Chính phủ duyệt nhiều cơ chế đặc thù làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gần 21.000 tỷ đồng

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều khoảng 117,5km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỷ đồng

Chính phủ duyệt nhiều cơ chế đặc thù làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gần 21.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I.

Theo nghị quyết của Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án đối với dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Đắk Lắk và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 20/1/2023 để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật bảo đảm phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

Các địa phương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Các địa phương chủ trì xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có), bảo đảm tiến độ thi công.

Chính phủ cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc như thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư;

Khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần tuân thủ đúng các giai đoạn, bước thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án được áp dụng các cơ chế theo các nghị quyết của Chính phủ.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, nhưng chưa cấp giấy phép khai thác được áp dụng cơ chế đặc thù như tước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trình tự thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

Chí Bình

Theo VietnamFinance