Chuyện cá nhân làm giàu từ 'buôn đất'
Trao đổi với VietnamFinance, ông Phạm Đức Toản, nhà sáng lập EZ Property, nói gần như mọi người giàu đều buôn đất và mọi người buôn đất lâu năm đều giàu. Thực tế, 99% những người giàu từ sản xuất lại quay ra buôn đất , còn 1% người có tiền từ buôn đất mới quay ra đầu tư vào sản xuất.
“Ôm đất” bằng cách đọc quy hoạch phát triển các tỉnh
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (sống tại Hà Nội) chia sẻ chị là một kẻ nghiện đất, nghiện nhà. Chị kể suốt 3 năm Covid-19, chị vẫn lang thang dọc Việt Nam, đặt chân tới vùng đất nào cũng sẽ “lọ mọ” tìm một khu đất, nơi gần biển/gần hồ/gần sông/gần núi rồi mua lấy một mảnh đất với mục tiêu đặt ra là: “Sau này sẽ làm nhà để nghỉ hưu”. Và cứ thế, danh mục đất, nhà chị sở hữu dài ra theo năm tháng.
Nhưng tiền đâu để mua bất động sản? Theo chị Hải, đây là câu hỏi mà 90% người khi mua ngôi nhà đầu tiên từng đặt ra, vì không phải ai cũng may mắn nằm trong 10% còn lại khi được thừa kế hay bố mẹ, ông bà cho tiền. Trên thực tế, ngôi nhà đầu tiên thường được mọi người mua bằng sự nỗ lực gom góp từ tất cả các nguồn thu nhập của bản thân, vay mượn người thân, vay nợ ngân hàng rồi từ đó “cày” để trả nợ khoản vay trong nhiều năm sau.
Cùng công thức trên, chị Hải cho biết đã mua căn chung cư đầu tiên vào năm 28 tuổi. Thay vì mua 1 mảnh đất 100m2 ở Tây Mỗ, Đại Mỗ (vùng ven Hà Nội), chị đã lựa chọn mua căn chung cư 100m2 ở nội thành Hà Nội để tiện đi lại. Sau 10 năm, nếu bán căn chung cư cũ và quay về đất nền thì chỉ mua được 25-30m2, chưa kể chi phí xây nhà.
Điều đó thôi thúc chị Hải tìm ra cách thức đầu tư bất động sản hiệu quả. Đó là trong lúc mọi người chọn mua đất ở các thành phố lớn, những năm gần đây chị đi tìm và đọc quy hoạch phát triển đến năm 2030 của các tỉnh. Với đam mê đi tìm những vùng đất sơ khai, nơi người dân còn nghèo, giá đất còn rẻ, nơi chưa có “sóng đất” nhưng đã có quy hoạch về giao thông, về khu công nghiệp, về du lịch, chị Hải đã đầu tư các lô đất ở khắp các tỉnh thành: Hòa Bình, Sơn La, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng…
Chị Hải kể lại giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chị mua được những lô đất tại Hòa Bình chỉ hơn 100.000 đồng/m2 - chỉ bằng giá một vài tô phở. “Khi bạn chọn đúng, chỉ sau 1-2 năm bạn có thể biến số vốn 500 triệu đồng thành 2 tỷ đồng và quay trở về mua một ngôi nhà để ở”, chị Hải nói.
Hồi cuối năm 2020, chị muốn ở nhà mới và “ôm” gần 6 tỷ đồng đi xem một căn chung cư diện tích 110m2, nhưng sau khi xem 5 căn cho thuê với giá 17 triệu đồng/tháng, chị nhẩm tính với số tiền 6 tỷ đồng này nếu gửi ngân hàng sẽ lãi gần 30 triệu đồng/tháng, còn nếu mua chung cư Hà Nội có khi lại mất giá. Sau khi tính toán, chị Hải cho biết đã chi thêm 2,5 tỷ đồng và xuống mạn phía Tây Hà Nội mua một căn biệt thự trong khu đô thị.
Chỉ sau 18 tháng, giá căn biệt thự đã tăng thêm hơn 10 tỷ đồng, trong khi căn chung cư cao cấp chị thuê sống thử hơn một năm, chủ nhà sau đó rao bán lãi đúng 100 triệu đồng và cộng thêm tiền lãi thuê nhà do chị chi trả. Một vấn đề nữa, sau khi trải nghiệm thuê nhà sống thử ở đây, chị nhận thấy không hoàn toàn thích khu căn hộ cao cấp đó.
Với kinh nghiệm từ bản thân, chị Hải cho rằng tiền nhỏ hay tiền ít đều có cơ hội nhân vốn khi lựa chọn đúng. Cơ hội giành cho người giàu và người chưa giàu thực ra đều ngang nhau. Về câu hỏi “tiền đâu để mua bất động sản”, chị Hải cho hay tiền đến từ làm việc chăm chỉ và thông minh để tạo ra nhiều dòng thu nhập, biết tiết kiệm quản lý đồng tiền và sử dụng những dòng tài chính còn nhỏ để nhân gấp thếp, tạo ra những dòng vốn lớn hơn.
