Cơ cấu cổ đông ngân hàng Eximbank lại tiếp tục có 'xáo trộn'
Sau khi lãnh đạo ngân hàng Eximbank khẳng định tình trạng “đấu đá nội bộ” đã kết thúc thì mới đây, cơ cấu cổ đông Eximbank lại tiếp tục có xáo trộn khi nhóm Thành Công Group muốn thoái vốn.
Nhóm Thành Công Group sẽ bán hơn 117 triệu cổ phiếu EIB
Vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB) thông báo giao dịch cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) và các pháp nhân có liên quan.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) vừa thông báo đăng ký bán thỏa thuận 60,54 triệu cổ phiếu EIB. Số cổ phiếu mà Thành Công đăng ký bán tương đương 4,924% vốn tại EIB.
Tiếp đến, Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công cũng đăng ký bán thỏa thuận hơn 44,7 triệu cp EIB đang sở hữu, tương đương 3,637%.
CTCP Phúc Thịnh cũng đăng ký bán gần 12,4 triệu cp EIB, tương đương 1,005% vốn theo phương thức thỏa thuận.
Như vậy, sau hơn 1 năm lộ diện, nhóm Tập đoàn Thành Công sẽ bán hơn 117 triệu cổ phiếu EIB, tương đương với hơn 9,5% vốn cổ phần ngân hàng. Các giao dịch trên dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận, thực hiện từ 7/10-31/10/2022. Nếu thoái vốn thành công, CTCP Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công và cả CTCP Phúc Thịnh đều không còn là cổ đông tại ngân hàng Eximbank.
Đáng lưu ý, bà Lê Hồng Anh - Thành viên HĐQT ngân hàng Eximbank là người liên quan đến các 3 cổ đông nói trên. Hiện bà đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thành Công, chị dâu của bà Hồng Anh hiện đang là người quản lý Hợp tác xã Cổ phần Thành Công và người quản lý CTCP Phúc Thịnh là em chồng của bà.
Vào đầu năm nay, bà Hồng Anh chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự đề cử của CTCP Phúc Thịnh, Công ty XNK Tổng hợp I Việt Nam, Hợp tác xã Cổ phần Thành Công.
Bà Lê Hồng Anh được biết đến là vợ của ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch của Thành Công Group. Theo lý lịch trích ngang, bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975, có sự nghiệp gắn bó với Tập đoàn Thành Công. Bà Hồng Anh từng trải qua các vị trí: Phó Giám đốc phụ trách Tài chính kế toán Công ty TNHH Cơ khí Thành Công, Phó Tổng Giám đốc thường trực phụ trách kế toán CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, và hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land.
Sự tham gia của nhóm cổ đông liên quan đến bà Hồng Anh vào ngân hàng Eximbank khá kín kẽ. Phải đến tháng 4/2021, khi bà Lê Hồng Anh được đề cử vào HĐQT, thương vụ đầu tư này mới chính thức được hé lộ. Sau hơn 1 năm lộ diện, nay nhóm cổ đông Tập đoàn Thành công dự kiến sẽ bán hơn 117 triệu cổ phiếu EIB, tương đương với hơn 9,5% vốn cổ phần ngân hàng.
Cổ phiếu EIB là một trong những mã ngân hàng hiếm hoi thoát khỏi bị lao dốc kể từ tháng 9 đến nay. Thực tế, chỉ từ đầu tháng 9, đã có hơn 135 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thoả thuận, giá trị gần 5.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu này chiếm khoảng 11% vốn cổ phần ngân hàng.
Các giao dịch "khủng" của EIB diễn ra sau khi Eximbank được chấp thuận tăng vốn; cùng với đó, đại diện SMBC cũng đã rút khỏi HĐQT của ngân hàng.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, thị trường cũng ghi nhận giao dịch thoả thuận khủng với 25 triệu cổ phiếu EIB được sang tay ở mức giá 40.000 đồng/cp, trị giá 1,000 tỷ đồng. Tổng cộng, trong tháng 3/2022 có khoảng hơn 48 triệu cp EIB được mua bán thỏa thuận, chiếm 3,9% vốn điều lệ của Eximbank.
Với những giao dịch như trên, chắc chắn cơ cấu cổ đông của ngân hàng Eximbank đã có sự xáo trộn trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục thay đổi lớn sau khi nhóm Thành Công hoàn tất giao dịch.
Sau nhiều năm rơi vào vòng xoáy tranh chấp thượng tầng và không thể tổ chức được ĐHĐCĐ. Tình hình tại Eximbank chỉ tạm ổn định sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) trong ĐHĐCĐ vừa qua, thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Trong cuộc họp cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú khẳng định: "Không có bất kỳ nhóm lợi ích gì liên quan đến hoạt động riêng chi phối hoạt động Eximbank. HĐQT nhiệm kỳ VII trên tình thần phát triển cho Eximbank tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông".
Như vậy, lãnh đạo ngân hàng Eximbank khẳng định tình trạng “đấu đá nội bộ” đã kết thúc. Rất có thể, sau nhiều năm mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm cổ đông lớn, “cuộc chiến quyền lực” tại Eximbank đã đến hồi kết với một nhóm cổ đông sở hữu số cổ phần vượt trội.
Thế nhưng, động thái thoái sạch vốn của các tổ chức liên quan đến Thành Công Group tại ngân hàng Eximbank liệu có phải là tín hiệu cho một cuộc chiến ‘vương quyền’ trong tương lai?
Ngân hàng Eximbank gây bất ngờ với nhiều kế hoạch lớn trong thời gian gần đây
Sắp tới, ngân hàng Eximbank sẽ phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu EIB sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong năm 2022 sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Sau khi hoàn tất tăng phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ kể từ năm 2012.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 2/2022 khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.
Nếu giữ được "phong độ" này trong nửa cuối năm 2022, Eximbank có thể quay trở lại con số lợi nhuận của thời kỳ hoàng kim năm 2011 của mình trước khi lao đao với các cuộc khủng hoảng về nợ xấu và nhân sự.
Xem thêm: Nhân sự cấp cao tại ngân hàng Eximbank lại \'có biến\'
Tham vọng đa ngành của Thành Công Group
Thành Công Group tiền thân là Công ty TNHH Cơ khí Thành Công được thành lập từ tháng 1/1999 và tháng 2 cùng năm Công ty thành lập Văn phòng đại diện đầu tiên tại Hàn Quốc.
Năm 2004, Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Anh đi vào sản xuất với thương hiệu xe tải Thành Công và năm 2005 Thành Công trở thành đối tác chính thức của thương hiệu DongFeng (Trung Quốc) tại Việt Nam.
Năm 2008, đổi tên thành CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group). Năm 2009 đánh dấu bước ngoặt của Tập đoàn khi trở thành đối tác chính thức của Hyundai Motor Company (HMC) về phân phối, sản xuất, lắp ráp xe du lịch tại Việt Nam. Đồng thời, CTCP Hyundai Thành Công (HTC) được thành lập, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ lắp ráp xe du lịch nhãn hiệu Hyundai tại Việt Nam.
Tháng 09/2017, Thành Công Group tiếp tục đạt được thỏa thuận với Hyundai về thành lập liên doanh sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền xe thương mại ở Việt Nam. Năm 2019, Tập đoàn Thành Công và Công ty Hyundai Xây dựng (Hyundai E&C) đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và ra mắt thương hiệu TC MOTOR – Đại diện khối ô tô Tập đoàn Thành Công.
Thành Công Group còn có nhiều công ty thành viên quan trọng khác như CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV) và CTCP Hyundai Thành Công Thương mại (HTCV)…
Sau khi có vị trí nhất định trong ngành ô tô, Thành Công Group bắt đầu lấn sân sang ngành bất động sản với sự tham gia của một số thành viên như: Thành Công E&C, CTCP Thương mại Du lịch Cổ Loa, CTCP Xây dựng Thành Công 3…
Đến tháng 11/2017, Thành Công Group thành lập Công ty TNHH TCG Land (TCG Land) với quy mô vốn điều lệ đăng ký 1.668 tỷ đồng. TCG Land được thành lập dựa trên việc tái cấu trúc của Công ty Cổ phần Thành Công E&C và 8 công ty khác hoạt động về lĩnh vực, đầu tư bất động sản và xây dựng của Tập đoàn Thành Công.
Bên cạnh đó, Thành Công đẩy mạnh các hoạt động M&A để mở rộng quỹ đất cũng như ra mắt hàng loạt các công trình bất động sản gây được tiếng vang như Shilla Monogram Quangnam Danang, The Five Villas & Resort Quangnam Danang, The Five Villas & Resort Ninh Binh…
Sau khi lấn sân mảng bất động sản, Thành Công Group cũng đặt mục tiêu trong việc tiến vào mảng ngân hàng trước tin đồn gom cổ phiếu của Eximbank từ năm 2019.