Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gợi ý giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động khi dịch bệnh kéo dài
Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FPT, để doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh kéo dài chính là giải pháp về
Dù đã nỗ lực thích ứng để duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng trước làn sóng to lớn của đại dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo số liệu từ Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, dưới tác động của dịch bệnh, trong 7 tháng đầu năm đã có 79.673 doanh nghiệp Việt Nam tạm dừng kinh doanh, giải thể, phá sản. 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước rơi vào tình trạng không có việc làm.
Một vấn đề nhức nhối đang được đặt ra lúc này là làm thế nào để doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay? Đây là câu hỏi lớn mà hầu hết các doanh nghiệp đều đang phải gồng mình xoay xở và cố gắng tìm cho mình câu trả lời phù hợp nhất.
Tại hội thảo trực tuyến “FPT eCovax – Liệu pháp số vượt dịch cho doanh nghiệp” diễn ra mới đây, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FPT cho biết, doanh nghiệp cũng giống như một thực thể sống. Do đó, họ cũng chịu những tác động của COVID-19 giống như con người. Cũng nhiễm bệnh, trở nặng và phá sản. Nhưng có điều tỷ lệ nhiễm bệnh, trở nặng và phá sản đang cao gấp nhiều lần so với con người. Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số nhiễm COVID-19 tương đương 0,3% dân số, tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 2,2% trên tổng số ca nhiễm nhưng với doanh nghiệp, tỷ lệ nhiễm bệnh là 90%, tỷ lệ phá sản/giải thể là gần 10%. Điều này gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế.
Theo ông Bình, để doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh kéo dài chính là giải pháp về kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh, sản xuất xanh, giao thông xanh, cảng xanh, vận tải xanh. Đây chính là những doanh nghiệp có khả năng duy trì sản xuất, kinh doanh an toàn, không gián đoạn. Giải pháp đó sẽ được các cấp chính quyền sớm ra chỉ đạo, kết hợp sản xuất và chống dịch, bảo toàn sinh mạng con người và an toàn xã hội.
Để giải thích rõ hơn về khái niệm này, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho biết, doanh nghiệp xanh là doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí như cán bộ nhân viên được tiêm đủ vaccine, duy trì 5K trong sản xuất, vận hành và giao tiếp; áp dụng các công cụ, công nghệ để trong mọi tình huống khẩn cấp và vẫn đang hoạt động hiệu quả.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng băng các hoạt động của mình. Khách hàng không có, nếu có thì khó trả tiền mà trả tiền thì cũng không đủ để nuôi quân, duy trì sản xuất. Đơn hàng không được giao, chậm thanh toán. Cạn vốn (oxy). Không còn oxy (vốn) đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó có thể tồn tại. Đó cũng là một trong những vấn đề nan giải mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Hiện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đang làm việc với các hiệp hội để đề xuất bảo vệ người lao động, bởi còn người là còn doanh nghiệp.
"Chúng tôi đang đề xuất trong các gói hỗ trợ, phải có gói bảo vệ sinh kế, đề xuất chính phủ và chính quyền các cấp có thể đứng ra bảo lãnh để các ngân hàng thương mại chi trả chi phí cố định, điện nước cho doanh nghiệp. Vượt qua đại dịch, doanh nghiệp sẽ có khả năng trả đủ cho ngân hàng, nếu không vượt qua được, tỷ lệ đó cũng rất rất nhỏ, và vẫn đảm bảo nền kinh tế khoẻ mạnh", ông Bình nói.
Từ đó, ông Bình cho rằng, việc quan trọng nhất với các doanh nghiệp lúc này là cần phải tăng cường “oxy” (vốn) và phải tự tạo một cho mình “tấm khiên” chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh đã tạo ra như nguồn cầu giảm sút, thiếu hụt nguồn tiền, duy trì kênh tương tác với khách hàng, đứt gãy giao tiếp hay khó quản trị hiệu suất do vận hành từ xa… Trong đó, chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ là tất yếu.