Cổ phiếu bất động sản tiếp tục phân hóa mạnh trong phiên 23/2
Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động giằng co trong phiên 23/2 và các cổ phiếu bất động sản vẫn phân hóa mạnh.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 23/2 vẫn đi theo xu hướng giằng co tích lũy với sự phân hóa mạnh ở các cổ phiếu lớn. Các chỉ số chứng khoán đa phần có biến động hẹp và không mấy bất ngờ, trong đó, HNX-Index gặp đôi chút khó khăn khi THD lao dốc.
Hai chỉ số sàn niêm yết gồm VN-Index và HNX-Index đều kết thúc phiên trong sắc xanh nhẹ nhờ lực đẩy từ các cổ phiếu như HVN, GVR, SHB, TCB, MBB, SSI, VJC, GAS... Trong đó, GVR được kéo lên mức giá trần 29.900 đồng/cp, HVN tăng 4% lên 28.600 đồng/cp, SHB tăng đến 3,8% lên 16.300 đồng/cp - đây cũng chính là nhân tố giúp HNX-Index hồi phục vào cuối phiên.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên các cổ phiếu lớn như THD, SAB, MSN, MSN, PNJ, FPT, VPB... Đáng chú ý, THD chốt phiên giảm 3,5% xuống 178.000 đồng/cp và gây khó khăn lớn cho đường đi của HNX-Index trong phiên 23/2. Có thời điểm THD giảm sâu xuống chỉ còn 170.000 đồng/cp, dù vậy, cổ phiếu này thu hẹp đà giảm ở cuối phiên cùng với việc SHB bứt phá đã giúp HNX-Index đảo chiều tăng trở lại.
Tương tự như ở phiên trước, các cổ phiếu bất động sản biến động phân hóa khá mạnh. VHM sau phiên tăng mạnh hôm trước đã điều chỉnh giảm 0,5% xuống 105.300 đồng/cp. Trong khi đó, VIC tăng 0,3% lên 110.000 đồng/cp, VRE cũng tăng 0,7% lên 34.400 đồng/cp.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, các mã như EIN, UNI, TIG, CCL hay NVT vẫn được kéo lên mức giá trần bất chấp diễn biến giằng co của thị trường chung. Bên cạnh đó, DRH cũng tăng 4,3% lên 10.950 đồng/cp, ASM tăng 4,2% lên 15.950 đồng/cp, CEO tăng 3,7% lên 11.200 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như FIT, HPX, FLC, HQC, KBC... Trong đó, FIT giảm đến 4,3% xuống 11.100 đồng/cp, HPX giảm 4% xuống 37.950 đồng/cp, FLC giảm 2,7% xuống 6.150 đồng/cp, KBC giảm 2,2% xuống 40.000 đồng/cp.
Mới đây, KBC thông báo thành lập CTCP Đầu tư Phát triển Long An (Long An DIC) với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm sẽ đại diện toàn bộ phần vốn góp của tổng công ty tại đơn vị này. Công ty dự kiến góp 540 tỷ đồng để nắm giữ 36% vốn điều lệ Long An DIC. Hai đối tác còn lại trong liên doanh này là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (Saigontel).
Cùng với đó, công ty cũng công bố thông tin thành lập CTCP Tập đoàn Đầu tư Vũng Tàu với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Kinh Bắc góp 745,2 tỷ đồng, tương ứng 74,52% vốn cổ phần. Tập đoàn Đầu tư Vũng Tàu được thành lập để quản lý và phát triển dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu. Đây là dự án có diện tích 69,46ha và tổng mức đầu tư dự kiến 4.620 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,6 điểm (0,22%) lên 1.177,64 điểm. Toàn sàn có 233 mã tăng, 201 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,81 điểm (0,34%) lên 238,78 điểm. Toàn sàn có 123 mã tăng, 68 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,13%) xuống 76,47 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết xấp xỉ so với phiên trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.674 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 737 triệu cổ phiếu. Trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.319 tỷ đồng. Trong Top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường vẫn chỉ có duy nhất FLC thuộc nhóm bất động sản với 18,2 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục rút ròng trên 640 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán trong phiên 23/2. NVL, KBC và KDH đều là các cổ phiếu bất động sản nằm trong Top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Cụ thể, NVL bị bán ròng 36,5 tỷ đồng. KBC và KDH bị bán ròng lần lượt 27,7 tỷ đồng và 25,7 tỷ đồng. Chiều ngược lại, các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh có VHM, VRE hay SZC. Trong đó, VHM được mua ròng 22,4 tỷ đồng. VRE và SZC được mua ròng lần lượt 21,8 tỷ đồng và 9 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), 23/2 tiếp tục là phiên rung lắc mạnh khi thị trường tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật 1.200 điểm. Đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp thị trường vượt qua nhịp rung lắc mạnh trong phiên để xác nhận tín hiệu thị trường khỏe như đã nhận định. Các nhịp rung lắc ở khu vực 1.200 điểm sẽ thường xuyên xảy ra, nhà đầu tư không nên mua đuổi trong phiên.