Chủ tịch VCCI: Rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý

Từ kinh nghiệm tiếp xúc với doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong những đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có

Tại hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29/3, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, sau một thời gian dài đối mặt với dịch bệnh COVID-19, hiện không khí chung của cả nước là rất tự tin, đặc biệt là giới doanh nhân, doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên, nhìn lại năm 2021, đây là năm rất khác với nhiều lo lắng, băng khoăn, thậm chí mất bình tĩnh bởi đại dịch. Có những thời điểm một loạt DN phải thực hiện "3 tại chỗ" hoặc đóng cửa. Do đó, lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam tính GDP theo quý, GDP đã tăng trưởng âm trong quý 3 năm 2021.

"Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả các DN và mọi lĩnh vực. Theo khảo sát của VCCI, 94% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Trong bối cảnh đó, chính sách về kinh doanh là vô cùng quan trọng. Từ chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã tác động ngay và sâu rộng đến cộng đồng DN", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI: Rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý - Ảnh 1

Theo ông Phạm Tấn Công, trong bối cảnh 94% DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chính sách về kinh doanh là vô cùng quan trọng.

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, trong bối cảnh đặc biệt của năm 2021, VCCI nhận thấy hoạt động xây dựng chính sách vẫn đi theo hai “dòng chảy” chính, tương tự như năm 2020 nhưng có phần mạnh mẽ hơn, đó là: “Dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp; và “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Với “dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ những “điểm nghẽn” mở đường cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh là một trong những dòng chính sách nổi bật, đậm nét của năm nay.

“Nhìn chung, chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, đã nhìn “trúng” và “đúng” các đối tượng cần hỗ trợ. Điều này thể hiện sự đồng hành, quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng kinh doanh”, Chủ tịch VCCI đánh giá.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ chuyển hướng chính sách phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phục hồi và nền kinh tế phát triển.

Về “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho biết, dòng chảy này vẫn đang được thúc đẩy nhưng vẫn còn nhiều thách thức về tính hiệu quả.

Theo Chủ tịch VCCI, trong mấy năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng hoạt động cải cách thể chế. Nhiều đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tiếp xúc với doanh nghiệp, người đứng đầu VCCI thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Bởi, trong những đề xuất cắt giảm, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”… rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý. Hiện tại đang xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực – nghịch lý đang tồn tại trong hoạt động soạn chính sách.

Thêm vào đó, chất lượng của thông tư, công văn – vẫn còn nhiều điểm quan ngại và đáng bàn. Chất lượng của thông tư, công văn sẽ ảnh hưởng phần nào tới tính hiệu quả của hoạt động cải cách thể chế mà Nhà nước đang tiến hành.

Về những hoạt động kinh tế mới, Chủ tịch VCCI cho biết, sự xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới đã đặt ra thách thức cho các nhà làm luật về xác định các chính sách quản lý phù hợp. Trong thời gian qua đã có sự lúng túng từ phía cơ quan quản lý, gây không ít khó khăn và phản ứng trái chiều từ cộng đồng kinh doanh.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam