Cơ chế đặc thù tạo nguồn vốn tỷ USD làm đường sắt đô thị TP.HCM
Ngày 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. HCM. Đây là chính sách quan trọng, giúp TP.HCM gỡ được điểm khó nhất cho các dự án metro là nguồn vốn.
Đường sắt đô thị: Kỳ vọng đột phá
Nghị quyết quy định danh mục dự án dự kiến mạng lưới đường sắt đô thị gồm 15 tuyến ở Hà Nội và 10 tuyến ở TP. HCM.
Về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, Nghị quyết nêu, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án Thủ tướng Chính phủ được căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho TP.Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho TP.HCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 – 2035.
Nghị quyết có quy định áp dụng riêng cho TP. HCM. Cụ thể như: trong khu vực TOD, UBND TP. HCM được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu theo quy định để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

HĐND TP. HCM quy định chi tiết phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu quy định bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác.
Quy hoạch TP. HCM 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 cũng đã xác định mạng lưới đường sắt đô thị (metro) gắn với việc hình thành và phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển các khu đô thị dựa trên giao thông công cộng) và có tính liên kết vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó, thành phố chú trọng phát triển các tuyến metro hiện đại kết nối các trung tâm tổng hợp, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp; phát triển công nghiệp đường sắt đô thị kết hợp các cơ sở công nghiệp đường sắt, phụ trợ cho đường sắt đô thị.
Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - TP.HCM hình thành 10 tuyến metro sẽ giúp bứt phá trong phát triển hệ thống giao thông công cộng, góp phần hạn chế xe cá nhân, quá tải hạ tầng giao thông đô thị và ùn tắc giao thông. Đặc biệt, với cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt trên sẽ là nền tảng để nước ta phát triển ngành công nghiệp metro, qua đó nhân rộng các tuyến metro ra cả nước, đưa chúng ta làm chủ công nghệ làm các tuyến metro từ sản xuất thiết bị, xây dựng, lắp ráp, vận hành...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, hệ thống metro sẽ là "trái tim" trong quá trình đột phá phát triển hạ tầng giao thông đô thị của thành phố. Nghị quyết sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Huy động vốn hàng chục tỷ USD
Về phương thức huy động vốn, theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM, việc cho phép TP. HCM được huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn để có thể chủ động nguồn vốn phát triển hệ thống metro theo đúng tiến độ đề ra.
Kinh nghiệm từ tuyến metro số 1 cho thấy việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn ODA, cùng với một số vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách,... đã khiến tuyến này thực hiện kéo dài trong 17 năm, đội vốn lên khoảng 2,5 lần.
Nghị quyết mới được thông qua cho phép huy động nhiều nguồn vốn, trong đó cho phép các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước trực tiếp tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro. Nhờ đó, các địa phương có nguồn vốn dồi dào và chủ động để làm metro, góp phần xây dựng hệ thống metro nhanh hơn, đúng tiến độ đề ra, khẳng định sự làm chủ công nghệ làm metro của người Việt.

Chính sách mới cũng cho phép, UBND TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Hàng năm, trong quá trình chấp hành ngân sách, HĐND TP. HCM được chủ động quyết định cụ thể nguồn vay trong nước và nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ bảo đảm trong tổng mức dư nợ vay và bội chi ngân sách thành phố đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.
10 tuyến đường sắt đô thị của TP. HCM
Theo Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mạng lưới metro dài hơn 600 km. So với quy hoạch năm 2013 với 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện dài 220 km, quy hoạch mới đã tăng gần gấp ba lần chiều dài.
Cụ thể, TP. HCM sẽ xây dựng thêm 7 tuyến metro xuyên tâm và 2 tuyến metro vành đai, 1 tuyến LRT/tramway ven sông và 1 tuyến MRT/LRT kết nối đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Một số tuyến metro được điều chỉnh để tối ưu hóa vận hành và mở rộng phạm vi phục vụ. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện dài 19,7 km sẽ kéo dài đến An Hạ (huyện Bình Chánh), nâng tổng chiều dài lên 40,8 km.
TP. HCM cũng chú trọng kết nối metro với hệ thống giao thông lớn như đường sắt quốc gia, ga Bình Triệu, Dĩ An, sân bay Long Thành và ga Tân Kiên (trên tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ).
Ngoài ra, các tuyến metro tại TP. HCM cũng sẽ kết nối với một số tuyến metro thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tại các tỉnh lân cận.
Theo nghị quyết, 10 tuyến đường sắt đô thị dự kiến tại TP. HCM như sau:
Tuyến 1: Suối Tiên - Bến Thành - An Hạ.
Tuyến 2: Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm.
Tuyến 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ.
Tuyến 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước.
Tuyến 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Đề-pô Đa Phước.
Tuyến số 6: Vành đai trong.
Tuyến 7: Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park 8.
Tuyến 8: Đa Phước - Phạm Hùng - Ngô Gia Tự - ga Sài Gòn - Công viên phần mềm Quang Trung - Hóc Môn - Bình Mỹ (Củ Chi).
Tuyến 9: An Hạ - Vĩnh Lộc - Ga Sài Gòn - Bình Triệu.
Tuyến 10: Vành đai ngoài.