Chứng khoán điều chỉnh, OGC khớp lệnh kỷ lục
Hai chỉ số chính đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ với áp lực đến từ nhiều mã trụ cột. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản vẫn bứt phá bất chấp thị trường chung rung lắc.
Thị trường chứng khoán trong phiên 24/9 có sự điều chỉnh nhất định. Các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu ngay từ đầu phiên giao dịch trước áp lực lớn từ nhiều cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn diễn ra, trong đó, một số cổ phiếu trụ cột duy trì được sắc xanh tốt và đôi lúc giúp chỉ số chính VN-Index rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.
Dù vậy, áp lực bán vẫn vượt trội hơn hẳn và khiến nhiều mã trụ cột giảm sâu, các chỉ số vì vậy cũng kết thúc phiên trong sắc đỏ.
Các cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên 2 chỉ số chính là VIC, VRE, VNM, BID, SAB, VHM… Trong đó, VNM giảm 1,5% xuống 127.300 đồng/cp, BID giảm 1,2% xuống 40.900 đồng/cp, SAB giảm 1,6% xuống 93.000 đồng/cp, ACB giảm 1,3% xuống 22.200 đồng/cp.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu như VCB, GAS, MBB, TCB, VCG hay VCS là những nhân tố chính giúp kìm hãm lại đà giảm của các chỉ số. Trong đó, MBB tăng 2,1% lên 19.600 đồng/cp và khớp lệnh 12,3 triệu cổ phiếu, VCG tăng 1,9% lên 38.100 đồng/cp, VCS tăng 1,8% lên 67.900 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra vẫn rất rõ nét. Trong đó, nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch tích cực bất chấp việc thị trường chung rung lắc. PPI, OCH, OGC, BII và UNI đều được kéo lên mức giá trần. Đáng chú ý nhất là việc OGC có khối lượng khớp lệnh kỷ lục kể từ khi cổ phiếu này giao dịch trên sàn chứng khoán với hơn 40,4 triệu đơn vị, lượng cổ phiếu này tương ứng tỷ lệ gần 13,5% tổng số cổ phiếu niêm yết của OGC.
Bên cạnh đó, FIT tăng 3,5% lên 9.200 đồng/cp, ITA tăng 3% lên 4.780 đồng/cp, TIP tăng 2,6% lên 27.900 đồng/cp, ASM tăng 1,2% lên 8.250 đồng/cp.
Trong khi đó, các cổ phiếu như PFL, VRC, PWA, CRE, VCR… đều giảm sâu. PFL giảm 5,6% xuống 1.700 đồng/cp, VRC giảm 4,5% xuống 7.390 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,92 điểm (-0,43%) xuống 908,58 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 271 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,93 điểm (-0,7%) xuống 131,71 điểm. Toàn sàn có 49 mã tăng, 99 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (0,07%) lên 61 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng nhẹ so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 7.105 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 453 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 952 tỷ đồng. Trong top 10 về khớp lệnh toàn thị trường có đến 4 cổ phiếu bất động sản là OGC, ITA, HQC và FLC.
Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng gần 166 tỷ đồng trên toàn thị trường. Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh có VHM, DXG và KDH. Trong khi đó, không có cổ phiếu bất động sản nào lọt vào top bán ròng của khối ngoại.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm trở lại với thanh khoản gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán quanh ngưỡng 910 điểm là tương đối mạnh, nhất là trong bối cảnh chứng khoán thế giới không thực sự tích cực. Trên góc nhìn kỹ thuật, với việc đánh mất ngưỡng 910 điểm thì tín hiệu của VN-Index đã trở nên kém tích cực hơn.
Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 10 giảm ít hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 0,11 điểm cho thấy nhà đầu tư đang bớt thận trọng hơn với xu hướng hiện tại.
SHS dự báo VN-Index có thể tăng điểm trở lại với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 910 điểm. Những nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục quanh ngưỡng 910 điểm có thể canh những nhịp tăng điểm lên quanh ngưỡng 910 điểm để tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 895 điểm (MA20).
Còn theo Chứng khoán MB (MBS), một phiên giảm nhẹ trong bối cảnh các thị trường trên thế giới vẫn chưa ổn định là điều tích cực cho thị trường trong nước lúc này. Thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao bất chấp áp lực bán về cuối phiên, hơn nữa thị trường vẫn tăng hôm qua và chỉ giảm nhẹ hôm nay, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường khỏe. Nếu dòng tiền lớn đã nhận thấy thị trường có cơ hội bằng việc xuống tiền mạnh mẽ trong các phiên vừa qua thì sóng tăng không tính bằng việc xoay vòng T+3. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên rung lắc trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền “thờ ơ” thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.
Theo Tuấn Hào/ Reatimes
Link nguồn: https://reatimes.vn/chung-khoan-dieu-chinh-ogc-khop-lenh-ky-luc-1600942947018.html