Chuyên gia cảnh báo mối nguy hại trước số nợ trái phiếu lớn sắp đáo hạn
Khi lượng phát hành trái phiếu mới gặp khó khăn thì con số nợ “khủng” sắp phải đáo hạn là mối lo lớn nhất mà các doanh nghiệp địa ốc sẽ phải đối mặt. TS.Lê Xuân Nghĩa bày tỏ mối lo ngại trước những khó khăn trong vấn đề huy động vốn đối với các doanh nghiệp địa ốc hiện nay.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, Việt Nam đang thiếu cung ở một số phân khúc bất động sản chủ chốt. Vì không có hàng để bán nên dòng tiền cũng âm. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp - một trong những kênh huy động vốn quan trọng của thị trường này - thì đình trệ.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia
Trong 4 tháng vừa qua, tỷ lệ phát hành của doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tháng 5, 6. Sang đến tháng 7, 8 thì đi xuống khá nghiêm trọng. Theo ông Nghĩa, điều này làm cho những người am hiểu thị trường vốn rất lo lắng.
Chưa kể, sắp tới sẽ có hơn trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nếu không phát hành được để đảo nợ thì dễ gây nên tình trạng vỡ nợ ở một số doanh nghiệp bất động sản. "Và như vậy sẽ gây tác động xấu cho cả thị trường nói chung", ông Nghĩa nhận định.
Số liệu từ FiinGroup đã chỉ ra, quy mô dư nợ trái phiếu bất động sản là 189.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021, trong tổng số này có tới 73% giá trị sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm (2022 - 2024).
Nói về con số này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng có 2 cách để xử lý. Thứ nhất, doanh nghiệp mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính của mình và mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn. Vượt qua được nợ mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường.
Thứ hai là tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cũng cần cân nhắc, tránh hình sự hóa, các doanh nghiệp vừa đến thời điểm đáo hạn, không trả được nợ trái phiếu. Bởi vì nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả nhà đầu tư, vị chuyên gia khuyến nghị.
Đưa ra góc nhìn sâu hơn về thị trường, ông Nghĩa cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua còn thiếu hai chữ "minh bạch". Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, bao gồm mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang.
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, phải có một kế hoạch xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để có được nguồn vốn trung dài hạn lâu dài. Cuối cùng là các doanh nghiệp không nên phát hành chịu lãi suất cao, không được bán các dự án đang có để giải quyết nợ trái phiếu, tránh để mất uy tín và nhanh chóng đăng ký xếp hạng, bảo mật thông tin.
Trước đó, Fiin Group cũng đã đưa ra những đánh giá tác động cụ thể đến ngành bất động sản.
Trước hết, sức khỏe tài chính các công ty bất động sản về tổng thể vẫn ở mức tương đối an toàn. Ngoại trừ các công ty dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn trái phiếu hoặc vay vốn tín dụng ngân hàng, ngành bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản dân cư nói riêng vẫn cơ bản có mức độ đòn bẩy tài chính ở mức thấp tương đối so với giai đoạn năm trước.
Điều này thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ chốt khi đánh giá năng lực tín dụng bao gồm: Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của các đơn vị bất động sản dân cư niêm yết hiện đang ở mức 0,7 lần; Hệ số đánh giá năng lực trả lãi EBITDA/chi phí lãi vay ở mức 1,8 lần và hệ số bao phủ nợ ngắn hạn ở mức 3,8 lần vào cuối 2021.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, theo đơn vị đánh giá xếp hạng trên, là tình hình sức khỏe tài chính được ghi nhận trong bối cảnh tổng số lượng căn hộ bán được tại thị trường khu vực Hà Nội và TPHCM đã giảm chỉ còn chưa đến một nửa từ mức 29.000 căn/năm trong hai năm diễn ra Covid-19, so với mức 66.000 căn/năm trong giai đoạn năm trước đó từ 2015-2019.