Cổ phần hóa nguội lạnh, thị trường thiếu hàng mới
Việc tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một giải pháp quan trọng giúp tăng hàng hóa chất lượng, đảm bảo thu hút nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây công tác này gần như không có chuyển biến, khiến thị trường thiếu “hàng mới”.
Nút thắt trong thu hút dòng vốn
Kể từ khi dịch Covid-19 nổ ra, ngoài nhóm ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) - nơi tập trung vốn ngoại nhiều nhất có thêm một số lựa chọn mới đến từ việc chuyển sàn như Hóa chất Đức Giang, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tập đoàn Cao su, Becamex, EVNGENCO3, Gỗ An Cường, Công trình Viettel.
Trong số đó, có những mã thanh khoản rất thấp (PGV của EVNGENCO3, SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG) hay tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi ít (GVR của Tập đoàn Cao su, BCM của Becamex, PGV), dường như không phải là khẩu vị của vốn ngoại.
Số khác “sớm nở, chóng tàn”, sôi động giai đoạn IPO nhưng đìu hiu khi niêm yết hoặc giai đoạn sau đó như Đất Xanh Services, Nova Consumer, Tôn Đông Á, Gỗ An Cường, An Phát Holdings… Những tân binh không thu hút được dòng tiền của thị trường nói chung và khối ngoại nói riêng. Sau lên sàn, nhiều mã lao dốc, khiến nhà đầu tư tham gia mua IPO thua lỗ. Vì vậy, giới đầu tư không mặn mà.
Trong một số tình huống, cổ đông ngoại tiến hành thoái vốn sau một thời gian niêm yết, đặt ra khả năng đây không chỉ là thương vụ đầu tư đơn thuần mà có thể là giao dịch cầm cố (repo), cấu trúc vốn.
Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước như Agribank, VNPT, MobiFone, Vinataba, Vinachem, HUD chậm chậm và vẫn chưa có mốc thời gian hoàn tất.
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng vấn đề định giá khiến hoạt động IPO tập đoàn, tổng công ty nhà nước chững lại. Điều này tạo ra nút thắt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam.
Nhìn sang hoạt động thoái vốn Nhà nước cũng không nhiều chuyển biến ngay cả khi thị trường ở giai đoạn sôi động nhất, với quy mô thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên. Quy định đấu giá trọn lô cổ phần khiến các thương vụ “kén khách”. Thoái vốn Nhà nước chỉ thu hút các công ty muốn nắm cổ phần chi phối, đơn cử như thương vụ Kido mua Vocarimex, nhóm Việt Phương thâu tóm cổ phần Sudico…
Hướng tới khối doanh nghiệp tư nhân
Theo các chuyên gia nhìn nhận, trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thị trường chứng khoán đã trở thành điểm tựa vững chắc, đóng vai trò trung tâm liên kết quá trình này với việc thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư, công chúng thông qua các hoạt động như đấu giá cổ phần và niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán. Không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả, thị trường chứng khoán còn đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cải cách góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ngược lại, việc tăng cường công tác cổ phần hoá, niêm yết doanh nghiệp sẽ giúp thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn. Trong những năm gần đây, thị trường gần như không ghi nhận hoạt động IPO và đưa cổ phiếu lên sàn với quy mô lớn. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cũng chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn như Agribank, Vinacomin - TKV, SJC…
Điều này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu “hàng mới” với chất lượng tốt và các nhà đầu tư tham gia thị trường cũng thiếu sự lựa chọn đầu tư những cổ phiếu lớn. Mặc dù số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số mã chứng khoán quen thuộc.
Tại một sự kiện mới đây, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam Dominic Scriven, người có hơn 30 năm gắn bó với thị trường chứng khoán, cho rằng không nên chờ việc các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Giải pháp được đưa ra hướng tới khối doanh nghiệp tư nhân.
“Chúng ta nên động viên các công ty tư nhân của Việt Nam không sợ thị trường, không đòi hỏi quá về giá trị doanh nghiệp, mà cứ bắt đầu niêm yết, bắt tay xây dựng quan hệ với cộng đồng đầu tư”, Chủ tịch Dragon Capital nói.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK VPBankS cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị nền để nâng hạng thị trường chứng khoán, nên câu chuyện hàng hóa cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Nhìn lại giai đoạn năm 2016-2017, khi chúng ta đẩy mạnh quá trình thoái vốn giúp lượng hàng hóa lên sàn niêm yết khá nhiều và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên các chu kỳ kinh tế giai đoạn đó có sự biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp vừa mới được nới về lãi suất, tín dụng trong những năm Covid-19 thì lại phải đối mặt với nền lãi suất cao trở lại của cả thế giới và Việt Nam. Do đó, sức khỏe của doanh nghiệp trong thời gian gần đây liên tục phải đối mặt với môi trường chu kỳ kinh tế ngắn hơn, bất ổn hơn.
“Tôi cho rằng, để các doanh nghiệp có thể ứng phó được với các biến động lớn từ quốc tế thì cần có những giải pháp căn cơ như: Thứ nhất, cần có chính sách hỗ trợ với từng ngành nghề cụ thể; Thứ hai là giải bài toán chi phí vốn cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đây là một trong những yếu tố rất quan trọng; và Thứ ba, là tiếp tục đẩy mạnh công tác thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn, qua đó tăng lượng hàng hóa chất lượng đảm bảo thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trần Hoàng Sơn khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Yuanta nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam đòi hỏi sự đa dạng hóa ngành nghề, vượt lên trên sự phụ thuộc vào hai ngành truyền thống là bất động sản và ngân hàng. Hiện nay, hai ngành này chiếm hơn 40% tổng quy mô vốn hóa, đặt thị trường trong tình trạng rủi ro cao trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Để đạt được sự ổn định lâu dài và thu hút đầu tư bền vững, thị trường cần mở rộng sang các lĩnh vực mới như viễn thông và công nghệ, vốn được coi là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế thịnh vượng và ít rủi ro hơn.
Nên tính đến việc niêm yết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Kể từ năm 2015, làn sóng các doanh nghiệp FDI dịch chuyển vào Việt Nam rất mạnh với chu kỳ 3 năm, năm 2023 tiếp tục là năm bắt đầu của chu kỳ tăng trưởng làn sóng FDI. Yếu tố căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, cùng với lợi thế sẵn có của Việt Nam, nên các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn tới. Do đó, việc cho phép niêm yết các doanh nghiệp FDI cũng là bài toán giải quyết quy mô và chất lượng hàng hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Diệu Lan