Chọn dự án 'điểm' để gỡ khó, khơi thông đầu ra
Nhận định về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định trong bối cảnh mọi nền kinh tế đều phải hứng chịu rất nhiều tổn thất nặng nề từ dịch bệnh và khủng khoảng sau dịch thì những kết quả mà Việt Nam đạt được là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025. Vị ĐBQH này cho rằng cần chọn một số dự án quy mô lớn để giải quyết dứt điểm, như vậy sẽ khơi thông được đầu ra, từ đó giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường vốn.
- Chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025, thưa ông?
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; bội chi giai đoạn 3 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công đã được thúc đẩy; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực.
Tôi cho rằng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại đã phần nào phục hồi và vẫn đang trong quá trình phục hồi tốt.
- Bối cảnh hiện tại liệu có thuận lợi cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025 hay không?
Bối cảnh hiện tại đặt nền kinh tế trước rất nhiều thách thức. Đầu tiên, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, lạm phát và lãi suất cao vẫn tạo nên áp lực lớn với các nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới thì đây là sức ép lớn đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách trong nước.
Hiện nay, chúng ta đang kích cầu đầu tư công ở mức tối đa nhưng vấn đề nằm ở chỗ những “nút thắt” chính sách liên quan đất đai, bất động sản, thể chế làm cản trở tăng trưởng kinh tế chưa được tháo bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, lãi suất huy động dù đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn ở trạng thái “giảm từ từ”. Điều này khiến doanh nghiệp vẫn “ngại” vay vốn.
Thị trường vốn dù đã có tín hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững. Cụ thể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư trong khi lượng đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 rất lớn. Với thị trường cổ phiếu, sự trồi sụt thất thường thời gian qua cho thấy đây vẫn chưa phải là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.
- Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân lâm vào tình trạng rất khó khăn, theo quan sát của ông, liệu chúng ta có thể nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước, để khu vực kinh tế này “gánh bớt” gánh nặng của quá trình phục hồi kinh tế không, thưa ông?
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, 680 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ lượng tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp nhà nước nắm trong tay nguồn lực khổng lồ như vậy nhưng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Đây là vấn đề chúng ta nói đến trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tình trạng dường như không có quá nhiều sự thay đổi.
Về nguyên nhân, tôi cho rằng những vướng víu do thể chế, chính sách đã “bó” khu vực doanh nghiệp này lại. Nhiều năm qua, chúng ta vẫn nói đến giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước; tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp; xác định rõ Nhà nước là nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... nhưng trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chưa có ưu tiên sửa đổi thể chế liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là bài toán nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn sẽ lại đợi cơ chế, chính sách.
Do đó, để khu vực doanh nghiệp này phát huy được hiệu quả như mong muốn, thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta nên đặt ưu tiên trong năm nay và năm 2024 hoàn tất sửa đổi khung thể chế đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Còn đối với khu vực tư nhân, theo ông, nên làm gì để khu vực này bớt khó khăn?
Chính phủ không thể tìm kiếm đơn hàng cho doanh nghiệp, nhưng có thể hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong tìm kiếm thị trường, khách hàng... Trong năm qua, chúng ta ghi nhận sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát kinh doanh và công vụ. Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động này là cần thiết, nhưng nên đặt mục tiêu chính là để phát hiện sớm những sai sót và hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ cả cán bộ cơ quan nhà nước thực thi đúng, chứ không phải đặt mục tiêu xử lý và xử phạt. Đặc biệt, các hoạt động này phải được thực hiện theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh và hoạt động công vụ.
Ngoài ra, như tôi nhiều lần đề cập, việc ban hành các quy định mới làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp vào thời điểm này cần phải cân nhắc, có thể ngừng ban hành hoặc có lộ trình thực thi phù hợp.
- Làm sao để giải quyết dứt điểm những vấn đề trên, thưa ông?
Một lần nữa, tôi khẳng định những kết quả đạt được cho đến nay là “đáng trân trọng và ghi nhận”, những nỗ lực và sự chủ động trong bối cảnh hiện tại là vô cùng có ý nghĩa. Những giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đang thực hiện là toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên cần có sự ưu tiên, tập trung hơn để giải quyết dứt điểm các vấn đề đã được đặt ra.
Cụ thể, quan trọng nhất là khơi thông những nguồn lực hiện có, các nguồn lực đang nằm trong dự án đã triển khai, đang dang dở vì vướng mắc thể chế, pháp lý, vướng mắc phòng cháy, chữa cháy. Điểm chung của các dự án này là đã nhận diện được vướng mắc, có thể giải quyết dứt điểm, nhưng vẫn đang loay hoay chưa có lối ra.
Tôi đề nghị rà soát, lên danh mục chi tiết những dự án quy mô lớn thuộc diện vướng mắc đã được nhận diện, có thể có nghị quyết đặc thù, để tháo gỡ ngay, kịp thời, dứt điểm cho từng dự án. Với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần có nghị quyết của Quốc hội để giải quyết vấn đề cho những dự án cần “giải cứu”, chứ không chỉ là các nghị quyết về cơ chế chung hay nghị quyết thí điểm.
Quan điểm của tôi là không cầu toàn, chưa thể giải quyết đồng loạt, mà chọn giải quyết dứt điểm được một số dự án quy mô lớn thì sẽ khơi được đầu ra, khai thông được dự án thì sẽ liên thông giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường vốn.
Ngoài ra, bên cạnh việc tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính là đầu tư, xuất khẩu ròng và tiêu dùng, cần chú ý đến việc khơi thông các động lực “mềm” để tạo trợ lực cho tăng trưởng. Việc đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp một cách thực chất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây không chỉ là giải pháp mà có thể còn là liều thuốc tinh thần cho cộng đồng doanh nghiệp.