Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn: Đề nghị 4 luật có hiệu lực từ 1/8/2024 là vấn đề cấp bách
Theo đề xuất, 4 luật được đề xuất sớm thi hành bao gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng số.
Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp sẽ cho ý kiến 1 dự thảo luật sửa 4 luật và 1 dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024.
Cụ thể là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các dự thảo luật và nghị quyết trên là vấn đề cấp thiết, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ trình thông qua để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
"Đây là vấn đề cấp bách, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đề nghị 4 luật có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng (từ ngày 1/8/2024). Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tiếp tục bàn cho kỹ, đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo đủ điều kiện và cơ bản đáp ứng được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiện nay", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
"Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị những vấn đề này. Trên cơ sở ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, đề nghị các cơ quan khẩn trương tổ chức thẩm tra theo chức năng, nhiệm vụ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phiên họp tập trung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 8 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.
Cũng tại phiên họp thứ 34, các đại biểu sẽ cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban và xem xét, quyết định về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2023.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì các nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, báo cáo ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cần xin ý kiến.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quan điểm, đề xuất cụ thể các phương án, nội dung chỉnh sửa làm cơ sở cho các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, đầy đủ, thấu đáo để tổng hợp báo cáo, xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7", Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Trước đó, vào ngày 9/6, Chính phủ đã đề nghị 4 luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng số có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.