Có lợi ích nhóm trong định giá đất khi cổ phần hoá

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) vừa tái trúng cử giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhiệm kỳ IV năm 2016 - 2021.

 

 

>>> Kiểm toán nhà nước liệt kê "các chiêu" thâu tóm đất khi cổ phần hóa

 

Là một người đầy tâm huyết với sự phát triển của thị trường bất động sản suốt một thời gian dài, những trao đổi với Chủ tịch Nam không khỏi làm báo giới bất ngờ khi ông nhận định về những bất cập trong cổ phần hóa thời gian qua.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc định giá đất thấp khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã dẫn đến làm thất thoát tài sản nhà nước, nhiều mảnh đất có vị trí vàng được định giá “bèo”, ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

- Trong Luật Nhà ở có điều khoản quy định các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp đang là chủ sở hữu hay nói cách khác được quyền sử dụng đất nếu đất đó là đất ở thì đương nhiên lập dự án doanh nghiệp đó sẽ là chủ đầu tư. Nhưng là đất công nghiệp, văn phòng, ngoài đất ở mà người ta đã cấp đất cho di dời ra chỗ khác thì bắt buộc phải đưa ra đấu giá.

Tôi cho rằng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần DNNN cổ phần hóa chủ yếu là do sự phát sinh giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất trước và sau khi cổ phần hóa. Và vì giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất mà nhà đầu tư thu được này quá lớn nên với nhà đầu tư thì giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất chính là “lực hấp dẫn”, còn đối với Nhà nước thì đây lại là lỗ hổng dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.

>>> Đất đai - lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước qua cổ phần hóa, thoái vốn (kỳ 2)

 

Và việc này liệu có dẫn tới”lợi ích nhóm” không, thưa ông?

- Đương nhiên việc này chỉ có lợi cho một nhóm, cho doanh nghiệp chứ không cho nhà nước. Tôi được biết có những trung tâm nghiên cứu, Viện có miếng đất cơ quan mà làm chủ đầu tư thì không đúng chức năng, do vậy họ được chỉ định doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư thì đương nhiên sẽ lôi một doanh nghiệp khác vào.

Ngoài ra, việc chuyển đổi văn phòng sang đất nhà ở đương nhiên phải nộp thêm tiền chuyển mục đích sử dụng nhưng nó quá nho so với giá trị thực. Nếu hiện nay chuyển trả cho nhà nước để nhà nước đem đấu giá thì giá trị thu được sẽ rất nhiều.

Khi còn là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cùng anh em biên soạn hai Bộ Luật gồm Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản, đã có một số doanh nghiệp vì đụng chạm đến quyền lợi của mình kiến nghị sửa một điểm duy nhất trong Luật Nhà ở liên quan đến định giá đất khi cổ phần hóa nhưng tôi không đồng ý và đến tận bây giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm này.

Vậy vấn đề này, quan điểm của Hiệp hội thời gian tới thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến với lãnh đạo Bộ Xây dựng không được sửa điểm này trong Luật Nhà ở bởi mặc dù có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại không có lợi cho đất nước và nhà nước.

Nhiệm kỳ tới Hiệp hội cũng có nhiều hành động cụ thể để thị trường phát triển bền vững như: “Lái” các doanh nghiệp xây dựng nhà ở giá rẻ cho người dân có thu nhập thấp; kêu gọi doanh nghiệp phải thực hiện đúng pháp luật trong việc triển khai dự án, tuyệt đối không để tình trạng xây sai rồi đập phá.

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ tới tôi cũng đặt mục tiêu cho ra đời thí điểm Quỹ Đầu tư Bất động sản để có một kênh huy động vốn độc lập cho thị trường bất động sản mà không phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng. Tôi có thể tự hào rằng nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội đã khiến các giải pháp của Chính phủ “trúng đích” hơn, cũng như sự hưởng ứng của lực lượng doanh nghiệp đã đem lại một liều thuốc rất cơ bản cho thị trường bất động sản.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vân Anh
Báo Lao Động

http://laodong.com.vn/kinh-te/co-loi-ich-nhom-trong-dinh-gia-dat-khi-co-phan-hoa-603056.bld