Chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'bong bóng' BĐS, người 'ôm đất' dễ rơi vào cảnh trắng tay
Các chuyên gia bất động sản lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ kéo theo giao dịch giảm mạnh và giá bất động sản cũng giảm mạnh, nhiều người ôm đất sẽ thua lỗ đến trắng vốn.
Thị trường đã đạt đến đỉnh của sự tăng nóng
Nhiều chuyên gia lo ngại khi thị trường vừa qua xuất hiện dấu hiệu tăng nóng bất thường. Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, giá nhà đất ở nhiều nơi tăng nóng, nhất là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay khu vực có thông tin về quy hoạch dự án đi qua. Thậm chí, có khu vực giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%.
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, 6 tháng đầu năm nay là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID -19. Tuy nhiên, do nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác lại khan hiếm, nên dẫn đến tình trạng “sốt ảo” và “thổi giá” nhà, đất.
TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế phân tích, thị trường BĐS đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021, và đã đạt đến đỉnh của sự tăng trưởng nóng. Bởi lẽ, thông thường thị trường chỉ tăng trưởng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc có dòng tiền tốt. Tuy nhiên, thời gian qua lại xuất hiện việc không ít doanh nghiệp không làm ăn được vẫn “đua nhau” đổ tiền vào BĐS, nhiều người dân chán làm ăn cũng quay sang đầu tư nhà, đất. Tuy nhiên, ông nhận định những dấu hiệu này chứng tỏ sự không hợp lý về kinh tế bởi, kinh tế đang gặp khó khắn, dù doanh nghiệp người dân có tiền hay không, cũng không ai đi lo bỏ tiền vào kênh đầu tư dài hạn là BĐS.
“Đến đầu năm 2022, cùng với việc Bộ Tài chính và Chính phủ quyết liệt trong công tác xử lý một số doanh nghiệp thì người ta mới thấy rằng, năm 2021 xuất hiện một dòng tiền đầu tư tài chính ảo. Và việc tăng giá BĐS trong năm qua hoàn toàn không dựa trên một nhu cầu bền vững của đầu tư hoặc sử dụng”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Ông cho rằng, nhiều người đổ thừa cho việc siết tín dụng, siết thuế nhà đất khi thị trường BĐS giảm tốc nhưng điều này chỉ là bề nổi để trấn an các nhà đầu tư rằng nếu hết siết tín dụng thì thị trường địa ốc lại tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, bản chất của thị trường từ năm 2021 đến nay chính là khoảng cách giữa mức giá để đầu cơ, “lướt sóng” với mức giá mua để đầu tư dài hạn hay mua để khai thác cho thuê hay ở thực đã cách nhau một khoảng rất dài.
Thanh khoản giảm, nguy cơ “bong bóng” BĐS
Theo nhận định của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), yếu tố khiến giá BĐS liên tục tăng bất chấp dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, là do quá trình hình thành các đô thị mới khiến nhiều người có tâm lý đi trước để “đón đầu” quy hoạch, mua đất để chờ tăng giá. Trong khi đó, yếu tố nguồn cung thiếu hụt do khan hiếm dự án mới cũng khiến giá BĐS tăng “phi mã”, cùng với việc tín dụng vào lĩnh vực BĐS chưa được điều chỉnh tốt, thông tin thị trường chưa kịp thời và bám sát dẫn đến có sự lợi dụng để “nâng giá, thổi giá”.
Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, những biến động về giá cả vừa nêu ở trên cùng với giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng không ngừng đã có những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu xây dựng.
Các chuyên gia BĐS cũng lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh, kéo theo giá BĐS cũng giảm mạnh, gây hệ lụy cho nền kinh tế.
T.S Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Trong khi những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay.