CII: Công ty mẹ tìm cách thoái vốn, công ty con muốn tăng sở hữu tại Năm Bảy Bảy?

Tính từ đầu năm đến nay, CII đã bán tổng cộng 16,3 triệu cổ phiếu NBB, giảm tỷ lệ còn 49,1 triệu, tương đương 49% vốn điều lệ. Lộ trình bán cổ phiếu NBB được thực hiện bắt đầu từ cuối năm ngoái. Việc thoái vốn tại NBB với mục đích đưa công ty này từ công ty con xuống thành công ty liên kết.

Cuối quý III, dư nợ trái phiếu 6.211 tỷ đồng

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết đến cuối năm ngoái, tổng dư nợ trái phiếu của đơn vị khoảng 7.342 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này đã thanh toán khoảng 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Dư nợ kênh huy động vốn này vào cuối tháng 6 vào khoảng 6.472 tỷ đồng.

Theo CII nghĩa vụ nợ gốc trái phiếu đến hạn vào cuối năm nay của công ty mẹ còn khoảng 200 tỷ đồng nhưng từ 7/2022 đến tháng 2/2023, ban lãnh đạo muốn thanh toán trước hạn khoảng 2.800 tỷ đồng. Nếu đúng như kế hoạch này, số dư trái phiếu vào cuối quý I năm sau dự kiến còn gần 3.700 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của công ty âm 10,2 tỷ đồng, cải thiện so với dòng tiền âm gần 1.084 tỷ đồng cùng kỳ (Nguồn: BCTC Q3/2022).
Dòng tiền kinh doanh của công ty âm 10,2 tỷ đồng, cải thiện so với dòng tiền âm gần 1.084 tỷ đồng cùng kỳ (Nguồn: BCTC Q3/2022).

Nhiều năm qua, việc vay nợ lớn, trong đó chiếm phần lớn là kênh trái phiếu đã dồn CII vào thế chịu nhiều áp lực trả lãi, góp phần bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh thường xuyên âm...

 

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) được thành lập cuối năm 2001, với ba cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TPHCM (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương và Dịch vụ XNK Thanh Niên Xung Phong TPHCM (VYC) và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ TPHCM (INVESCO).

Lãnh đạo CII cho biết, các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và cao ốc 152 Điện Biên Phủ đi vào khai thác đã đem lại dòng tiền lớn cho công ty, giúp cải thiện sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ.

Trong các tháng cuối năm, công ty cho biết sẽ ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản đang hoàn thiện như The River Thủ Thiêm - bắt đầu bàn giao cuối quý II, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) - hoàn thành công tác bán hàng vào cuối năm, khối căn hộ dự án 152 Điện Biên Phủ - dự kiến hoàn thành trong năm nay...

Bên cạnh đó, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương đưa vào sử dụng hồi tháng 4, dự kiến bắt đầu thu phí hoàn vốn trong quý III. Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự án này sẽ giúp củng cố tình hình tài chính trung hạn của CII với tổng dòng tiền hàng năm đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, công ty cho biết tiếp tục triển khai đầu tư các dự án BT Thủ Thiêm, mở rộng Xa lộ Hà Nội... Việc này sẽ được thực hiện khi CII được bàn giao mặt bằng thi công.

Được biết, năm nay CII đặt chỉ tiêu doanh thu tăng 2,7 lần lên hơn 8.010 tỷ đồng, lãi ròng kỷ lục gần 757 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Về phần dòng tiền của CII trong 9 tháng, nhờ giảm hàng tồn kho trong khi cùng kỳ tăng, dòng tiền kinh doanh của công ty âm 10,2 tỷ đồng, cải thiện so với dòng tiền âm gần 1.084 tỷ đồng cùng kỳ. Trong kỳ, công ty cũng thu gần 3.145 tỷ đồng từ đi vay và chi 4.162 tỷ đồng trả nợ gốc vay, dẫn đến dòng tiền tài chính âm 605 tỷ đồng. 

Qua đó, dòng tiền thuần âm 275 tỷ đồng, mặc dù dòng tiền đầu tư dương 341 tỷ đồng nhờ các khoản thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. 

Tại cuối quý III, dư nợ tài chính của CII đạt 15.329 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm và giảm 9,8% so với thời điểm cuối quý II, đa phần là nợ ngân hàng và trái phiếu.

Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối quý III là 6.211 tỷ đồng, từ 8 lô trái phiếu phát hành trong giai đoạn 2019 - 2021, trong đó, số phải trả trong vòng 12 tháng tới là 3.132 tỷ đồng. Trong 9 tháng, công ty cũng tất toán 5 lô trái phiếu với dư nợ hồi đầu năm là hơn 1.200 tỷ đồng. 

Tổng dư nợ tài chính này cũng chiếm 52% tổng nguồn vốn doanh nghiệp, qua đó, tổng nguồn vốn giảm 5% so với đầu năm, đạt hơn 29.295 tỷ đồng. 

 

Năm 2011, CII đã phát hành thành công 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho tập đoàn Goldman Sachs, đánh dấu một bước phát triển mới của CII trong việc huy động vốn tư nhà đầu tư nước ngoài.

Lãi ròng 9 tháng đạt 96% kế hoạch, tồn kho tại dự án BĐS vượt 1.300 tỷ đồng

Mới đây, CII vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần hợp nhất 2.184 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 259 tỷ đồng cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng lên mức 51,7 tỷ đồng.

Theo giải trình của CII, trong quý, lợi nhuận từ các dự án BOT tăng lên so với cùng kỳ năm trước, các dự án bất động sản cũng được bàn giao và đưa vào khai thác trong kỳ. 

Giải trình kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 của CII.
Giải trình kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 của CII.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 3.891 tỷ đồng, tăng 75%. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong 9 tháng cũng tăng 45% so với cùng kỳ lên mức 1.296 tỷ đồng. 

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 852 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ở mức 126 tỷ đồng. Lãi ròng công ty cũng ở mức 727 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 34 tỷ đồng, tương đương thực hiện 96% kế hoạch lãi ròng năm nay (gần 757 tỷ đồng).

Về cơ cấu doanh thu thuần của CII trong 9 tháng, chiếm tỷ trọng cao nhất là doanh thu từ kinh doanh bất động sản (2.372 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ) và doanh thu từ thu phí giao thông (1.081 tỷ đồng, gấp 1,67 lần cùng kỳ). 

So sánh với cơ cấu 6 tháng đầu năm là nguồn thu lớn nhất từ hoạt động thu phí (706 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ), doanh thu từ kinh doanh bất động sản (668 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ), có thể thấy, trong quý III, doanh thu từ bất động sản của CII đã phục hồi và tiếp tục đóng vai trò là nguồn doanh thu chính của công ty.  

Tại thời điểm cuối quý III, giá trị hàng tồn kho của CII cũng giảm 41% so với đầu kỳ và ghi nhận ở mức 2.667 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (1.290 tỷ đồng), bất động sản hoàn thành chờ bán (1.334 tỷ đồng), bất động sản dở dang (752 tỷ đồng). 

Trong đó, bất động sản dở dang giảm 80% so với đầu năm, chủ yếu do không còn ghi nhận tại các dự án Khu nhà ở chung cư tại lô 3.15 (dự án The River Thủ Thiêm) và dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi.

Mặt khác, bất động sản hoàn thành chờ bán tăng từ 138 tỷ đồng lên 1.334 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận mới 1.262 tỷ đồng từ dự án The River Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, danh mục này cũng có 71,8 tỷ đồng từ dự án Khu nhà ở chung cư tại lô 3.2 (dự án D'Verano Thủ Thiêm), song đã giảm 36% so với đầu năm. 

Danh mục tồn kho tại các dự án BĐS dở dang và BĐS hoàn thành chờ bán của CII. (Nguồn: BCTC CII).
Danh mục tồn kho tại các dự án BĐS dở dang và BĐS hoàn thành chờ bán của CII. (Nguồn: BCTC CII).

Khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng nhận chuyển nhượng bất động sản là 849 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm. Tổng các khoản phải thu (ngắn và dài hạn) theo đó cũng tăng 28%, đạt 10.322 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản CII. 

Ở diễn biến khác, tại cuối quý III, công ty cũng có 1.130 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước, là tiền thu theo tiến độ khách hàng mua bất động sản, giảm 45,5% so với đầu năm. Công ty cũng ghi nhận thêm 604 tỷ đồng tại khoản này từ Năm Bảy Bảy, là tiền tạm ứng cho CEE (công ty con của CII) để thi công dự án.

CII thoái vốn tại công ty con NBB, cổ phiếu từng bị đưa vào diện cắt margin

Được biết, HOSE từng thông báo đưa cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 19/9.

Tháng 3 trước đó, HOSE đưa cổ phiếu CII vào diện không đủ điều kiện cấp margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 là số âm.

Cụ thể, quý IV/2021, CII ghi nhận doanh thu từ các mảng kinh doanh chính như bất động sản, thu phí giao thông... giảm mạnh, dẫn đến kết quả kinh doanh cả năm xuống mức lỗ sau thuế 247 tỷ đồng, trong khi lũy kế ba quý đầu báo lãi. 

