Chủ đầu tư shophouse than trời vì không ai thuê sau dịch

Mặc dù hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại sau dịch Covid-19, nhưng tại nhiều dự án shophouse trên địa bàn TP.HCM vẫn “vắng tanh” khiến nhiều chủ đầu tư “khóc thét”. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu shophouse đã hết thời “gà đẻ trứng vàng”?

 

Chủ đầu tư shophouse than trời vì không ai thuê sau dịch - Ảnh 1

Qua rồi thời hoàng kim

Lùi về khoảng năm 2015, shophouse nổi lên là một phân khúc “đắt khách” được thị trường săn đón với làn sóng đua nhau “rót” tiền tỷ đầu tư loại hình bất động sản này. 

Với lợi thế vừa có thể dùng để ở, vừa có thể kinh doanh, shophouse thời điểm đó được xem như “gà đẻ trứng vàng” vì vừa có thanh khoản tốt do nhu cầu thị trường khi đó rất lớn; vừa tạo ra dòng tiền lớn và ổn định từ việc cho thuê mặt bằng. Mặc cho sở hữu mức giá bán “trên trời”, so với những ngôi nhà mặt phố trong cùng dự án, shophouse luôn cao hơn 1,5 - 2 lần nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Thế nhưng, trải qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, “thời hoàng kim” của shophouse dường như đã “lụi tàn”. Bằng chứng là, nhiều tháng sau khi TP.HCM bước vào giai đoạn “bình thường mới”, dù hoạt động kinh doanh đã có những dấu hiệu khởi sắc và nhộn nhịp trở lại, song nhiều dự án shophouse trên địa bàn thành phố vẫn “ế” khách thuê. 

Đơn cử, tại Khu đô thị Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM), dãy shophouse dọc theo trục đường Nguyễn Cơ Thạch, đang rao giá thuê 130 - 140 triệu đồng/tháng. Dù chủ sở hữu có cam kết giảm giá, hỗ trợ giá thuê mùa dịch, nhưng vẫn rất “đìu hiu”. Được biết, trước dịch, giá thuê một căn shophouse tại đây lên tới 250 - 300 triệu đồng/tháng. Như vậy, mặt bằng giá cho thuê tại dự án shophouse này đã giảm gần 50%, nhưng nhiều căn chẳng ai hỏi. 

Chị N.T.T, chủ một căn shophouse tại đây cho biết, giá một căn shophouse tại khu vực này dao động từ 70 - 80 tỷ đồng. Giá cho thuê chỉ dao động quanh mức một trăm triệu một tháng, so ra còn thua xa lãi suất tiền gửi ngân hàng. “Vậy mà tìm được người thuê cũng rất khó”. 

Tương tự, các căn nhà phố thương mại nằm trên trục đường Đồng Văn Cống (Quận 2, TP.HCM) có giá bán trung bình từ 27 - 35 tỷ đồng/căn. Chủ sở hữu cho thuê lại với giá từ 30 - 58 triệu đồng/tháng tùy vào nội thất của công trình, thế nhưng chẳng dễ để tìm được khách thuê. Theo ghi nhận, cả dãy shophouse hoành tráng chỉ thưa thớt vài căn đã có người thuê, còn lại trong tình trạng “cửa đóng then cài”, “nằm im hít bụi”. 

Cùng cảnh ngộ “ế ẩm” trên là những căn shophouse tại Khu đô thị Cát Lái. Được biết, những căn shophouse tại dự án này có giá lên tới cả chục tỷ đồng, nhưng giá thuê dao động chỉ 18 - 20 triệu đồng/tháng mà vẫn “khát” khách thuê. 

Theo so sánh trên các trang mua bán/cho thuê bất động sản, giá cho thuê shophouse bên dưới các tòa chung cư rẻ hơn đáng kể so với thời điểm trước dịch, và rẻ hơn nhiều so với những căn shophouse nằm trong dự án riêng lẻ. Thậm chí nhiều chủ sở hữu còn tung các “gói khuyến mãi” như giảm giá thuê, miễn phí tiền thuê 1 - 2 tháng đầu nhưng cũng chẳng thể hấp dẫn người thuê. 

Những căn shophouse treo biển cho thuê nhiều tháng nhưng không có khách thuê
Những căn shophouse treo biển cho thuê nhiều tháng nhưng không có khách thuê

Nguyên nhân do đâu?

Theo anh Lê Văn Đại, chủ sở hữu một căn shophouse, nguyên nhân khiến phân khúc này rơi vào tình trạng ế ẩm như hiện tại là do dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh trì trệ, doanh thu không có, tiền vốn cạn kiệt khiến khách thuê lũ lượt trả mặt bằng. 

“Hầu hết những căn shophouse được thuê với mục đích làm văn phòng, hay mở cửa hàng kinh doanh phục vụ người dân xung quanh khu vực. Thế nên chỉ vài tháng nghỉ dịch không có doanh thu là họ phải đóng cửa ngay.” 

Cùng chung tình cảnh với anh Đại là chị Lê Thị Ly. Chị cho biết, trước dịch, chị có mua một căn shophouse vừa để làm nhà ở, vừa để kinh doanh mặt hàng thời trang, trong đó 50% là tiền vay ngân hàng. 

Trước dịch, việc kinh doanh của chị Ly nhìn chung khá tốt. Thế nhưng, sau khi thành phố “mở cửa” sau dịch, công việc kinh doanh của chị ngày càng đi xuống, doanh thu sụt giảm, lợi nhuận chẳng thấm vào đâu, có những tháng còn lỗ do “khách hàng không mặn mà việc đến cửa hàng mua quần áo như trước nữa, họ chuyển sang mua online hết cả”. Với tình hình kinh doanh hiện tại, cộng thêm tiền lãi ngân hàng hàng tháng, chị cho biết mình đang rao cho thuê lại mặt bằng, tạm dừng việc kinh doanh của mình, nhưng “rao mãi chẳng thấy ai hỏi thuê”. 

Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 vừa qua là một “cú giáng đau điếng” vào kinh doanh trực tiếp, nhưng là một cú hích mạnh mẽ đối với lĩnh vực thương mại điện tử do một bộ phận đông đảo người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm sau dịch bệnh. 

Bằng chứng là, theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, gần 50% người dùng Việt Nam đã thay đổi thói quen tiêu dùng cũ, từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, có đến 53% người dân chọn sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng. 

Chính sự dịch chuyển thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã khiến các shophouse mất đi vị thế “con gà đẻ trứng” như trước. Trong khi đó, nguồn cung của phân khúc này này vẫn không ngừng được giới thiệu ra thị trường  trong khi nhu cầu không còn duy trì ở mức độ như trước. Điều này khiến thị trường có dấu hiệu “bội thực” shophouse dù giảm giá “thê thảm” nhưng chẳng ai mặn mà. 

Đạt Trần

Theo Chất lượng và cuộc sống