Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/3): KBC, VIB và VNM
ACBS dự phóng doanh thu năm 2023 của KBC tăng mạnh lên 5.575 tỷ đồng (tăng 482%) nhờ bàn giao 146ha tại các khu công nghiệp Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung và dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh, tỉnh Bắc Giang trong khi năm 2022 chỉ bàn giao hơn 19ha.
KBC: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.310 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần năm 2022 của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) giảm 77% xuống 957 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra do 3 lý do. Một là dời việc bàn giao và ghi nhận 107ha với tổng giá trị hợp đồng 3.540 tỷ đồng tại các khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (77ha) và Nam Sơn Hạp Lĩnh (30ha) saang năm 2023 do khách thuê chưa được cấp phép đầu tư vào năm 2022.
Hai là không ghi nhận giao dịch bán sỉ tại khu đô thị (KĐT) Tràng Cát và ba là do giảm trừ doanh thu 447 tỷ đồng do một nhà đầu tư thứ cấp trả lại 2,2ha tại KĐT Tràng Duệ do việc phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh Hải Phòng kéo dài.
Trong năm 2022, KBC đã bàn giao hơn 19ha đất công nghiệp (giảm 83%), bao gồm hơn 17ha tại KCN Tân Phú Trung và gần 2ha tại KCN Quang Châu. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính giá cho thuê trung bình tại KCN Tân Phú Trung năm 2022 tăng 6,5% lên 144 USD/m2/thời hạn thuê còn lại trong khi tại KCN Quang Châu tăng 24% lên 134 USD/m2/thời hạn thuê còn lại.
Mặt khác, lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng gấp đôi so với năm trước, đạt gần 1.600 tỷ đồng nhờ ghi nhận gần 2.200 tỷ đồng từ định giá lại Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng khi KBC tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 19,5% lên 48%.
Trong năm nay, KBC có tổng cộng 2.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó 400 tỷ đồng đến hạn vào tháng 2 và 2.500 tỷ đồng vào tháng 6. Với số dư tiền và tương đương tiền gần 2.300 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và khoảng 3.000 tỷ đồng thu được trong nửa đầu năm 2023 từ giá trị hợp đồng 3.540 tỷ đồng ký vào năm 2022 và hợp đồng 90 triệu USD mới ký với Goertek cho 62,7ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, ACBS cho rằng rằng KBC có thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trái phiếu trong tháng 6.
Vào cuối năm 2022, KBC có số dư nợ ròng là 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Mặc dù tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu tăng từ 15,3% lên 19,7% nhưng ACBS cho rằng sức khỏe tài chính của công ty không phải là vấn đề đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại do việc ký kết các hợp đồng cho thuê mới vẫn tích cực.
ACBS dự phóng doanh thu năm 2023 của KBC tăng mạnh lên 5.575 tỷ đồng (tăng 482%) nhờ bàn giao 146ha tại các KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung và dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh, tỉnh Bắc Giang trong khi năm 2022 chỉ bàn giao hơn 19ha.
KCN Quang Châu sẽ là dự án trọng điểm trong năm 2023 với diện tích đất công nghiệp bàn giao dự kiến hơn 77ha và doanh thu ước đạt 2.460 tỷ đồng. Do quy hoạch chung của tỉnh Hải Phòng chưa được duyệt và sự chậm trễ trong thủ tục nghiệm thu hạ tầng tại tỉnh Bắc Ninh nên ACBS cho rằng đóng góp của các KĐT Tràng Duệ, Tràng Cát và Phúc Ninh trong năm 2023 sẽ không đáng kể.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 ước giảm nhẹ xuống 1.445 tỷ đồng (giảm 9%) do dự phóng không phát sinh lợi nhuận đột biến trong khi năm 2022 ghi nhận gần 2.200 tỷ đồng lợi nhuận từ đánh giá lại khoản đầu tư.
Sử dụng phương pháp NAV, ACBS đưa ra giá mục tiêu là 27.310 đồng/cổ phiếu cho KBC vào cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với giá mục tiêu trước đó do ACBS tăng suất chiết khấu, giảm diện tích đất công nghiệp bàn giao và hoãn thời gian triển khai KĐT Tràng Cát và các KCN mới tại Long An, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên thêm vài năm để phản ánh sự suy giảm nhu cầu thế giới và vốn FDI đăng ký.
Tuy nhiên, ACBS vẫn lặp lại khuyến nghị mua dựa trên kỳ vọng xu hướng đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc vẫn tiếp diễn và khả năng thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn của KBC so với các công ty trong ngành.
VIB: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 22.000 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, đủ để VIB vượt mức kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên là 101% tương đương với 10,6 nghìn tỷ đồng (tăng 32,1% so với cùng kỳ).
Mức tăng trưởng này chủ yếu là do thu nhập lãi tăng trưởng chậm lại (tăng 15% so với cùng kỳ), trong khi thu nhập phí (NFI) giảm 12% so với quý IV năm trước và chi phí hoạt động tăng đáng kể là 36,6% so với cùng kỳ. NIM tiếp tục tăng lên 4,93% trong quý IV/2022.
Mặc dù các khoản cho vay tái cơ cấu giảm 73% so với quý trước, chất lượng tín dụng nhìn chung suy yếu với sự gia tăng đáng kể ở cả nợ nhóm 2 (tăng 92% so với đầu năm) và nợ xấu (tăng 21,8% so với đầu năm). Tuy vậy, bộ đệm tín dụng của VIB vẫn ở mức 53,9%, thấp nhất trong số các ngân hàng mà Công ty Chứng khoán SSI nghiên cứu.
Trong năm 2023, SSI kỳ vọng VIB sẽ đạt 12 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù cho vay mua nhà có thể không mạnh trong năm 2023 do lãi suất cao cùng với việc người mua có quan điểm thận trọng về thị trường bất động sản, SSI cho rằng VIB có thể thực hiện một số chiến dịch giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho người mua nhà. Mặt khác, tiền gửi của khách hàng và chứng chỉ tiền gửi dự kiến sẽ tăng lần lượt là 13,5% và 28% so với đầu năm, nâng tỷ lệ LDR lên 100%
SSI nhận thấy rằng VIB tái áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà từ 12,5% đến 14% cho kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng sau khi tạm dừng chương trình này trong quý IV/2022. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ quay về mức ổn định và SSI cho rằng VIB sẽ không tăng thêm lãi suất cho vay mua nhà trong năm 2023. Ngoài ra, SSI tin rằng chất lượng tài sản yếu đi sẽ làm giảm thu nhập lãi và khiến cho NIM suy giảm.
SSI dự đoán nhu cầu tiêu dùng sẽ thấp hơn so với những năm trước do lạm phát tăng lên và điều này sẽ gây áp lực lên việc chi tiêu qua thẻ tín dụng. Ngoài ra, việc các hợp đồng bảo hiểm thường được bán cùng với các khoản cho vay mua nhà, cũng sẽ làm cho thu nhập từ hoạt động bảo hiểm giảm đi trong năm 2023. Vì vậy, thu nhập từ phí giao dịch và hoạt động bảo hiểm sẽ tăng lần lượt 25% và 15% so với cùng kỳ
Ngoài việc chất lượng tài sản yếu trong quý IV/2022, môi trường lãi suất cao hơn đã gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng. Trong năm 2023, SSI kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên mức 2,6% (nợ xấu trước khi xóa nợ là 3,08%), mặc dù mức nợ xấu dự kiến được xóa rất lớn (hơn 1,3 nghìn tỷ đồng) sẽ gây áp lực lên bộ đệm tín dụng của VIB (tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ giảm xuống mức 50%).
Mặc dù VIB không có nhiều khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro tín dụng của VIB vẫn phần nào đến từ các khoản cho vay mua nhà có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đi xuống.
Hơn nữa, SSI lo ngại về các khoản nợ nhóm 2 đã tăng mạnh trong quý IV/2022. Ngoài ra, việc NIM và ROE được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2023 nên SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VIB, với giá mục tiêu 1 năm là 22.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/B là 1,1 lần.
VNM: BSC khuyến nghị theo dõi với giá mục tiêu 84.500 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) lần lượt đạt 15.069 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ) và 1.869 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ) chủ yếu do sức mua suy giảm và áp lực của tỷ giá tác động lên doanh thu và biên lợi nhuận gộp giảm 0,7 điểm phần trăm so với quý III/2022 do đặc điểm mùa vụ và ảnh hưởng của thời điểm chốt giá nguyên vật liệu ở mức cao từ nửa đầu năm 2022.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 59.956 tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ) và 8.578 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ) do 3 nguyên nhân chính.
Một là doanh thu suy giảm 2% so với cùng kỳ, bởi lẽ doanh thu nội địa giảm 0,97% so với cùng kỳ và doanh thu xuất khẩu giảm 21,2% so với cùng kỳ, do nhu cầu yếu, thị phần kênh MT bị suy giảm do tái cấu trúc và tác động của lạm phát và tỷ giá lên doanh thu xuất khẩu đặc biệt trong nửa cuối năm 2022; mặt khác, doanh thu công ty con (tăng 7% so với cùng kỳ) nhờ đa dạng hóa kênh phân phối và phát triển các sản phẩm mới, nhưng chưa có tác động đáng kể đối với tổng doanh thu.
Nguyên nhân thứ hai là biên lợi nhuận gộp năm 2022 đạt 39,9% giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ, chủ yếu do áp lực từ thời điểm chốt giá nguyên vật liệu cao hơn so với cùng kì từ tăng 20% đến tăng 30% so với cùng kỳ.
Ba là chi phí tài chính 2022 đạt 618 tỷ đồng, tăng 205% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng 87% so với cùng kỳ, đặc biệt là vay USD và lỗ tỷ giá tăng 6,8 lần chủ yếu do nhập khẩu nguyên vật liệu.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) kì vọng kết quả kinh doanh của VNM sẽ phân hoá thành hai giai đoạn do tác động của thời điểm chốt giá nguyên vật liệu. Nửa đầu năm 2023, BSC cho rằng VNM sẽ tiếp tục gặp khó khăn với sức mua duy trì ở mức thấp và biên lợi nhuận chưa có sự cải thiện đáng kể so với cùng kì do nửa đầu năm 2022 vẫn được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp.
Nửa cuối năm 2023, doanh số nội địa kì vọng tăng trưởng đặc biệt tại phân khúc phổ thông nhờ hiệu quả của việc tái cấu trúc và số hóa kênh phân phối và thu nhập tiếp tục có xu hướng phục hồi nhu cầu phục hồi so với cuối quý IV/2022; biên lợi nhuận gộp cũng sẽ có sự phục hồi trong quý III/2023 nhờ thời điểm chốt giá nguyên vật liệu tốt của đầu năm 2023.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 của VNM đạt lần lượt là 60.732 tỷ đồng (tăng 1,3%), và 9.417 tỷ đồng (tăng 11%), EPS năm 2023 dự phóng đạt 4.016 đồng/cổ phiếu, PE dự phóng đạt 18,7 lần.
BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VNM với giá trị hợp lý năm 2023 là 84.500 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp DCF với WACC là 10% và P/E mục tiêu là 20 lần.