Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/10): VSC, VCB và DCM
Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, KBSV đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VSC, giá mục tiêu 48.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời 35,1% so với giá đóng cửa ngày 15/9/2022.
VSC: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 48.500 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, HoSE: VSC) ghi nhận doanh thu 512 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp tăng lên gần 35% so với mức 32% cùng kỳ ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 269 tỷ đồng, tăng trưởng 29%.
Các kết quả này của VSC lần lượt hoàn thành 51% kế hoạch về doanh thu và 54% kế hoạch về lợi nhuận đề ra cho năm 2022.
Theo KBSV, tình trạng cạnh tranh tại khu vực cảng Hải Phòng ngày càng gay gắt khi mà nguồn cung đang ngày càng nhiều.
Đầu năm 2023, Nam Đình Vũ 2 của Gemadept sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. 4 bến cảng từ số 3 và số 6 của khu cảng Lạch Huyện cũng đang đi vào giai đoạn khởi động. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này vẫn kì vọng sản lượng VIP Green sẽ quay lại đà tăng trưởng vào nửa cuối năm 2022.
KBSV cho biết Hải Phòng đã giao giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với quy mô bao gồm 4.600 tỷ đồng và 231,5 triệu USD, góp phần đẩy mạnh sự phát triển cho hoạt động cảng biển tại khu vực Hải Phòng.
Dự án khu phi thuế quan – logistics Xuân Cầu có tổng diện tích hơn 700ha, trải dài 6km tiếp giáp với hệ thống các cảng thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào 2025.
Các dự án đầu tư xây dựng thêm bến bãi, các đường giao thông kết nối phía sau các cảng, hoàn thiện kết nối tới các tỉnh lân cận cũng đang được Hải Phòng đẩy mạnh tiến độ triển khai.
Các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp Tiên Thanh, Nam Đình Vũ cũng được phê duyệt, gia tăng cầu vận chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển cho hoạt động cảng biển và vận tải biển ở Hải Phòng.
Hiện tại các cảng tại Hải Phòng đã hoạt động trên 90% tổng công suất. Sản lượng hàng thông qua các cảng khu vực Hải Phòng quý III/2022 có dấu hiệu tăng tốc trở lại. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng 8 tháng đầu năm nay tăng hơn 9% so với cùng kỳ, doanh thu cảng biển khối cảng Hải Phòng 8 tháng đầu năm cũng tăng 12% YoY cho thấy cầu tại khu vực cảng Hải Phòng đang quay lại đà tăng trưởng tích cực.
Cảng VIP Green với vị trí trung nguồn sông Cấm, ngoài cầu Bạch Đằng, có khả năng tiếp nhận 2 tàu trọng tải lớn 42.000 DWT, sẽ có lợi thế đón tàu chuyển từ các cảng thượng nguồn sang do các cảng thượng nguồn vướng cầu Bạch Đằng chỉ đón được các tàu có trọng tải dưới 10.000 DWT, trong khi xu hướng hiện nay các hãng tàu ưa chuộng tàu có kích cỡ lớn hơn. Ngoài ra, cảng hạ nguồn lớn như Lạch Huyện gặp tình trạng phù sa bồi lấp gây cản trở trong việc đón tàu cũng là lợi thế cho cảng VIP Green.
Các dịch vụ vận chuyển container về bãi của VSC chủ yếu được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Vận tải biển Ngôi Sao Xanh, công ty con của VSC, rất ít thuê ngoài, giảm thiểu rất nhiều chi phí cho VSC.
Cùng với hệ thống kho bãi, logistics được tích hợp, VSC càng gia tăng được lợi thế cạnh tranh với các cảng khác cùng khu vực, theo KBSV.
Bên cạnh đó, VIP Green còn có nguồn cung hàng ổn định từ hãng tàu Ever Green, cổ đông chiến lược hiện đang nắm giữ hơn 20% cổ phần của VIP Green. Gần 50% doanh thu của VIP Green đến từ Evergreen.
Tháng 9/2021, VSC hoàn tất mua lại 36% cổ phần của VIMC Đình Vũ (chủ sở hữu Vinalines – sở hữu 51% cổ phần), dự kiến đưa vào khai thác từ cuối quý III/2022. Với khả năng đón tàu trọng tải lên đến 40.000 DWT, được kết nối hoàn chỉnh và đồng bộ với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai – Trung Quốc, cảng VIMC Đình Vũ kì vọng sẽ bắt đầu đem lại lợi nhuận cho VSC từ năm 2023.
ICD Quảng Bình – Đình Vũ được VSC mua lại từ tháng 4/2022. Là một trong những cảng cạn lớn nhất miền Bắc, KBSV cho rằng ICD Quảng Bình cùng với hệ thống các bãi container hiện có của VSC kì vọng sẽ gia tăng hiệu suất cho các cảng tại VSC.
Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, KBSV đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VSC, giá mục tiêu 48.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời 35,1% so với giá đóng cửa ngày 15/9/2022.
VCB: Agriseco khuyến nghị mua với giá mục tiêu 86.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) là ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất hệ thống hiện nay. Với thế mạnh của mình, ngân hàng duy trì được vị thế dẫn đầu trong các hoạt động ngoại thương, kinh doanh ngoại hối. Bên cạnh đó, VCB cũng đã tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng (ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – dịch vụ tài chính) đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Lợi nhuận sau thuế trong quý II/2022 của VCB tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ, đạt 5.942 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng tốt 14,4% so với đầu năm và chi phí dự phòng giảm 15%yoy.
Lũy kế 6T đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 13.909 tỷ đồng (tăng 27,9% so với cùng kỳ) và hoàn thành 51% kế hoạch đặt ra.
Agriseco cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã nới room tăng trưởng tín dụng cho VCB thêm 2,7% đã đưa tổng hạn mức của ngân hàng lên top đầu ngành 17,7%. Agriseco kỳ vọng, ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm nay và thậm chí có thể vượt mục tiêu đề ra.
Agriseco cho rằng VCB có thể mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng trong các năm sau khi đã nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng.
Là ngân hàng duy nhất trong nhóm NHTM cổ phần quốc doanh có mức CASA cao top đầu ngành (35,4% trong quý II). Điều này sẽ giúp ngân hàng tối thiểu hóa được chi phí vốn, mở rộng biên lãi thuần NIM, gia tăng thu nhập lãi thuần.
Theo Agriseco, chất lượng tài sản của VCB vẫn duy trì vị thế đầu ngành: Nợ tái cơ cấu của ngân hàng đã giảm mạnh gần 50% so với quý trước và chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VCB hết quý II/2022 đã giảm còn 0,61% từ mức 0,81% của quý I và thuộc top thấp nhất ngành. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao kỷ lục toàn ngành 504% từ mức 373% của quý I sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản và cơ hội hoàn nhập trong tương lai cho ngân hàng khi các khoản nợ xấu được xử lý.
Agriseco khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 86.000 đồng/cổ phiếu.
DCM: KIS dự báo biên lợi nhuận gộp cải thiện trong quý III
Công ty Chứng khoán KIS ước tính trong tháng 9, tổng sản lượng phân bón xuất khẩu đạt 190.000 tấn (tăng 61% so với tháng trước và tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 108 triệu USD (tăng 52% so với tháng trước và tăng 184% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trung bình, đơn giá xuất khẩu đạt 568 USD/tấn (giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 13,6 triệu đồng/tấn. Đơn giá ure xuất khẩu trên thế giới vào khoảng 360-600 USD/tấn trong tháng 9. Trong 9 tháng 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam nhập khẩu 250.000 tấn phân bón trong tháng 9 (tăng 2% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 101 triệu USD (giảm 11% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trung bình, đơn giá nhập khẩu đạt 404 USD/tấn (giảm 12% so với tháng trước và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 9,7 triệu đồng/tấn.
Tại thị trường trong nước, vào đầu tháng 10, ure đang giao dịch tại mức 14.700 - 15.900 đồng/kg, tăng nhẹ so với mức tháng 9 (tầm 14.500 – 15.000 đồng/kg).
Quan sát trên thị trường thế giới, giá phân bón có xu hướng tăng. Trong tháng 9, ure/NPK Biển Đen tăng 9%/17% so với tháng trước đạt 580/620 USD/tấn, trong khi Kali Israel giữ nguyên mức giá tại 535 USD/tấn từ tháng 3/2022. Đơn giá xuất khẩu ure trong tháng 10 vào khoảng 359-590 USD/tấn (tương đương khoảng 8,7 – 14,2 triệu đồng/tấn).
KIS ước tính giá Gas đầu vào trong tháng 9 đạt 235 USD/tấn, giảm khoảng 13% so với tháng 8. Trong quý III/2022, giá gas đầu vào khoảng 260 USD/tấn (giảm 27% so với quý trước nhưng tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái). Do đó, KIS cho rằng những ông lớn sản xuất ure như DCM có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 3% đến 5,5% trong quý III.
Thông thường, quý IV sẽ là mùa cao điểm tiêu thụ phân bón, do cả nước bước vào niên vụ Đông-Xuân. KIS kỳ vọng giá ure sẽ tăng mạnh từ tháng 11, khoảng 16.500 đồng/kg, tăng 10% so với mức giá tại tháng 9. KIS ước tính giá gas đầu vào có thể đạt 227 USD/tấn (giảm 13% so với quý trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái) trong quý IV/2022.