“Chốt lãi” từ chứng khoán, tiền ảo… đổ vào đất
Anh Nguyễn Văn Tú (sinh sống tại Hà Nội) là một môi giới bất động sản lâu năm nhưng bước chân vào đầu tư đất khá muộn. Anh cho biết năm 2017 anh mua lô đất đầu tiên có diện tích 50m2 với giá 1,9 tỷ đồng tại khu vực Mậu Lương (Hà Đông, Hà Nội), do đã làm môi giới nhiều năm nên khi xem xét và quyết định khá nhanh, chỉ mất một buổi sáng đi xem đất và chốt cọc. Theo anh Tú, sở dĩ xuống tiền nhanh như vậy vì lô đất này là đất đấu giá nên pháp lý, vị trí, quy hoạch đều đã rõ ràng và phù hợp với tài chính.
Để mua được lô đất trên, anh Tú sử dụng số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng, ngoài ra anh còn đầu tư chứng khoán. Anh cho biết đây là kênh đầu tư yêu thích, khi có lãi anh “chốt lời” và đi mua đất. Sau lô đất đầu tiên, liên tiếp những năm sau đó anh sở hữu nhiều lô đất khác tại các tỉnh phía Bắc nhờ vào nguồn tiền từ đầu tư chứng khoán. Vào thời điểm “sốt đất” diễn ra vào đầu năm 2021 khi giá tăng phi mã, bình quân 50-100%, anh Tú chia sẻ đã “ra” bớt hàng và cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản đầu tư. Hiện tại, anh chỉ giữ những lô đất mà anh đánh giá tiềm năng trong dài hạn như một số lô ở tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Gia Lai…
Tương tự, chị N.T.L (sinh năm 1990, quê Hưng Yên) lần đầu mua đất nền tại Hòa Lạc (Hà Nội) vào giữa năm 2018. Thời điểm đó Hòa Lạc trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản Hà Nội, chị xuống tiền mua 3 lô đất thổ cư có giá từ 6-8 triệu đồng/m2 với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Cùng thời điểm, chị đi tìm mua đất ven biển, tại Bình Định, chị mua một lô đất ở Kỳ Co và một lô tại đường Hùng Vương (Phú Yên). Số tiền mua đất được chị T.L rút ra từ chứng khoán, vàng và tiền ảo, trong đó chủ yếu là từ tiền ảo.
Cũng giống như anh Tú, sau khi “ôm” đất được vài năm, chị T.L đã bán hết danh mục vào thời điểm 2 năm dịch Covid-19 bùng phát khi giá tăng mạnh. Chị cho hay, những lô đất chị mua đều tăng giá tốt và may mắn khi gặp thời, như ở Hòa Lạc sau 3 năm thì giá tăng gấp 3 lần, còn tại Bình Định và Phú Yên đều bán lãi gấp đôi. Sau khi bán hết danh mục đất nền, vào cuối tháng 4/2022, chị T.L cho biết đã mua một căn biệt thự của một dự án ở Hưng Yên với giá hơn 20 tỷ đồng và hiện đang theo dõi thị trường để mua thêm.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính xoay quanh việc cá nhân làm giàu nhờ mua đất, ông Phạm Đức Toản, nhà sáng lập EZ Property, nói gần như mọi người giàu đều buôn đất và mọi người buôn đất lâu năm đều giàu. Thực tế, 99% những người giàu từ sản xuất lại quay ra buôn đất, còn 1% người có tiền từ buôn đất mới quay ra đầu tư vào sản xuất.
Những cá nhân giàu lên nhờ buôn bán đất đai đều là những người giỏi, nhanh nhạy, dũng cảm và thêm một chút may mắn. Dù vậy, ông Toản cho rằng số đông mọi người có vẻ “ác cảm” với những người buôn đất, đầu cơ đất và coi hoạt động của họ chỉ là bỏ tiền ra mua rồi chờ giá cao lên để bán, thậm chí còn có những từ ngữ miệt thị coi thường, coi họ là “thủ phạm” làm lũng đoạn thị trường, thổi giá....
Theo ông Toản, đã là kinh doanh thì đều phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản và được pháp luật, thị trường chấp nhận thì mới có thể thành công. Có một số cá biệt sử dụng những chiêu trò để kinh doanh kiếm lợi từ bất động sản nhưng không thể quy chụp cho số đông làm ăn tử tế.
“Có lẽ quan điểm ghét người giàu, người thành công là khá phổ biến nên những cá nhân kinh doanh bất động sản hay còn gọi là “đi buôn đất” cũng nằm trong số đó. Do đây là mảng kinh doanh có rào cản gia nhập thị trường thấp nên mọi người đều có thể tham gia, trình độ văn hoá, nhận thức khác nhau nên cũng nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình làm việc gây ra cái nhìn không thiện cảm của một số người”, ông Toản nói thêm.