Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/4): VSC, IDC và STB

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng với việc lãi suất tiếp tục được neo cao trong năm 2023, khoảng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động của STB vẫn sẽ được duy trì trong năm 2023, giúp NIM tiếp tục gia tăng. Điều này đến từ việc danh mục cho vay của STB tiếp tục chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ cùng với khả năng tăng trưởng tín dụng được duy trì.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/4): VSC, IDC và STB
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/4): VSC, IDC và STB

VSC: VDSC khuyến nghị tích luỹ với giá mục tiêu 29.200 đồng/cổ phiếu

Tổng sản lượng container năm 2022 giảm 6% xuống 237.000 TEUs. Trong đó, cảng Green và VIP Green lần lượt ghi nhận 70.000 TEUs (giảm 3%) và 167.000 TEUs (giảm 7%). Sản lượng tăng trưởng âm do dòng chảy thương mại suy yếu của toàn thế giới.

Dù sản lượng container sụt giảm, Công ty Cổ phần Container Việt Nam (HoSE: VSC) ghi nhận doanh thu đạt 520 tỷ đồng (tăng 3%) nhờ vào những dịch vụ khác (đại lý logistics, dịch vụ sửa chữa, vệ sinh container) ước tính tăng trưởng 20%.

Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận sau thuế lần lượt bị thu hẹp 4 và 6 điểm phần trăm so với quý trước về 29% và 10% do hợp nhất công ty con ICD QBS hoạt động chưa hiệu quả và lỗ 11 tỷ đồng từ công ty liên kết VIMC ĐÌnh Vũ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng tổng sản lượng thông quan hai cảng Green và VIP Green đi ngang so với năm 2022, đạt 947.000 TEUs (đi ngang). Tổng sản lượng xếp dỡ container của VSC sẽ đạt 1.070.000 TEU (tăng 10%) với kế hoạch công ty chuyển toàn bộ lượng hàng từ PTSC Đình Vũ về cảng mục tiêu để khai thác.

Mặc dù sản lượng xếp dỡ container tăng trưởng nhưng VDSC dự phóng doanh thu thuần giảm 1,6% về còn 1.974 tỷ đồng. VDSC cho rằng hai lĩnh vực vận tải ô tô và đại lý logistics là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 đã qua giai đoạn cao điểm khi giá cước nhiên liệu đầu vào hạ nhiệt và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa container chưa tích cực.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 135 tỷ đồng (giảm 80%) đến từ công ty con được hợp nhất hoạt động chưa hiệu quả (ICD QBS), chi phí tài chính tăng mạnh và dự kiến công ty liên kết VIMC Đình Vũ tiếp tục lỗ. EPS dự báo cho năm 2023 đạt 1.129 đồng (giảm 56%).

Trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới đang tương đối ảm đạm, cùng với những dự án đầu tư mới chưa mang lại hiệu quả khiến VSC phải đối mặt với những thử thách rất lớn để có thể tăng trưởng.

Năm 2023, VSC tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô cảng biển để đón chờ giai đoạn hồi phục của xuất nhập khẩu. Dù vậy, sự cạnh tranh tại Hải Phòng có thể trở nên căng thẳng hơn do có thêm hai cảng nước sâu tại Lạch Huyện vào năm 2025 có thể khiến tốc độ lấp đầy công suất chậm hơn kỳ vọng.

Kết hợp FCFF (50%) và P/B (50%), giá mục tiêu của VDSC cho VSC là 29.200 đồng/cổ phiếu. Cùng với cổ tức tiền mặt dự kiến là 1.000 đồng, tỷ suất sinh lời kỳ vọng trong 12 tháng là 7% dựa trên giá đóng cửa ngày 12/4/2023. VDSC đưa ra khuyến nghị tích lũy cổ phiếu VSC.

IDC: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 47.044 đồng/cổ phiếu

Khởi đầu là công ty nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) phát triển thành công ty bất động sản công nghiệp đứng thứ 4 về vốn hóa với 10 khu công nghiệp đang hoạt động trên tổng diện tích 3.267ha ở phía bắc và phía nam, chiếm 2,6% thị phần cả nước.

5 khu công nghiệp đã được lấp đầy và 5 khu công nghiệp có thể tiếp tục cho thuê mới với diện tích thương phẩm còn lại hơn 751ha tính đến cuối 2022.

Ngoài 2 nhà máy thủy điện Dak Mi 3 và Shrok Phu Miêng với tổng công suất 114MW, IDC hiện có 100km đường dây phân phối điện, 2 trạm biến áp 110/22kV Tuy Hạ và Nhơn Trạch 5 với tổng công suất 418 MVA, mang lại doanh thu bình quân khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

IDICO có thể là 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết duy nhất phía Nam ngoài VRG Sài Gòn (UpCOM: SIP) được Bộ Công thương cấp phép xây dựng trạm biến áp 110kV để phân phối điện trực tiếp đến khách thuê trong khu công nghiệp. Do đó, biên lợi nhuận của IDC cao hơn so với các chủ đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là trung gian mua bán điện giữa EVN và khách thuê.

Hơn nữa, IDC có nguồn thu nhập ổn định từ dự án BOT An Sương – An Lạc với doanh thu hằng năm 300-400 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp quanh mức 50%.

Trong giai đoạn 2018-2022, doanh thu thuần có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khiêm tốn là 9% do 60-70% tổng doanh thu giai đoạn 2018-2021 đến từ các mảng kinh doanh ổn định là điện và BOT.

Tuy nhiên, lợi nhuận ròng đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ấn tượng 39% chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cao 41% vào năm 2022 (do mảng bất động sản công nghiệp đóng góp nhiều hơn khi diện tích đất công nghiệp được bàn giao nhiều hơn và ghi nhận doanh thu chưa thực hiện khi thay đổi phương pháp hạch toán doanh thu từ hàng năm sang một lần) so với mức 17-28% trong giai đoạn 2018-2021.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính kết quả kinh doanh 2023 có thể đi ngang với doanh thu thuần gần 8.200 tỷ đồng (tăng 9% n/n) và lợi nhuận trước thuế 2.677 tỷ đồng (tăng 2%) do dự phóng không ghi nhận doanh thu chưa thực hiện khi thay đổi phương pháp hạch toán doanh thu từ hàng năm sang một lần.

Sử dụng phương pháp NAV, ACBS đưa ra giá mục tiêu là 47.044 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị mua dựa trên triển vọng dài hạn tích cực của mảng bất động sản công nghiệp, thu nhập ổn định từ mảng điện và BOT, tình hình tài chính tốt và mức cổ tức tiền mặt cao 40%/năm dự kiến sẽ duy trì đến 2026.

STB: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 33.200 đồng/cổ phiếu

Luỹ kế cả năm 2022, TOI (tổng thu nhập hoạt động) hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB) đạt 26.141 tỷ đồng (tăng 47,7%). Thu nhập lãi thuần và thu nhập thuần ngoài lãi đều tăng trưởng mạnh mẽ, đạt lần lượt 17,147 tỷ đồng (tăng 43,3%) và 8.994 tỷ đồng (tăng 56,7%).

Mặc dù tăng trưởng tín dụng của STB trong năm 2022 giảm nhẹ so với 2021 nhưng NIM được gia tăng đáng kể từ 2,6% lên 3,4% giúp thu nhập lãi thuần của STB tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ. Các hoạt động thu ngoài lãi đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

NFI đạt 5.194 tỷ đồng (tăng 19,6%); thu từ hoạt đông kinh doanh vàng và ngoại hối đạt 1.062 tỷ đồng (tăng 44,1%) nhờ những biến động tỷ giá trong năm 2022; đặc biệt, thu nhập từ thanh lý tài sản gia tăng mạnh trong cả năm 2022 giúp thu nhập khác trong kỳ tăng hơn 6 lần so với năm 2021 đạt 2.745 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng với việc lãi suất tiếp tục được neo cao trong năm 2023, khoảng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động của STB vẫn sẽ được duy trì trong năm 2023, giúp NIM tiếp tục gia tăng. Điều này đến từ việc danh mục cho vay của STB tiếp tục chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ cùng với khả năng tăng trưởng tín dụng được duy trì.

MBS cũng kỳ vọng STB có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng 13-14% trong năm 2022, với giả định rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong trường hợp NHNN tiếp tục có những nới lỏng trong nửa cuối năm 2023 như đã từng thực hiện trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của STB có thể sẽ cao hơn vì, theo quan điểm của MBS, STB sẽ là một trong những ngân hàng được ưu tiên cấp room tín dụng.

MBS kỳ vọng trong năm 2023, STB sẽ hoàn thành việc xử lý khoản trái phiếu này và có thể trích tối đa thêm khoảng 4.8 nghìn tỷ đồng cho dự phòng trái phiếu VAMC. Kể từ sau năm 2023, STB có thể tiết kiệm hàng năm trung bình khoảng 1 nghìn tỷ đồng cho chi phí trích lập.

Nợ xấu tại thời điểm ngày 31/12/2022 đạt 0,98%, tăng nhẹ so với mức 0,9% tại cuối quý III/2022. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp tỷ lệ NPL dưới mức 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhóm 2 lại tăng mạnh lên mức 1,25% (0,38% tại cuối quý III/2022 và quý IV/2021). Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của STB tiếp tục được gia tăng khi đạt mức 131% tại cuối năm 2022. Mặc dù đây là mức thấp nhất trong 4 quý của năm 2022 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2021.

Tỷ lệ CIR hợp nhất của STB trong năm 2022 đạt 41,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2012 và vẫn đang trong xu hướng tiếp tục được cải thiện. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống banking core giúp STB tiết kiệm được một khoản chi phí lớn từ lực lượng lao động nhưng vẫn đảm bảo được các khoản thu phí của ngân hàng.

MBS dự phóng TOI của của STB trong năm 2023 sẽ đạt 32.180 tỷ đồng (tăng 23,1%), lợi nhuận trước thuế đạt 9.569 tỷ đồng (tăng 50,9%) với các giả định tăng trưởng tín dụng đạt 13,3% cả năm 2023; tỷ lệ CIR đạt 42%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 9.095 tỷ đồng (tăng 2,4%) với giả định STB sẽ tăng tỷ lệ trích lập dự phòng/dư nợ cho vay lên mức 0,4%.

NIM của STB trong năm 2023 sẽ đạt 3,8% (tăng 50 điểm cơ bản) với kỳ vọng NIM sẽ gia tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023 khi lãi suất huy động hạ nhiệt và STB vẫn duy trì mức lãi suất cho vay cao như nửa cuối năm 2022.

ROE và ROA được dự báo lần lượt đạt mức 22,4% và 1,6% trong năm 2023, với giả định công ty không tiến hành chia cổ tức tiền mặt NPL và nợ nhóm 2 được dự phóng lần lượt đạt 1,15% và 1,3% cùng với mức LLR đạt 125%

MBS định giá cổ phiếu STB với mức giá mục tiêu 33.200 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.

Hải Đường

Theo VietnamFinance