Geleximco sẽ bắt tay với hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc để làm nhà máy ô tô 19.000 tỷ tại Thái Bình?

Geleximco đang đàm phán với hai đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ô tô, trong đó, đối tác tiềm năng là Chery của Trung Quốc.

Sau nhiều năm liên doanh cùng Honda Motor đầu tư Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP) tại Hưng Yên, mới đây, Geleximco – tập đoàn tư nhân đa ngành của doanh nhân gốc Thái Bình Vũ Văn Tiền tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải. Dự án có tổng vốn đầu tư là 18.800 tỷ đồng.

Theo nguồn tin báo chí, giống như nhiều dự án khác của mình, Geleximco tiếp tục triển khai dự án này theo hình thức liên doanh với các "ông lớn" ô tô trong khu vực.

Hiện nay, Geleximco đang đàm phán với hai đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ô tô, trong đó, đối tác tiềm năng là Chery của Trung Quốc. Nếu hợp tác với Chery, nhà máy Geleximco Thái Bình sẽ là sự hiện diện đầu tiên của nhà đầu tư Trung Quốc trong ngành sản xuất ô tô Việt Nam.

Chery đang là đối tác tiềm năng nhất để Tập đoàn Geleximco hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Chery đang là đối tác tiềm năng nhất để Tập đoàn Geleximco hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu, Chery hiện đang là hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc. Trên trang fanpage chính thức của Chery tại Việt Nam, hãng cho biết doanh số bán hàng của Chery trong tháng 7 đạt 131.533 xe, doanh số xuất khẩu xe là 50.614 chiếc, đánh dấu Chery trở thành thương hiệu ô tô đầu tiên của Trung Quốc xuất khẩu hơn 50.000 xe chỉ trong một tháng.

Trong 7 tháng đầu năm, tập đoàn Chery đã xuất khẩu tổng cộng 198.859 xe, doanh số xuất khẩu ra nước ngoài chiếm 33% tổng doanh số. Chery đã đăng ký bản quyền 3 mẫu xe tại Việt Nam thời gian qua, gồm: Omoda 5, Tiggo 3X Plus và Arrizo 6.

Bên cạnh đó, hãng xe này cho biết đang lên kế hoạch để có thể xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Gần đây, thương hiệu OMODA của Chery đã tổ chức buổi livestream trực tuyến độc quyền dành cho một số đối tác truyền thông để chia sẻ những thông tin về sản phẩm và kế hoạch ra mắt xe tại Việt Nam trong năm sau. Mẫu xe Chery Omoda 5 cũng đã được đăng ký bản quyền tại Việt Nam.

Chery cũng cho biết thêm hãng sẽ đẩy mạnh phát triển những chiếc xe có tính “nội địa hoá theo phương thức quốc tế hóa" phù hợp nhất với điều kiện địa phương và đáp ứng tốt nhất sở thích của người tiêu dùng trên từng vùng lãnh thổ.

Theo kế hoạch, nhà máy Geleximco ở Thái Bình hướng đến sản xuất xe điện và xe pin nhiên liệu, đồng thời sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu. Dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2030 có sản lượng sản xuất 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 từ năm 2030 trở đi có sản lượng sản xuất 100.000 xe/năm.

Về việc liên doanh cùng Honda Motor đầu tư Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP) tại Hưng Yên của Geleximco trước đó. Được biết, Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô xe máy tại Việt Nam.

Hình ảnh tại Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam. Nguồn: Geleximco.
Hình ảnh tại Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam. Nguồn: Geleximco.

Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP). Công ty có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước, Tập đoàn GELEXIMCO là một trong hai cổ đông Việt Nam, phía nước ngoài gồm hai công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd, Daisin Co. Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co.,Ltd.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là 90 triệu USD. Trụ sở của VAP được đặt tại xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. VAP hiện đang cung cấp sản phẩm chính cho Honda & Goshi.

Ngoài ra, mới đây, Geleximco ký thỏa thuận với Tổng Công ty Viglacera (VGC) để thuê lại diện tích 50 ha đất và cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô điện tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang nhận được sự quan tâm lớn của người dùng ô tô tại Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, ông Vũ Văn Tiền cho biết, đây là một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại với các dây chuyền như hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định, trình độ tự động hóa cao. Ngoài ra, còn có đầy đủ các công trình phụ trợ như văn phòng, khu để xe, kho nguyên vật liệu, bãi chứa xe ô tô thành phẩm, khu xử lý nước thải,...

Sản phẩm của nhà máy là xe ô tô nhiên liệu và hướng đến xe điện, xe pin nhiên liệu thân thiện với môi trường; sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy lắp ráp, xuất khẩu. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của Đức đảm bảo tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

 

Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản và Thương mại – Dịch vụ.

Điểm nổi bật là Geleximco đã tăng tỉ trọng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn đã và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao. Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có tổng mức đầu tư 900 triệu USD, công suất 620MW; Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn/năm và Nhà máy Giấy An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 triệu USD.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống