Doanh nghiệp bất động sản đang cạn vốn

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện có khoảng 30 – 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau với số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng.

 

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng

Tại tọa đàm mới đây, đánh giá về nguồn vốn đối với thị trường bất động sản năm 2022, ông Lực cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến hết tháng 6/2022, nguồn vốn tín dụng bất động sản đã tăng vượt 14%.

Theo đó, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với mức 9,35% tăng trưởng tín dụng chung và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%.

Bên cạnh vốn tín dụng từ ngân hàng, đến hết tháng 7, vốn tư nhân (vốn góp) khoảng 60.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022).

Cùng với đó, đến hết tháng 7, tổng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung vào bất động sản đạt 2,06 tỷ USD (chiếm 16%), đứng thứ 2, đăng ký góp vốn và mua cổ phần đạt 1,15 tỷ USD (chiếm 44,7%); giải ngân FDI vào bất động sản đạt 1 tỷ USD (chiếm gần 8,7%).

Về kênh trái phiếu doanh nghiệp đến tháng 7, toàn thị trường phát hành hơn 200 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so cùng kỳ); trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành 45.000 tỷ (chiếm 22,4%), giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, hiện tượng đọng vốn cho doanh nghiệp gần đây đang là một điều nhức nhối, là dư cung, thừa nguồn và thiếu vốn. Hiện có khoảng 30 – 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau với số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng. Trước đây họ gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng. Bên cạnh đó, nó làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản, dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế,…

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay dư địa cho vay bất động sản vẫn còn, đặc biệt là phân khúc nhà ở và những phân khúc thiếu nguồn cung khác.

"Tôi đồng tình chỉ tăng trưởng trên cơ sở kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, kiểm soát rủi ro nhưng vẫn phải để thị trường phát triển", ông Lực nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng, vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là dư cung, thừa nguồn và thiếu vốn. Nhiều dự án "đắp chiếu" do chủ đầu tư không có tiền triển khai, không có tiền giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nguồn vốn chiếm dụng của nhà thầu trong vài năm gần đây rất lớn, chiếm tới 20% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản.

“Tình trạng này nếu kéo dài do dòng tiền bán hàng từ bất động sản gặp khó khăn thì có thể khiến nhiều nhà thầu thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhiều tập đoàn xây dựng hay sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng đang có dòng tiền âm kéo dài, gây ảnh hưởng toàn diện đến tiến độ dự án và hệ quả cuối cùng là nguồn cung bất động sản ra thị trường - vốn đang rất thấp - có nguy cơ tiếp tục thắt chặt”, ông quan ngại.

Cũng theo ông Nghĩa, nếu thị trường chậm hồi phục cộng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đình trệ, giải ngân vốn đầu tư công chậm không đủ lan tỏa thì nguồn vốn bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn.

Ông Nghĩa nói và đề xuất cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc các giải pháp để gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống