Chuyên gia: Hà Nam sẽ là “tọa độ” hút nhà đầu tư bất động sản thời gian tới

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nam hiện nay đã hội tụ đủ những điều kiện cần để có thể giành được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Ở một chia sẻ mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói, theo quy hoạch, Hà Nam sẽ nằm trên tuyến đường Vành đai 5 có chiều dài khoảng 331km đi qua thành phố Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 thì phía Nam Thủ đô cũng có một Cảng hàng không quốc tế. Cùng với đó là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua Hà Nam.

Khi các dự án này hoàn thành, Hà Nam sẽ gần hơn với Hà Nội, gần các trung tâm tăng trưởng của Vùng và cả nước hơn. Không những vậy, với Cảng hàng không quốc tế tại phía Nam Thủ đô Hà Nội, Hà Nam cũng sẽ rất gần với thế giới. Đây là điểm cực kỳ quan trọng. Việc nối với thế giới sẽ giúp Hà Nam nhanh chóng “thăng hoa”. “Lộ thông thì tài thông”, khi đường xá thông suốt thì phát triển sẽ bùng nổ. Hà Nam chính là tọa độ hứa hẹn phát triển bùng nổ như vậy.

Không phải Hà Nam chỉ được hưởng lợi từ tứ bề với các con đường mà quan trọng hơn là tỉnh có thể cộng hưởng cái thế và đà của mình với các trung tâm phát triển khác, chẳng hạn Thủ đô Hà Nội. Minh chứng rõ nhất là hiện có 2 bệnh viện Trung ương rất quy mô và hiện đại đã được đầu tư tại Hà Nam. Trong tương lai, đó sẽ là một lợi thế, có thể nói là nguồn lực - “báu vật trời cho” để Phủ Lý phát triển thành một đô thị sang trọng hiện đại với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đẳng cấp cao. Gắn liền với đó là cả một trục hành lang du lịch tâm linh, du lịch văn hóa Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) - Chùa Hương (Hà Nội). Nhiều logic cộng hưởng như vậy khiến Hà Nam nhân bội được sức mạnh của mình.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh Hà Nam là tỉnh có vai trò dẫn dắt, có đà và có thế để phát triển mạnh, bùng nổ về công nghiệp, du lịch. Bên cạnh đó, tuy quy mô dân số nhỏ nhưng Hà Nam cũng là địa phương đi đầu về đô thị hóa, có đà phát triển mạnh mẽ trong số 4 tỉnh thành với tỷ lệ đô thị hóa ở mức khoảng 30,7% vào năm 2020.

Khẳng định tiềm năng tăng trưởng của Hà Nam, chuyên gia cũng lưu ý tỷ lệ đô thị hóa có thể khá hơn so với các địa phương nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao.

“Đẳng cấp đô thị hóa của Hà Nam chưa cao, nhưng chúng ta có không gian đô thị tương đối tốt đồng nghĩa chúng ta có dư địa, đây là lợi thế cho các nhà đầu tư vào Hà Nam”, ông Trần Đình Thiên nhận định.

Với những tiềm năng trên, các chuyên gia kỳ vọng, trong thời gian tới thị trường bất động sản Hà Nam sẽ có những bước phát triển sôi động hơn.

Tuy nhiên, để có thể thu “trái ngọt” khi đầu tư vào thị trường bất động sản Hà Nam, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hướng đến sự chuyên nghiệp trong xây dựng, phát triển dự án, phát triển đa dạng các phân khúc sản phẩm, cũng như chú trọng chất lượng dự án và phát triển đồng bộ các tiện ích xung quanh dự án. Bởi lẽ, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển nhưng thị trường bất động sản Hà Nam chưa “bật lên” được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng.

Minh Đức (T/H)

Theo Chất lượng và Cuộc sống