Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/5): SAB, BID và BVH

VNDirect cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2023-2024 của BVH chưa được thị trường phản ánh. Hai động lực tăng trưởng hết sức rõ ràng sẽ giúp BVH cải thiện đáng kể ROE trong 2 năm tới bao gồm lợi suất đầu tư được cải thiện nhờ nền lãi suất tăng cao và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng sẽ giúp giảm bớt áp lực dự phòng ở mảng nhân thọ.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/5): SAB, BID và BVH
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/5): SAB, BID và BVH

SAB: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 198.500 đồng/cổ phiếu

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đặt kế hoạch năm 2023 với doanh thu là 40,3 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ). Mặc dù kế hoạch lợi nhuận sát với ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, nhưng công ty này cho rằng kế hoạch doanh thu của SAB khá lạc quan trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng suy yếu và cạnh tranh khốc liệt.

SSI cũng lưu ý rằng việc nghiêm túc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 sẽ tác động đến kênh tiêu dùng on-premise và mức tiêu thụ bia trong ngắn hạn. Cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2022 được thông qua với mức 50% (35% đã được chi trả), tương ứng tỷ suất cổ tức là 3%. SAB sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 nhằm tăng thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tại ĐHCĐ, ban lãnh đạo đã trao đổi về xu hướng tỷ suất lợi nhuận năm 2023, SAB sẽ cố gắng giữ mức tỷ suất lợi nhuận gộp mặc dù chi phí nguyên vật liệu tăng cao (công ty đã chốt nguyên liệu từ cuối năm 2022 cho sản xuất đến hết quý III/2023). SAB sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí và cải thiện cơ cấu sản phẩm để bảo vệ lợi nhuận.

Về chiến lược phát triển, SAB sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại nhà máy bia Sài Gòn Bình Tây (SABIBECO – hiện là công ty liên kết của SAB với tỷ lệ sở hữu 22%) và công ty liên kết bao bì của SABIBECO (SABIBECO sở hữu 39% trong khi SAB sở hữu dưới 20% cả trực tiếp và gián tiếp). SAB cũng đang xem xét tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây (UPCoM: WSB) từ 51% lên 70% trong tháng tới.

Tại ĐHCĐ, SAB đã công bố bổ nhiệm ông Lester Tan Teck Chuan làm Tổng giám đốc (CEO) mới từ tháng 10/2023. Ông Lester hiện là Giám đốc mảng bia tại Thái Lan của Thai Bev. Ông sẽ là người kế nhiệm ông Bennett Neo Gim Siong, người giữ chức vụ CEO từ năm 2018.

Kết quả quý I đã được công bố với tổng doanh thu đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1 nghìn tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ). Theo ban lãnh đạo, doanh thu giảm là do sản lượng tiêu thụ thấp hơn.

Doanh thu giảm và chi phí bán hàng tăng (tăng 14% so với cùng kỳ) và chi phí quản lý (tăng 10% so với cùng kỳ) là những nguyên nhân chính kéo lợi nhuận đi xuống. Ban lãnh đạo cũng cho rằng kế hoạch năm 2023 của SAB mặc dù được đặt ra trong tháng 2, vẫn có thể gặp thách thức do tiêu dùng yếu.

SSI duy trì ước tính hiện tại cho năm 2023, cụ thể, SSI kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 38,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,6% so với cùng kỳ) và 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ). SSI hiện có khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu là 198.500 đồng/cổ phiếu đối với SAB.

BID: Yuanta khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 38.860 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) công bố lợi nhuận ròng trong quý I/2023 là 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ), hoàn thành 28% dự báo của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Lợi nhuận so với quý trước tăng chủ yếu là do chi phí hoạt động giảm, trong khi mức tăng so với cùng kỳ đến từ thu nhập lãi thuần cao hơn và trích lập dự phòng thấp hơn.

Cho vay khách hàng tăng 4,9% so với quý trước đạt 1.597 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 1,6% so với quý trước đạt 1.497 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2023. Thu nhập lãi ròng (net-II) trong quý I/2023 là 13,9 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với quý trước nhưng tăng 9% so với cùng kỳ).

Yuanta ước tính tỷ lệ NIM tính trên bình quân tổng tài sản trong quý I/2023 là 2,64% (giảm 15 điểm cơ bản so với quý trước, giảm 21 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng trong quý I/2023 là 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với quý trước, tăng 19% so với cùng kỳ), nhưng số liệu chi tiết không được công bố. Theo Yuanta, điều này khá bất ngờ khi hầu hết các ngân hàng khác đều công bố thu nhập phí giảm trong quý I/2023.

Lãi ròng từ ngoại hối trong quý I/2023 là 673 tỷ đồng (giảm 40% so với quý trước nhưng tăng 15% so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động là 4,8 nghìn tỷ đồng trong quý I/2023 (giảm 36% so với quý trước, tăng 12% so với cùng kỳ), đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận so với quý trước trong quý I/2023.

Yuanta ước tính CIR (điều chỉnh) là 29,6% (giảm 14 điểm phần trăm so với quý trước nhưng tăng 37 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Trích lập dự phòng là 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với quý trước nhưng giảm 25% so với cùng kỳ) trong quý I/2023, đây là khoản mục chính thúc đẩy lợi nhuận so với cùng kỳ.

Thu nhập ròng khác (chủ yếu đến từ thu hồi nợ xấu) là 977 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) trong quý I/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,55% (tăng 39 điểm cơ bản so với quý trước, tăng 58 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong quý I/2023. Nợ xấu nhóm 3 tăng tăng 127% so với quý trước, tăng 214% so với cùng kỳ và nợ xấu nhóm 4 tăng tăng 59% so với quý trước, tăng 55% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, các khoản vay nhóm 2 tăng tăng 45% so với quý trước, tăng 87% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống 171% (giảm 46 điểm phần trăm so với quý trước, giảm 88 điểm phần trăm so với cùng kỳ) trong quý I/2023.

Tiền gửi CASA là 243 nghìn tỷ đồng (giảm 13% so với quý trước, giảm 14% so với cùng kỳ). Tỷ lệ CASA giảm xuống 16,2% tại thời điểm cuối quý I/2023.

Trích lập dự phòng thấp hơn là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của BID tăng trong năm 2022 và quý I/2023. Mặc dù Yuanta cho rằng xu hướng này có thể tiếp tục trong các quý sắp tới của năm 2023; tuy nhiên Yuanta cũng cho rằng dư địa để giảm dự phòng hơn nữa sẽ thu hẹp lại do nợ xấu gia tăng.

Chất lượng tài sản có dấu hiệu suy giảm mặc dù việc triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu trên báo cáo và áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng trong đó có BID. Tỷ lệ CASA của BID ở mức tương đối thấp so với các ngân hàng khác (như Vietcombank, MB).

BID đang giao dịch tương ứng với P/B năm 2023 ở mức 1,9 lần so với mức trung vị ngành 1,1 lần mặc dù tỷ lệ ROE dự phóng năm 2023 dự kiến chỉ khoảng 16% so với mức trung vị ngành là 19%. Yuanta khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BID với giá mục tiêu 38.860 đồng/cổ phiếu.

BVH: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 60.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) ghi nhận phí bảo hiểm gốc và lợi nhuận ròng của cổ đông tập đoàn lần lượt là 10,6 nghìn tỷ đồng (tăng 3,1% so với cùng kỳ) và 528 tỷ đồng (tăng 9,8% so với cùng kỳ ). Lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 23% so với cùng kỳ và bị kéo xuống một phần bởi lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 32,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động đầu tư là điểm sáng trong quý khi lợi suất đầu tư được cải thiện đáng kể tăng 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 6,5%, chủ yếu nhờ lãi suất tiền gửi tăng lên tới 6,7% (tăng 175 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và hoàn nhập dự phòng 92 tỷ đồng.

Phí bảo hiểm gốc bảo hiểm nhân thọ tăng 3,2% so với cùng kỳ lên 8 nghìn tỷ đồng trong quý I/2023, cao hơn so với mức giảm 1,4% so với cùng kỳ của toàn ngành. Sự vượt trội của BVH khả năng cao là nhờ việc gần như 100% doanh thu của BVH đến từ kênh đại lý và chỉ rất ít từ kênh bancassurance, vốn đang bị thanh tra gắt gao trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp có thể cũng đã làm doanh số bancassurance yếu hơn. Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của BVH là -22,2% (giảm 410 điểm cơ bản so với cùng kỳ), với chi phí bồi thường và đáo hạn tăng đột biến (tăng 35,7% so với cùng kỳ) trong khi tỷ lệ dự phòng giảm mạnh (giảm 480 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và tỷ lệ chi phí hoa hồng và bán hàng tụt về mức 13% (giảm 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Lợi nhuận ròng đạt 298 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và chiếm 55% lợi nhuận của BVH.

Phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2,5% so với cùng kỳ đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, ngang với mức tăng trưởng của ngành là 2,6%. Theo ước tính của VNDirect, tỷ lệ kết hợp của BVH đã tăng 3,3 điểm % so với cùng kỳ lên 102,7% từ mức nền thấp trong quý I/2022 do tác động của Covid-19. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết khác (ngoại trừ Bảo hiểm Bưu điện) có tỷ lệ kết hợp tăng 2,9 điểm % so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ròng mảng phi nhân thọ đạt 69 tỷ đồng, giảm 16,1% so với cùng kỳ và chiếm 13% tổng lợi nhuận của BVH. Ban lãnh đạo cho rằng với kết quả quý I/2023, mảng bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang bám sát tiến độ kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023 là 320 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ).

VNDirect cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2023-2024 của BVH chưa được thị trường phản ánh. Hai động lực tăng trưởng hết sức rõ ràng sẽ giúp BVH cải thiện đáng kể ROE trong 2 năm tới bao gồm lợi suất đầu tư được cải thiện nhờ nền lãi suất tăng cao và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng sẽ giúp giảm bớt áp lực dự phòng ở mảng nhân thọ.

VNDirect tăng dự phóng lợi nhuận 2023 thêm 5,7% lên 2.362 tỷ đồng nhưng giảm 5,3% dự phóng 2024 xuống 2.652 tỷ đồng để phản ánh việc lãi suất tiền gửi có thể điều chỉnh trong 2024 từ nền cao trong 2023, tuy nhiên quan trọng là vẫn sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn 2020-2022.

VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu điều chỉnh là 60.000đồng/cổ phiếu, dựa trên P/B năm 2023 là 2 lần, thấp hơn mức trước đó là 2,2 lần, chủ yếu để phản ánh kỳ vọng tăng trưởng phí bảo hiểm và lợi suất đầu tư thấp hơn trong 2024.

Hải Đường

Theo VietnamFinance