Kỳ vọng doanh nghiệp lớn đồng hành xây dựng chuẩn nghề logistics
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch VALOMA kỳ vọng các doanh nghiệp lớn cùng đồng hành xây dựng chuẩn nghề nghiệp logistics.
Nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics còn rất thiếu và yếu
PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) dẫn lại đánh giá từ phía doanh nghiệp: Nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Về hoạt động đào tạo nhân lực logistics hiện nay của các trường đại học, bà Hương cho biết, tính đến năm 2021, tại Việt Nam có 49 trường đào tạo về chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Với số lượng các trường tham gia vào đào tạo như vậy, 5-10 năm tới, cung ứng nguồn nhân lực trong ngành này sẽ tốt hơn rất nhiều.
Các trường khi xây dựng chương trình đào tạo đã rất nỗ lực trong việc gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, giúp sinh viên ra trường mất ít thời gian hơn nếu phải đào tạo lại.
“Tuy nhiên, điểm yếu của việc đào tạo là sinh viên ra trường chưa bám sát được yêu cầu của phía doanh nghiệp. Các trường còn loay hoay với ngân sách hạn hẹp. VALOMA với vai trò kết nối mong muốn tạo sân chơi chung để các trường có thể đào tạo hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm được tài nguyên, mang lại cho người học nhiều vấn đề thực tiễn.
VALOMA có thể tạo ra nguồn tài liệu chung, hoặc kết nối các trường với các doanh nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội thực tập. Doanh nghiệp có thể đưa ra yêu cầu của mình để nhà trường đào tạo đáp ứng được các yêu cầu đó”, bà Hương nói.
Kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sẽ đồng hành
Phó Chủ tịch VALOMA cho biết hiệp hội sẽ phải xây dựng được chuẩn nghề nghiệp trong lĩnh vực logistics. Đây là một vấn đề rất rộng, trong khi tại Việt Nam hiện chưa có chuẩn nghề nghiệp nào về logistics được phổ biến rộng rãi.
“VALOMA có nhiều doanh nghiệp lớn, ví dụ như Viettel Post. Hiệp hội sẽ kết nối các hội viên, tìm thêm hội viên mới là các doanh nghiệp lớn. Chúng tôi rất kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sẽ đồng hành với VALOMA trong việc xây dựng chuẩn nghề nghiệp này”, bà Hương kỳ vọng.
VALOMA đã và đang hỗ trợ các hội viên tham quan doanh nghiệp, bảo trợ cho mạng lưới các câu lạc bộ sinh viên chuyên ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng.
Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tọa đàm và hội thảo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, giúp sinh viên hiểu rõ và định hướng tốt hơn nghề cho mình.
Hiện nay, không chỉ hoạt động xuất khẩu mà cả hoạt động nhập khẩu của Việt Nam đều có nhiều khởi sắc. Đây chính là cơ hội cho ngành dịch vụ logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Ngành dịch vụ này sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa, tăng cạnh tranh quốc gia, từ đó, tăng cường hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
“Ngành dịch vụ logistics có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế, phát triển kinh doanh. Muốn đón đầu được cơ hội này, nguồn nhân lực phải trang bị những kỹ năng ngoại ngữ, không chỉ một mà là hai, ba ngoại ngữ. Cùng với đó là trang bị kỹ năng quản trị thay đổi. Môi trường quốc tế liên tục biến động, COVID-19 là một trong những nhân tố làm cho sự biến động đó rất khủng khiếp, môi trường kinh doanh dịch vụ logistics thay đổi rất nhiều. Bởi vậy, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi rất cần thiết với người làm logistics”, bà Hương khuyến nghị.
Cũng theo Phó Chủ tịch VALOMA, sinh viên theo chuyên ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng phải định hướng được nghề nghiệp của mình một cách dài hạn vì ngay lập tức các bạn có thể không yêu nghề này. Lĩnh vực logistics không chỉ có nội địa, mà logistics quốc tế có rất nhiều hoạt động thú vị.
Nhấn mạnh về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo logistics, bà Hương cho rằng, chuẩn đầu ra luôn phải dựa vào thị trường lao động. Hiện nay chuẩn đầu ra xác định trên 3 nhóm: Chuẩn về kiến thức, chuẩn về kỹ năng, chuẩn về thái độ. Còn chuẩn về ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hai chuẩn riêng và lĩnh vực logistics yêu cầu chuẩn này cao hơn.
Để sinh viên đạt chuẩn đầu ra cũng như dần đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, các trường nên đào tạo theo đơn đặt hàng được là tốt nhất? Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cấp học bổng đúng địa chỉ để nguồn nhân lực logistics phục vụ hiệu quả cho mình.