Cơ chế đặc thù về chỉ định thầu các gói thầu thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và gói thầu xây lắp thuộc: Các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và điểm b khoản 4 Phần II Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự thảo nêu rõ, thẩm quyền quyết định hình thức chỉ định thầu là người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả chỉ định thầu, trừ trường hợp: Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp của các dự án thành phần và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
Về điều kiện xác định gói thầu chỉ định thầu: Người có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xác định các gói thầu áp dụng chỉ định thầu trên cơ sở bảo đảm một trong ba điều kiện. Một là, gói thầu cấp bách cần triển khai ngay để đảm bảo tiến độ dự án. Hai là, đã đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm hoặc đã tổ chức đấu thầu qua mạng nhưng không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm hoặc không có nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm hoặc không có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu cơ bản trong hồ sơ mời thầu. Ba là, gói thầu chỉ có thể được thực hiện bởi một nhà thầu vì lý do kỹ thuật đặc thù, riêng biệt.
Về điều kiện áp dụng chỉ định thầu: Các gói thầu áp dụng chỉ định thầu phải có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không muộn hơn ngày 31/12/2023 đồng thời đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất và quy trình, thủ tục chỉ định thầu, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế xây dựng, ban hành tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đề xuất áp dụng thống nhất cho từng loại gói thầu để các chủ đầu tư lập hồ sơ yêu cầu, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ theo đúng yêu cầu của gói thầu.
Thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Thông tư này; quy trình chỉ định thầu thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; các nội dung khác thực hiện theo đúng quy định pháp luật chuyên ngành và pháp luật về đấu thầu hiện hành.
Đối với trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định thầu đối với các gói thầu do Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định.
Căn cứ hồ sơ trình của Bộ Giao thông vận tải và Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chỉ định thầu.