Chủ căn hộ tìm mọi cách tăng giá: Gánh nặng thuê nhà của người trẻ

Giá nhà tăng, người trẻ tuổi ở đô thị buộc phải chọn phướng án thuê nhà. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà tìm đủ lý do để liên tục tăng giá thuê khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh “ở cũng dở, đi cũng không xong”. Chi phí chỗ ở trở thành 1 chi phí ngày càng thêm nặng.

“Bong bóng” giá thuê nhà

Thay vì mua nhà – vốn là bài toán tài chính quá tầm với phần lớn người trẻ hiện nay, nhiều người lựa chọn giải pháp thuê nhà lâu dài. Thậm chí, không ít người xác định sẽ gắn bó cả đời với hình thức ở nhà thuê, đặc biệt tại các khu vực đô thị có giá nhà đất tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu ngày một lớn, giá thuê bất động sản, từ chung cư đến nhà mặt đất cũng “leo thang” liên tục. Lợi dụng xu hướng này, không ít chủ nhà liên tục tìm cách tăng giá, dù điều kiện nhà không có nhiều cải thiện.

Chị Lan Anh (22 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình đang thuê căn hộ chung cư hai phòng ngủ với giá 9 triệu đồng/tháng từ tháng 4/2024. Sau gần một năm, chủ nhà bất ngờ thông báo nếu muốn gia hạn hợp đồng, giá thuê sẽ tăng lên 12 triệu đồng/tháng và hợp đồng mới chỉ kéo dài 6 tháng.

“Mức tăng quá cao khiến gia đình tôi không kịp xoay sở. Ở lại thì vượt khả năng tài chính, mà chuyển đi thì chưa tìm được chỗ phù hợp. Ai cũng lo lắng”, Lan Anh chia sẻ.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với anh Xuân Bắc (Cầu Giấy, Hà Nội) – người đã thuê căn hộ 80m2 với giá 12 triệu đồng/tháng suốt hơn hai năm qua. Gần đây, chủ nhà liên tục gây áp lực yêu cầu tăng giá lên 15 – 16 triệu đồng vì cho rằng có người khác sẵn sàng trả cao hơn.

“Hợp đồng với tôi đã hết, họ muốn thương lượng lại để tăng giá. Nếu không đồng ý thì phải dọn đi. Tôi thực sự bị đặt vào thế không có lựa chọn”, Bắc cho biết.

Giá dịch vụ, điện nước “đội” theo

Ngay cả khi giá thuê cơ bản không thay đổi, nhiều chủ nhà lại tìm cách tăng các khoản phí kèm theo.

Chị Hải Anh (Đống Đa, Hà Nội) đang thuê một căn hộ studio 30m2 với giá 6 triệu đồng/tháng. Sau hơn một năm ở, phí dịch vụ và vệ sinh đã bất ngờ tăng từ 700.000 đồng lên 1 triệu đồng/tháng.

“Chủ nhà nói các chung cư xung quanh đều tăng nên họ cũng phải điều chỉnh theo. Nhưng nếu tăng trực tiếp giá thuê thì dễ bị so sánh, nên họ chọn cách tăng phí dịch vụ”, Hải Anh chia sẻ.

Giới trẻ "đau đầu" vì giá thuê chung cư tăng. Ảnh: Tuổi trẻ
Giới trẻ "đau đầu" vì giá thuê chung cư tăng. Ảnh: Tuổi trẻ

Không chỉ vậy, tình trạng giá điện “nhảy vọt” bất thường cũng khiến nhiều người thuê bức xúc. Trên một diễn đàn, tài khoản Phương Anh chia sẻ: “Mình về quê nửa tháng, thiết bị trong phòng đều tắt hết, vậy mà vẫn bị tính gần 1 triệu tiền điện. Phòng chỉ có điều hòa, nóng lạnh, mà điện không dùng vẫn bị tính cao”.

Nhiều người thuê khác cũng phản ánh tình trạng chủ nhà tùy tiện thay đổi mức phí với lý do “tự đặt”: thêm thành viên thì tăng gấp đôi tiền dịch vụ, nuôi thú cưng thì bị thu thêm phí vệ sinh dù không có nhu cầu, thậm chí bị giới hạn số lần giặt quần áo mỗi tuần.

Muôn kiểu tăng giá bị "phốt" trên các trang mạng xã hội.
Muôn kiểu tăng giá bị "phốt" trên các trang mạng xã hội.

Theo chia sẻ từ chị Mai, một môi giới bất động sản tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), giá thuê nhà hiện nay tăng vì nhiều nguyên nhân: nguồn cung hạn chế, chi phí bảo trì – đầu tư tăng, và ảnh hưởng từ thị trường mua bán. Đặc biệt, các khu vực trung tâm hoặc nằm gần trục giao thông lớn ghi nhận mức tăng rõ rệt, đẩy giá thuê ngày càng cao, tạo ra sự phân hóa rõ ràng giữa khu vực nội đô và ngoại thành.

Phân khúc chung cư mini vốn là lựa chọn phổ biến cho sinh viên và người lao động cũng không tránh khỏi làn sóng tăng giá. Tại Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng, giá thuê tăng từ 10 – 20%, dao động trong khoảng 2,8 – 5 triệu đồng/tháng. Riêng tại Thanh Xuân, giá có thể lên tới 5 – 7 triệu đồng/tháng.

Đối với nhà riêng, nhà nguyên căn, mức tăng cũng đáng kể. Các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân ghi nhận giá thuê dao động từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Khu vực ven trung tâm thấp hơn, khoảng 6,5 – 15 triệu đồng. Với căn hộ hai phòng ngủ, mức giá phổ biến tại Thanh Xuân hiện ở ngưỡng 10 – 12 triệu đồng/tháng – cao hơn so với giai đoạn trước.

Một số chủ nhà cũng chia sẻ lý do tăng giá. Chị Yến (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đang trả góp ngân hàng với lãi suất cao, nên phải tăng giá cho thuê để giảm bớt áp lực tài chính”.

Tương tự, anh Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Tôi sẽ đầu tư cải tạo lại toàn bộ dãy trọ theo phong cách trẻ trung, hiện đại nên cần tăng giá để bù chi phí”.

Giải pháp nào cho bài toán nhà ở của người trẻ?

Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), mặt bằng giá bán sơ cấp hiện được “neo” ở mức cao, khiến nhiều người trẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuê nhà. Cùng lúc, báo cáo từ Savills cho thấy, giá thuê căn hộ tại Hà Nội tăng đều mỗi năm với tốc độ 2 – 3%.

Tuy nhiên, việc thuê nhà dài hạn lại khiến người trẻ đối mặt với nhiều rủi ro: thiếu ổn định chỗ ở, không sở hữu tài sản thực tế, liên tục phải “gánh” chi phí vô hình khi thị trường mất kiểm soát. Theo các chuyên gia, đây là “khoản chi vô tận” khiến người thuê dễ rơi vào thế bị động, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động.

Trong bối cảnh này, một số chuyên gia và cơ quan chức năng đã đề xuất phát triển quỹ nhà ở cho thuê dài hạn với giá hợp lý, đặc biệt nhắm đến nhóm lao động trẻ, công nhân viên chức và trí thức trẻ. Chủ tịch VARS – ông Nguyễn Văn Đính – nhấn mạnh: “Cần phát triển mạnh nhà ở xã hội và nhà cho thuê dài hạn để giảm áp lực tài chính cho người trẻ, tạo cơ hội an cư và tích lũy tài sản”.

Nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, việc giá thuê tăng cao bất thường và thiếu minh bạch sẽ tạo ra mặt bằng giá ảo, một dạng “bong bóng” nguy hiểm cho cả người thuê lẫn thị trường. Khi giá trị thực tế không theo kịp giá thuê, hệ lụy không chỉ là bất ổn tài chính cho người dân, mà còn kéo theo sự méo mó trong phát triển thị trường bất động sản nói chung.

An Linh

Theo Vietnamfinance