Cơ nghiệp đồ sộ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người từng muốn làm siêu dự án 4 tỷ USD vì ông Đinh La Thăng

- Trong vòng một tháng, từ một dự án nhỏ với 250-300 triệu USD, nhóm 4 nhà đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã quyết định nâng lên thành 4 tỷ USD, xuất phát từ kỳ vọng của cựu Bí thư Đinh La Thăng.

 

Kết luận mới được công bố của Thanh tra Chính phủ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa được công bố mới đây đã chỉ ra Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), nơi ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT, có nhiều vi phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản.

Cuối tháng 4/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà) được bầu làm Chủ tịch HĐQT SASCO sau quãng thời gian dài vung tiền thâu tóm cổ phần của công ty này.

Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn (gồm IPP Group, ACFC, DAFC) sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO. ACV vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,8% cổ phần.

SASCO hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại…

 

Cơ nghiệp đồ sộ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người từng muốn làm siêu dự án 4 tỷ USD vì ông Đinh La Thăng - Ảnh 1
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT SASCO từ tháng 4/2017.


Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2005 đến 2015, SASCO đã đầu tư vốn thành lập Công ty Liên doanh Nhà Viethaus tại Đức (liên doanh giữa SASCO và Công ty H.M.SKY Gmbh - Đức). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không có hiệu quả, lỗ lũy kế đến 31/12/2015 là hơn 13,4 triệu euro. Thêm vào đó, các mục tiêu kinh tế của dự án chưa đạt được và khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư và các khoản nợ với số tiền là hơn 9,6 triệu euro, tương đương gần 61,96 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra SASCO còn được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 131 ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng công ty này không triển khai.

Đồng thời, công ty cũng chưa làm thủ tục miễn giảm thuế nhưng đã được Chi Cục Thuế TP Đà Lạt miễn tiền sử dụng đất trái thẩm quyền, làm thất thu ngân sách Nhà nước hơn 1,54 tỷ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo thu hồi dự án vì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng là của Thủ tướng, nhưng đến nay chưa được các cơ quan liên quan thực hiện.

SASCO cũng chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2001 đến 2016 với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Về hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, SASCO đã thiếu kiểm tra, nghiệm thu để xác định đúng các khoản thu về cấp bù doanh thu năm 2015 của IPP Group Pte Ltd Singapore, dẫn đến giảm doanh thu năm 2015 với giá trị 920 nghìn USD, tương đương hơn 20,6 tỷ đồng (tỷ giá 22.470 đồng/USD), thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp 4,5 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trách thuộc về Tổng giám đốc SASCO. Tại ngày 3/5/2017, SASCO đã khắc phục và thu được số tiền trên.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ những vi phạm của SASCO trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, làm giảm vốn Nhà nước khi cổ phần hóa số tiền gần 13 tỷ đồng.


Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Việt kiều quốc tịch Mỹ. Những năm 80 của thế kỷ 20 ông làm ăn kinh doanh tại Philippines. Ông là một trong những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cho phép về nước tham gia đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế.

Được mệnh danh là “Vua hàng hiệu", Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group - IPP Group) của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang dẫn đầu nhiều nhánh kinh doanh ở Việt Nam như thời trang hàng hiệu, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nhượng quyền với những thương hiệu nổi tiếng thế giới, kinh doanh trung tâm thương mại và cửa hàng miễn thuế, phân phối rượu cao cấp.

Hệ thống các công ty con của IPP Group bao gồm: Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC), Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), Công ty Dịch vụ Phân phối Đông Dương (DFS),...

Các công ty của IPP hiện là nhà phân phối các thương hiệu thời trang GAP, Calvin Klein Jeans, DIESEL, Mango, Nike, Tommy Hilfiger, LEVI'S, Banana Republic,... ở Việt Nam. Hiện IPP nắm giữ 30% thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ở Việt Nam với khoảng 70% thị phần tại thị trường Việt Nam. IPP có trụ sở tại Việt Nam và các chi nhánh tại các nước châu Âu, Mỹ, Singapore, Philippines.

IPP đang vận hành việc kinh doanh ở trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza với 80.000m2 tại đất “vàng” giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, khu mua sắm cao cấp Rex Arcade tại khách sạn Rex (TP. HCM) được IPP rót vốn tới 4 triệu USD. IPP cũng đang liên doanh với tập đoàn Moet Hennessy để phân phối các loại rượu cao cấp của hãng này.