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM liên tục thoái vốn tại công ty con. 
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM liên tục thoái vốn tại công ty con. 

Xét tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.660 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu chính là từ thu phí giao thông, đạt 706 tỷ đồng, tăng 27%. Song doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản (nguồn thu chính cùng kỳ năm ngoái) giảm gần 40% kéo tổng doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, CII cũng có doanh thu 1.116 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 114%, phần lớn đến từ lợi nhuận thoái vốn Năm Bảy Bảy (NBB) từ công ty con thành công ty liên kết. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 812 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần lãi cùng kỳ và lãi ròng đạt gần 721 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần.

Về việc thoái vốn tại công ty con NBB, tính từ đầu năm đến nay, CII đã bán tổng cộng 16,3 triệu cổ phiếu NBB, giảm tỷ lệ còn 49,1 triệu, tương đương 49% vốn điều lệ.

Lộ trình CII liên tục bán cổ phiếu NBB được thực hiện bắt đầu từ cuối năm ngoái. Cụ thể, trong năm 2021, từ ngày 26-29/10, CII bán ra 6,3 triệu cổ phiếu; từ ngày 9-19/11, bán thêm 11,5 triệu cổ phiếu; từ ngày 24/11-14/12 bán ra 3,1 triệu cổ phiếu. Năm nay, từ ngày 12-20/1, CII bán ra 5,2 triệu cổ phiếu; từ ngày 25/1 đến 23/2 bán thêm 9 triệu cổ phiếu NBB. Việc thoái vốn tại NBB với mục đích đưa công ty này từ công ty con xuống thành công ty liên kết.

Tuy nhiên, mới đây, NBB cho biết công ty sẽ trình cổ đông ý kiến chấp thuận cho CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (viết tắt: CEE) và người có liên quan được mua cổ phiếu NBB thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Theo đó, CEE và bên liên quan sẽ mua cổ phiếu NBB để đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45%, 55%, 65%, 75%, nhưng không vượt quá 80% tổng số cổ phiếu NBB có quyền biểu quyết. Bên chuyển nhượng là cổ đông của Năm Bảy Bảy. Như vậy, sau khi CEE nắm số cổ phiếu đạt hoặc vượt mức 55%, đơn vị này sẽ trở thành công ty mẹ của Năm Bảy Bảy.

CEE là công ty con do CII nắm sở hữu 80% vốn điều lệ (tính tới cuối quý III). CII cũng hiện nắm 37,52% vốn điều lệ của Năm Bảy Bảy trong thời hạn liên tục hơn 6 tháng. Trước trước khi liên tục thoái vốn và chuyển Năm Bảy Bảy từ công ty con thành công ty liên kết từ đầu tháng 3/2022, CII là công ty mẹ của Năm Bảy Bảy.

Sau khi CII thoái vốn và không còn là công ty mẹ, Năm Bảy Bảy bắt đầu đẩy mạnh vay nợ tài chính với tổng số tiền thu được là hơn 2.065 tỷ đồng trong 9 tháng, trong khi cùng kỳ, con số này ở mức gần 860 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, công ty cũng chi 131 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.

Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng dư nợ tài chính của Năm Bảy Bảy đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với đầu năm và chiếm gần 49% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, đa phần đến từ Vietcombank và các doanh nghiệp cùng tập đoàn (CII, CEE, Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm,...).

Bên cạnh đó, công ty cũng có 1 lô trái phiếu với dư nợ tại cuối tháng 9 là 290 tỷ đồng, giảm so với 350 tỷ đồng hồi đầu năm nhờ thực hiện các đợt mua lại trước hạn.  

Trong 9 tháng, nhờ khoản thu lớn từ vay vốn nói trên, dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 1.934 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 623 tỷ đồng. Song, do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đầu ghi nhận giá trị âm, dòng tiền thuần trong kỳ của Năm Bảy Bảy âm hơn 12 tỷ đồng.

 

Theo giới thiệu trên trang chủ website, CII cho biết, công ty đang tham gia vốn điều lệ vào 17 công ty chủ yếu đều thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong đó có 9 công ty con. Tổng vốn công ty tham gia vào các công ty trên là gần 3.000 tỷ đồng. Với số vốn “mồi” này, công ty đã huy động được gấp nhiều lần số vốn từ thị trường tài chính để đầu tư vào các dự án bằng nhiều hình thức như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi, vay vốn ngân hàng. Tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ thực hiện trong một vài năm tới đây lên đến 20.000 tỷ đồng.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống