Chủ tịch Đỗ Quý Hải đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HPX, em trai đăng ký mua cùng khối lượng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX), ông Đỗ Quý Hải vừa đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HPX, tương ứng 3,29% số lượng cổ phiếu HPX đang lưu hành.
Mục đích giao dịch ông Hải đưa ra là cơ cấu danh mục đầu tư, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 27/12/2022 đến ngày 24/1/2023, phương thức là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký, số lượng cổ phiếu HPX ông Hải sở hữu sẽ giảm từ gần 69,6 triệu đơn vị còn gần 59,6 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại Hải Phát cũng giảm từ 22,89% còn 19,6% vốn điều lệ công ty.
Ở chiều ngược lại, cùng ngày đăng ký giao dịch với ông Hải, ông Đỗ Quý Đường - em trai ông Hải đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, bằng đúng số cổ phiếu ông Hải đăng ký bán. Phương thức giao dịch cũng là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận, thời gian giao dịch dự kiến cũng từ ngày 27/12/2022 đến ngày 24/1/2023.
Mục đích giao dịch của ông Đường cũng tương tự ông Hải là để cơ cấu danh mục đầu tư. Nếu hoàn tất, số lượng cổ phiếu HPX của ông Đường sẽ tăng từ 523.694 đơn vị lên hơn 10,5 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu công ty sẽ tăng từ 0,17% lên 3,46% vốn điều lệ.
Hiện, cổ phiếu HPX đang giao dịch trên thị trường chứng khoán với giá khoảng 5.000 đồng/cp. Như vậy, lô cổ phiếu mà ông Hải và ông Đường muốn mua/bán đang có giá thị trường khoảng 50 tỷ đồng.
Liên quan đến cổ phiếu HPX, trước đó, trong hai ngày 8 và 9/12, ông Đỗ Quý Hải tiếp tục bị bán giải chấp 4,15 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu về 22,88% vốn điều lệ.
Ngoài ra, trong ngày 9/12, bà Trần Thị Thanh Bình, em gái thành viên HĐQT độc lập của Hải Phát Invest cũng bán toàn bộ số cổ phiếu HPX sở hữu.
Nếu tính từ ngày 28/11 đến ngày 9/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp hơn 66,2 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 21,8% vốn điều lệ tại Hải Phát Invest.
Trước đó, ngày 30/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu tại Hải Phát Invest từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán toàn bộ 26.545.716 cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán toàn bộ 7.883.486 cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán toàn bộ 1.783.985 cổ phiếu. Sau giao dịch thoái toàn bộ, nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát.
Về tình hình kinh doanh, quý III/2022, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu thuần tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 726 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 3,5 lần, đạt 247 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu tài chính giảm 50% còn 5,3 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí tài chính tăng vọt 9 lần lên 99 tỷ đồng (chi phí lãi vay là 95 tỷ đồng). Tuy nhiên, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều ở mức thấp và được tiết giảm.
Nhờ vậy, Hải Phát Invest ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng mạnh gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 130 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu thuần tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.308 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 51%, đạt 526 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 34,7% lên 40,2%.
Trong 9 tháng, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 86%, còn 16 tỷ đồng; trong khi đó chi phí tài chính lại tăng mạnh 2,6 lần lên 296 tỷ đồng (chi phí lãi vay là 283 tỷ đồng). Dù Hải Phát Invest đã tiết giảm các loại chi phí khác (chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm 31%, còn 67 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn giảm 30%, còn 179 tỷ đồng.
Khép lại 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Hải Phát Invest giảm 29%, đạt 185 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, công ty có 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 36%.
Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Hải Phát Invest tăng nhẹ 7% so với đầu năm, đạt 10.286 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng tài sản, tiền và tương đương tiền sụt giảm đến 89%, còn 68 tỷ đồng. Đáng chú ý là các khoản phải thu tăng mạnh 54% so với đầu năm, đạt 3.741 tỷ đồng; hàng tồn kho đạt 3.807 tỷ đồng, không có nhiều biến động.