Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/4): HPG, LHG và DRC
BVSC ưa thích cổ phiếu HPG trong triển vọng hồi phục ngành thép năm 2023. HPG là doanh nghiệp thép có quy mô lớn nhất tại Việt Nam và có sức khỏe tài chính tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh. HPG có tiềm năng dài hạn lớn khi hoàn thành dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng công suất thép thô lên gấp 1,6 lần tương đương 14 triệu tấn/năm.
HPG: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 26.275 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tiêu thụ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) vẫn khó khăn nhưng đang có dấu hiệu hồi phục. Sản lượng tiêu thụ thép thô bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong tháng 2. Cụ thể, tổng sản lượng thép thô tiêu thụ trong tháng 2/2023 đạt 475.000 tấn (giảm 33% so với cùng kỳ; tăng 18% so với tháng trước.
BVSC dự báo tiêu thụ thép xây dựng nội địa năm 2023 của HPG giảm 8% so với năm 2022. Thị trường bất động sản trong nước khó khăn nhưng nhờ nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia đình và nhu cầu thép đầu tư công tăng trưởng trong năm 2023 giúp mức giảm không quá lớn. Xuất khẩu thép xây dựng năm dự báo giảm 23% xuống mức 774.470 tấn.
Thị trường xuất khẩu chính của HPG là ASEAN và Trung Quốc. Việc các quốc gia ASEAN giảm nhập khẩu từ Việt Nam không phải vì sản lượng tiêu thụ thép tại các quốc gia này suy yếu và sản lượng nhập khẩu thấp mà chủ yếu do thép từ Trung Quốc xuất khẩu mạnh vào thị trường ASEAN.
Tuy giảm so với cùng kỳ nhưng BVSC kỳ vọng Trung Quốc giảm bớt tình trạng dư cung trong nửa đầu năm 2023 và giảm lượng thép giá rẻ đẩy ra thị trường xuất khẩu.
BVSC dự báo biên lợi nhuận của HPG được cải thiện trong năm 2023 nhờ giá nguyên vật liệu chính là than cốc và quặng sắt giảm dù giá bán thép khó tăng mạnh khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chưa mạnh. BVSC dự báo biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ hồi phục lên 12,9% so với mức 11,9% của năm 2022. Lỗ tỷ giá của HPG dự báo giảm xuống 578 tỷ đồng so với mức 1.864 tỷ đồng trong năm 2022.
BVSC ưa thích cổ phiếu HPG trong triển vọng hồi phục ngành thép năm 2023. HPG là doanh nghiệp thép có quy mô lớn nhất tại Việt Nam và có sức khỏe tài chính tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh. HPG có tiềm năng dài hạn lớn khi hoàn thành dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng công suất thép thô lên gấp 1,6 lần tương đương 14 triệu tấn/năm. BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu là 26.275 đồng/cổ phiếu.
LHG: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 36.000 đồng/cổ phiếu
Tính đến cuối năm 2022, dự án Long Hậu 3 giai đoạn 1 của Công ty Cổ phần Long Hậu (HoSE: LHG) lần lượt hoàn thành 91% công tác đền bù và 83% phí sử dụng đất. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), LHG đã bán khoảng 38ha vào cuối năm 2022, còn lại 37ha sẵn sàng bán và trị giá 2,2 nghìn tỷ đồng doanh thu với giá bán trung bình giả định là 246 USD/m2 (giá chào bán hiện tại là 260 USD/m2).
Trong khi đó, công ty có lượng tiền mặt ròng dồi dào là 1,1 nghìn tỷ đồng — khoảng 99% giá trị vốn hóa thị trường. VCSC cũng chưa bao gồm các KCN Long Hậu 3,2 và An Định trong tương lai của LHG trong định giá, nhưng công ty kỳ vọng các dự án này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Theo giả định doanh thu thấp hơn do hoạt động sản xuất dự kiến gặp khó khăn, VCSC đã giảm dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 thêm 29%.
VCSC cũng giảm dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-2026 thêm 23% do VCSC cho rằng doanh thu của LHG sẽ chững lại bởi sự chuyển hướng đối tượng thuê sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ cơ cấu khách thuê logistic chủ yếu là quốc tế hiện nay, bởi vì diện tích đất đủ lớn phục vụ cho các tập đoàn thuê ngày càng giảm và doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng mang lại nhiều việc làm và thu nhập thuế cho tỉnh Long An so với các công ty logistic đa quốc gia.
Đối với năm 2023, VCSC dự báo doanh thu đạt 570 tỷ đồng (giảm 9%) và lợi nhuận ròng đạt 230 tỷ đồng (tăng 13%), được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận gộp phục hồi sau một năm lợi nhuận thấp bất thường do ghi nhận khoản chi phí gia tăng một lần cho các khu đất đã bán từ trước.
VCSC kỳ vọng giá bán trung bình và doanh thu lần lượt đạt 246 USD/m2 (tăng 11%) và 5ha (giảm 29%). Dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của VCSC cao hơn 81% so với kế hoạch của LHG là 127 tỷ đồng (tăng 12% so với kế hoạch năm 2022). Kế hoạch của LHG có xu hướng thận trọng khi công ty ghi nhận kết quả kinh doanh cao hơn trung bình 55% so với kế hoạch trong giai đoạn 2018-2022.
VCSC cho rằng LHG là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu cao về đất khu công nghiệp tại tỉnh Long An và TP. HCM. Ngoài quỹ đất sạch giá trị ở những vị trí đắc địa, VCSC tin rằng LHG có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhu cầu về đất khu công nghiệp khi khu công nghiệp Hiệp Phước lân cận gặp trở ngại pháp lý.
LHG đã thay đổi công ty kiểm toán vào giữa năm 2022 và do đó bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (cụ thể, chỉ được phép giao dịch vào buổi sáng) do trễ hạn nộp báo cáo tài chính bán niên sau kiểm toán; giao dịch ký quỹ cũng bị cắt giảm.
Ban lãnh đạo kỳ vọng hạn chế này sẽ được dỡ bỏ vào tháng 5-6/2023 — phù hợp với các quy tắc do hội đồng Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quản lý là cho phép dỡ bỏ hạn chế giao dịch 6 sáu tháng kể từ ngày công ty giải quyết xong vấn đề dẫn đến hạn chế. Vấn đề đối với LHG đã được giải quyết vào ngày 28/11/2022, khi LHG thông báo đã thay đổi đơn vị kiểm toán từ PwC sang AFC.
VCSC giữ nguyên khuyến nghị mua đối với LHG và tăng giá mục tiêu thêm 9% lên 36.000 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ việc giảm chiết khấu NAV từ 40% còn 30% do VCSC kỳ vọng tình trạng hạn chế giao dịch của LHG sẽ được dỡ bỏ vào quý II/2023.
Tuy nhiên, điều này bị ảnh hưởng một phần bởi định giá thấp hơn của VCSC đối với mảng khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn (RBF) vì hiện tại VCSC cho rằng tiến độ bán hàng sẽ chậm hơn
DRC: VDSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 22.600 đồng/cổ phiếu
Ngày 21/3/2023, chính phủ Brazil đã tăng thuế nhập khẩu lốp xe tải từ 0% lên 16% sau khi nhận được yêu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe Brazil vào tháng 10/2022. Brazil chiếm 60% tổng doanh thu xuất khẩu toàn cầu của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC), tương đương với 36% tổng doanh thu năm 2022. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy rủi ro giảm đối với tăng trưởng doanh số xuất khẩu năm 2023 của DRC.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của DRC được công bố với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 5.060 tỷ đồng (tăng 3%) và 264 tỷ đồng (giảm 14%). VDSC nhận thấy tín hiệu về quỹ đạo số lượng hàng bán không chắc chắn cũng như bất ngờ tiêu cực từ tăng trưởng lợi nhuận âm hai chữ số.