Ngoài việc kinh doanh hàng hiệu xa xỉ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn làm ăn buôn bán, kinh doanh với hai thương hiệu kinh doanh thực phẩm nổi tiếng thế giới là Burger King và gà rán kiểu Mỹ Popeyes Chicken, đồ uống Dunkin’ Donuts. Ông cũng đầu tư vào đồ ăn nhanh với thương hiệu Domino’s Pizza.

IPP Group cũng từng đặt vấn đề mua sân bay Phú Quốc nhưng chưa thành công. Công ty hiện là cổ đông lớn nhất, giữ 30% cổ phần của Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh – chủ đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay Cam Ranh.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người đứng sau những thương vụ đầu tư đình đám như tại Siêu thị Miền Đông, Khách sạn Nha Trang Lodge, cửa hàng miễn thuế tại các sân bay nội địa và 4 quốc gia ở Đông Nam Á.

Hồi tháng 5/2016, trong cuộc gặp gỡ cựu Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã giới thiệu ba doanh nghiệp đến từ Mỹ là những người bạn đầu tư lâu năm cùng IPP gồm Cantor Fitzgerald, Weider Resorts, Steelman Partners.

 

Cơ nghiệp đồ sộ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người từng muốn làm siêu dự án 4 tỷ USD vì ông Đinh La Thăng - Ảnh 2
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng các nhà đầu tư Mỹ đã có buổi làm việc với Bí thư Đinh La Thăng hồi tháng 5/2016. Ảnh: Thanh niên


Trong buổi gặp gỡ này, ông chủ IPP đã cùng các doanh nghiệp Mỹ đề xuất với Bí thư Đinh La Thăng về việc xây dựng dự án phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD. Dự án này được kỳ vọng sẽ là khu trung tâm tài chính, chứng khoán mới có quy mô bậc nhất Đông Nam Á.

Điều đáng chú ý là theo chia sẻ của ông Johnathan, quyết định đầu tư dự án có quy mô tỷ USD này xuất phát từ ý tưởng, quan điểm mà Bí thư Đinh La Thăng đưa ra trước đó, muốn giành lại vị trí số 1 trong khu vực cho TP. HCM, xứng đáng với danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông.

Là người dẫn mối cho các nhà đầu tư Mỹ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ rằng ban đầu 4 tập đoàn chỉ dự định đầu tư một dư án nhỏ tại TP. HCM, với quy mô vốn khoảng 200 – 300 triệu USD.

Thế nhưng, khi TP. HCM có lãnh đạo mới, với những tư tưởng đổi mới và quyết tâm đưa TP. HCM lên vị trí số 1 của khu vực, thì các tập đoàn đã có sự định đầu tư lớn hơn.

Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm dự kiến có tòa nhà cao 70 tầng, trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp, khu bán lẻ, khu vui chơi giải trí, nhà hát opera...

Phản hồi về những đề xuất của các nhà đầu tư, ông Đinh La Thăng thời điểm đó cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho những dự án của các nhà đầu tư mới ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dù có mức đầu tư khủng, nhưng dự án 4 tỷ USD này vẫn chưa thể thực hiện ngay.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh mới nhất của IPP Group, tập đoàn này bất ngờ tăng vốn từ 2.500 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng, đồng thời chuyển đổi cơ cấu sở hữu.

 

Cơ nghiệp đồ sộ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người từng muốn làm siêu dự án 4 tỷ USD vì ông Đinh La Thăng - Ảnh 3
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (giữa đã chuyển 99% cơ nghiệp kinh doanh hàng hiệu trị giá nghìn tỷ sang cho vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (thứ hai ngoài cùng bên phải).


Đáng chú ý, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chuyển 99% cơ nghiệp kinh doanh hàng hiệu trị giá nghìn tỷ sang cho vợ và chỉ còn nắm giữ 1% số cổ phần trong công ty. Bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan) nắm giữ 59% cổ phần và hai con trai Philip và Louis nắm giữ lần lượt 20% cổ phần.

Khi mới thành lập công ty năm 2002, ông Hạnh Nguyễn nắm giữ tới 90% cổ phần của IPP, còn bà Thủy Tiên nắm giữ 10% cổ phần.

Ngoài IPP Group, ông Johnathan Hanh Nguyen còn từng sở hữu một công ty khác là Imex Asia Pacific International Limited. Cả 2 công ty này đều đăng ký trụ sở tại thiên đường thuế British Virgin Islands và có tên trong "Hồ sơ Panama".


Theo ANH MAI
Nhà đầu tư




 

Link nguồn: http://www.nhadautu.vn/co-nghiep-do-so-cua-ong-johnathan-hanh-nguyen-nguoi-tung-muon-lam-sieu-du-an-4-ty-usd-vi-ong-dinh-la-thang-d5970.html