiếm được vài tỷ đồng mỗi ngày hoặc mỗi tháng trong suốt cuộc đời. Nhưng chúng không đề cập đến rủi ro. Không ai có thể đảm bảo rằng một khoản đầu tư sẽ thành công. Và nếu được đặt câu hỏi về khoản đầu tư, chúng sẽ đưa ra những câu trả lời mơ hồ và chỉ tập trung vào số tiền mà người tham gia được cho là sẽ kiếm được.

Vì vậy, trước khi đầu tư, hãy dành thời gian để nghiên cứu chương trình hay dự án đầu tư bất động sản. Những kẻ xấu muốn bạn nghĩ rằng bạn là một trong số ít những người may mắn có thể tham gia chương trình và thúc giục “con mồi” đưa ra quyết định nhanh chóng. Đừng để chúng gây áp lực mà hãy tìm kiếm trên internet về tên của công ty tổ chức chương trình hay dự án đầu tư với các cụm từ như “đánh giá”, “lừa đảo” hoặc “khiếu nại”. Kinh nghiệm của những người khác với công ty này có thể giúp phán đoán các vấn đề có thể xảy ra.

Đừng bao giờ đầu tư chỉ dựa trên những gì đọc được từ bài đăng trên blog của chính công ty tổ chức chương trình. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng những câu chuyện về sự thành công của các cá nhân hoặc tổ chức nào đó để làm mồi nhử. Chúng thường khẳng định rằng "cơ hội" đầu tư có một không hai. Vì thế, hãy chắc chắn rằng mình đã nghiên cứu kỹ cơ hội đầu tư trước khi cam kết.

Kim Yến

Theo Chất lượng và Cuộc sống