Chuyên gia: “Cần đồng bộ trong quy hoạch để phát triển đô thị Hà Nội”
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, liên kết vùng đô thị phía bắc và cả nước, việc đồng bộ quy hoạch, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm là điều hết sức cần thiết.
Nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển đô thị
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị trên địa bàn gồm: Đô thị trung tâm là đô thị đặc biệt; đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; tại 3 địa phương, thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện là đô thị loại V.
Mới đây, Hà Nội cũng đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng). Điều đó cho thấy việc quy hoạch, phát triển đô thị ở Hà Nội đã phủ khắp nhằm phát triển đồng đều các vùng. Cùng với đó, Hà Nội cũng có đề án phát triển đô thị mang tính chất tạo liên kết vùng. Đơn cử tại phía đông và đông bắc thành phố, gồm: Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh thì 2 năm trở lại đây đã là khu vực phát triển có tính đột phá. Ở phía Tây, huyện Hoài Đức cũng nổi lên như điểm sáng về quy hoạch và phát triển đô thị.
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận định, về cơ bản các đồ án quy hoạch hiện đã đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên, một số định hướng lớn của quy hoạch vẫn còn chưa được thực hiện. Quá trình phát triển đô thị diễn ra chậm, tỉ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch. Việc tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách thì tại Hà Nội cũng có những nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp, địa phương đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, làm "ngáng trở" quá trình phát triển đô thị, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Ông ví dụ, ở nhiều khu đô thị sau khi giải phóng mặt bằng nhưng không triển khai xây dựng được suốt nhiều năm. Tại huyện Mê Linh, có hàng chục dự án đô thị bỏ hoang cả thập kỷ nay như Cienco 5, dự án Hà Phong, dự án Minh Giang - Đầm Và, dự án Minh Đức, AIC Mê Linh,… cỏ mọc um tùm, là nơi chăn thả bò của người dân địa phương. Cùng với đó, tại Hà Nội nhiều khu đô thị mới xây dựng nhưng cứ mưa là ngập do chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoặc thiếu sân chơi vườn hoa, sân tập, trạm y tế, trường học, cây xanh,… do các chủ đầu tư chậm thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Những nội dung nêu trên là bất cập trong thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch của Thành phố.
Ông phân tích, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành mới đây cũng đã nhận định "Diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn". Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trong số đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.
Cần phải quy hoạch đi trước một bước
Bàn về vấn đề quy hoạch, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch cần phải đi trước một bước để đón đầu. Quy hoạch cần phải đồng bộ, thống nhất để làm sao phát triển đô thị văn minh, không có hiện tượng nhồi cao ốc, xây dựng sai phạm làm ảnh hưởng đến tổng mặt bằng, phương án kỹ thuât và phải đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển đô thị đòi hỏi sự đồng bộ ở các lĩnh vực, các ngành và rất cần quy hoạch đi trước một bước cùng với hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý đô thị. Hiện, Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp. Đây không chỉ là đổi mới trong quy hoạch mà còn là điều kiện để phát huy kinh tế đô thị, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Thành phố.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cũng cho rằng khi lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài xem xét các yếu tố phát sinh, những bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch, thì cần nghiên cứu quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển chung, xác định các khu vực phát triển mới và các khu vực cần cải tạo tái thiết đô thị, đồng thời gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện theo quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết để thực hiện hiệu quả quy hoạch xây dựng, phân loại đô thị trong giai đoạn tới, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan và các quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở bộ, ngành Trung ương và ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện tích cực rà soát, đánh giá, triển khai lập quy hoạch vùng huyện, đồng thời đề xuất các nội dung tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng phát triển cho Thủ đô Hà Nội đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị, để đưa Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cũng cho biết, Hà Nội đã xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội, căn cứ chỉ đạo của Thành phố, Trung ương, Sở đang hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện rà soát quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt.
Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế, những nội dung không còn phù hợp, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp, bảo đảm đầy đủ, chính xác, thực chất, hiệu quả, tránh cách làm đại khái, chung chung, không rõ nội dung, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.