Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/11): HPG, DHG và VNM
PHS ước tính doanh thu thuần năm 2023 của DHG đạt 4.691 tỷ đồng (tăng 7,4%), trong khi đó lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DHG đạt 981 tỷ đồng (tăng 6%) nhờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm đến các bệnh không truyền nhiễm ngày càng gia tăng.
HPG: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 15.700 đồng/cổ phiếu
Theo cập nhật mới nhất, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) trong tháng 10 giảm đáng kể xuống 210 nghìn tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021, theo đó sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong tháng lần lượt giảm 73% và 44% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ phôi thép, ống thép và thép mạ kẽm cũng giảm lần lượt 92%, 21% và 40% so với cùng kỳ, xuống lần lượt 15 nghìn tấn, 57 nghìn tấn và 27 nghìn tấn trong tháng 10.
Mặt khác, sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 10 vẫn duy trì ở mức cao 269 nghìn tấn (tăng 30% so với cùng kỳ) nhưng có thể giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ thép dẹt thành phẩm suy yếu. Theo đó, căn cứ trên sản lượng tiêu thụ, hiệu suất hoạt động của các lò cao của HPG trong tháng 10 đạt gần 70%.
Như thông tin đã chia sẻ, HPG đang xem xét kế hoạch tạm thời tạm dừng khoảng 4 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động.
Công ty hiện có 7 lò cao với tổng công suất trên 8 triệu tấn/năm. Theo ban lãnh đạo, chi phí đóng cửa và mở lại mỗi lò cao vào khoảng 40 tỷ đồng và mất từ 5-7 ngày để khởi động lại một lò. Do đó, chúng tôi cho rằng mối lo ngại chính trong thời gian tới là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, hơn là bản thân việc đóng cửa lò cao.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc HPG đóng cửa các lò cao có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng thị trường thép trong tương lai.
Do thị trường chung đang diễn biến kém khả quan với tốc độ nhanh chóng, SSI điều chỉnh giảm 16% ước tính lợi nhuận sau thuế của HPG năm 2022 xuống 10,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng với khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Trong năm 2023, SSI điều chỉnh giảm 14% ước tính lợi nhuận ròng xuống 10,88 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và giá than cốc giảm.
Theo đó, SSI duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 12 tháng 15.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E không đổi và EV/EBITDA lần lượt là 7,5 và 5,5 lần, với trọng số ngang bằng.
SSI nhận thấy chưa có nhiều yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại cùng với triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan. Tuy nhiên, SSI cho rằng việc môi trường kinh doanh diễn biến không thuận lợi như vậy có thể là cơ hội để những công ty hàng đầu như HPG củng cố vị thế trên thị trường trong dài hạn.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HPG, giá mục tiêu là 15.700 đồng/cổ phiếu.
DHG: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 106.300 đồng/cổ phiếu
Kết thúc 9 tháng năm 2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đạt 3.345 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu năm 2022, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 752,2 tỷ đồng (tăng 24,2% so với cùng kỳ), hoàn thành 88% kế hoạch năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), đây là kết quả kinh doanh tốt nhất trong 5 năm qua của DHG, phần nào cho thấy sự hợp tác với Taisho đã đơm hoa kết trái. PHS cho rằng DHG sẽ đạt được tăng trưởng dài hạn nhờ hợp tác chiến lược với Taisho Pharmaceuticals.
Trong những năm qua, thành tựu lớn nhất là Taisho đã hỗ trợ Dược Hậu Giang triển khai thành công 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim với gần 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Japan-GMP. DHG đang xây dựng nhà máy thuốc Betalactam đạt tiêu chuẩn JAPAN/EU_GMP với tổng vốn đầu tư 627 tỷ đồng.
Dự kiến nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động năm 2024 và đưa công suất hiện tại lên gấp đôi. Nhà máy mới sẽ tạo điều kiện cho DHG gia tăng doanh thu thuốc kênh ETC nhóm 2 trong tương lai.
PHS cho rằng dư địa tăng trưởng của ngành dược còn khá lớn. Hãng nghiên cứu thị trường BMI dự báo, quy mô toàn ngành dược của Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026 với 11% CAGR trong giai đoạn 2021-2026.
Với chiến lược tăng cường đầu tư kênh điều trị, DHG sẽ hưởng lợi tốt hơn từ dư địa tăng trưởng của ngành và xu hướng dài hạn của thuốc kênh ETC nhờ các chính sách của nhà nước bảo vệ thuốc sản xuất trong nước.
Thông tư 15/2019/TT-BYT (quy định lại quy chế đấu thầu) nêu rõ trong nhóm 5 và nhóm 2, các loại thuốc nhập khẩu có thể không được phép chào thầu nếu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn WHO-GMP và EU-GMP tương ứng về cùng một hoạt chất chính (API), và nếu năng lực sản xuất của công ty có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
PHS cho rằng, việc nâng cao năng lực sản xuất sẽ tạo điều kiện cho DHG thâm nhập sau hơn vào kênh ETC. Chứng nhận Japan-GMP gia tăng khả năng cạnh tranh cho DHG trước EVFTA. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng trong toàn dân, tạo cơ hội cho thuốc đấu thầu kênh ETC tăng trưởng trong tương lai.
PHS ước tính doanh thu thuần năm 2023 của DHG đạt 4.691 tỷ đồng (tăng 7,4%), trong khi đó lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DHG đạt 981 tỷ đồng (tăng 6%) nhờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm đến các bệnh không truyền nhiễm ngày càng gia tăng.
PHS điều chỉnh tăng WACC của DHG lên 10,6%. Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và EV/EBITDA, chúng tôi điều chỉnh giảm mức giá hợp lý đối với DHG là 106.300 đồng/cổ phiếu. PHS tỏ ra lạc quan về triển vọng DHG trong dài hạn và đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
VNM: MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 91.200 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), biên lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) dự kiến cải thiện từ quý IV/2022 nhờ giá nguyên liệu bột sữa giảm.
Theo Rabobank, giá nguyên liệu bột sữa thế giới có thể đã đạt đỉnh vào quý I/2022 và dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm (xuống ngang mức 2021) nhờ nguồn cung sữa thế giới phục hồi và nhu cầu bột sữa từ Trung Quốc suy giảm do các chính sách phong tỏa Covid.
Hiện VNM đã chốt giá bột sữa đến hết tháng 8/2022, dự kiến chi phí đầu vào sẽ cải thiện từ quý IV/2022 trở đi. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, VNM đã thực hiện điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm 4 - 10% so với mức đầu năm.
MASVN cho rằng VNM đang nỗ lực mở rộng chuỗi giá trị từ trang trại, nhà máy đến hệ thống phân phối. Dự án trang trại bò Mộc Châu (4.500 con) và Lao-Jagro (24.000 con) được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm khoảng 69 triệu lít/năm, nâng khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào của VNM lên thêm 5% khi đi vào hoạt động năm 2023.
Theo đó, MASVN dự phóng mức độ tự chủ nguyên liệu của VNM sẽ tăng từ 28% lên 33%. Ngoài ra, công ty đã lên kế hoạch khởi công siêu nhà máy sữa Hưng Yên vào quý IV/2022. Dự kiến giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2025 và sẽ đóng góp thêm khoảng 11-14% vào doanh thu 2026.
Đối với mảng phân phối nội địa, chuỗi Giấc mơ sữa Việt dự kiến mở thêm 120 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 700 vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, VNM sẽ tiếp tục M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác nhằm mở rộng thị phần quốc tế.
MASVN kỳ vọng VNM sẽ có nguồn thu nhập mới đến từ dự án bò thịt với tập đoàn Sotjitz Nhật Bản. Trong giai đoạn đầu, công ty chủ yếu nhập khẩu sản phẩm từ Nhật Bản. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư trang trại bò thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với công suất khai thác là 30.000 con/năm. Ban lãnh đạo dự kiến mảng bò thịt sẽ đem về 2.000 – 3.000 tỷ đồng doanh thu hằng năm khi sản phẩm chính thức bán ra thị trường cuối năm 2023.
Giữ vị thế đầu ngành sữa với tổng thị phần đạt 55,5% về giá trị trong 2021, VNM có nền tảng tài chính vững chắc với lượng tiền mặt lớn đạt 43,8% tổng tài sản tại cuối quý III/2022 và chỉ số ROE dự kiến duy trì ở mức cao 30% trong giai đoạn 2022-2026.
Tiền ròng đạt khoảng 12.900 tỷ đồng đến cuối quý III/2022. Dù tăng dư nợ nhằm phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn, VNM vẫn có tỷ lệ nợ/tài sản ở mức thấp so với các công ty cùng ngành, phản ánh rủi ro tài chính thấp khi đầu tư.
Bên cạnh đó, chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt của VNM được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao với tỷ lệ 40-50%/mệnh giá trong giai đoạn 2022-2026 nhờ hoạt động kinh doanh ổn định.
MASVN kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2023 của VNM sẽ đạt lần lượt 64.690 tỷ đồng (tăng 4,7%) và 10.712 tỷ đồng (tăng 14,4%) nhờ nhu cầu tiêu thụ trong & ngoài nước phục hồi; giá bán bình quân tăng 3%; giá nguyên liệu bột sữa giảm từ quý IV/2022.
MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 12 tháng dự kiến là 91.200 đồng (lợi nhuận kỳ vọng tăng 11%), tương đương với P/E dự phóng năm 2023 là 17,8 lần, thấp hơn trung bình ngành sữa khu vực là 21,5 lần.