Về doanh thu, VDSC cho rằng rủi ro sụt giá từ Brazil đã được phản ánh trong kế hoạch doanh thu năm 2023 với mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu dự kiến là tăng 4%, thấp hơn đáng kể so với con số tăng 24% của năm 2022.
Ngoài ra, VDSC cũng nhận thấy rằng ban lãnh đạo của DRC có quan điểm thận trọng về tiêu thụ lốp xe trong nước với tốc độ tăng trưởng doanh thu dự kiến là tăng 1% trong bối cảnh môi trường vĩ mô đầy thách thức. Trên thực tế, luân chuyển hàng hóa bằng đường bộ của Việt Nam đã giảm 1,2% xuống còn 9.646 triệu tấn/km trong tháng 3/2023. Trong khi đó, doanh số bán xe tải tại Việt Nam cũng giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 7.112 chiếc trong hai tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, những trở ngại đang diễn ra này dự kiến chỉ là trong ngắn hạn. Vẫn còn những yếu tố tích cực bất ngờ tiềm ẩn thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng trong dài hạn như lãi suất thấp hơn và việc hoàn thành các dự án đường cao tốc cái sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Do đó, VDSC cho rằng DRC đang trải qua giai đoạn một quỹ đạo doanh số bán hàng không chắc chắn.
Về lợi nhuận, VDSC cho rằng mức tăng trưởng âm hai chữ số theo kế hoạch của DRC là một bất ngờ tiêu cực. Với doanh thu tăng trưởng dương và chi phí đầu vào kỳ vọng giảm, VDSC cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận kế hoạch yếu là do giá bán kỳ vọng giảm. Trong môi trường kinh doanh đầy thách thức, DRC có thể điều chỉnh giảm giá bán để bảo vệ thị phần, thể hiện qua tốc độ tăng của tổng giá trị bán hàng thấp hơn so với tổng sản lượng bán ra.
Bên cạnh đó, DRC dự kiến sẽ chỉ được hưởng lợi từ giá cao su thiên nhiên giảm trong khi các chi phí nguyên vật liệu khác dự kiến vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Do đó, VDSC tính toán rằng việc giảm giá bán sẽ dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến thấp hơn và lợi nhuận ròng dự kiến cũng sẽ tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ không yếu như năm 2023 nhờ chi phí nguyên vật liệu giảm. Nguyên nhân chính là xu hướng giảm giá hiện tại của than đá và cao su thiên nhiên – hai nguyên liệu chính của DRC. VDSC cho rằng khi DRC chốt các hợp đồng nguyên liệu mới dự kiến sử dụng kể từ năm 2024, việc cải thiện chi phí sẽ có tác động ý nghĩa hơn.
VDSC xem mức thuế cao hơn từ Brazil và kế hoạch kinh doanh thận trọng năm 2023 của DRC là rủi ro giảm giá đối với triển vọng năm 2023. Do đó, VDSC điều chỉnh giảm dự báo đối với DRC.
Cụ thể, doanh thu năm 2023 được điều chỉnh giảm 3,4% so với dự báo trước đó, xuống còn 5.053 tỷ đồng (tăng 3,2%). Bên cạnh đó, VDSC cũng hạ dự báo tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2023-2027. Lợi nhuận ròng 2023 được điều chỉnh giảm 19% so với dự báo trước đó, xuống 265 tỷ đồng (giảm 14%).
VDSC kết hợp định giá dòng tiền FCFF (50%) và so sánh bội số PER (50%) để có được giá mục tiêu là 22.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 27% so với giá mục tiêu gần nhất (31.000 đồng) vào tháng 1/2023. Cộng thêm cổ tức tiền mặt 1.300 đồng, lợi nhuận kỳ vọng 12 tháng là 8,6% so với giá đóng cửa ngày 11/4/2023, tương đương với khuyến nghị trung lập. Trong triển vọng ảm đạm năm 2023, VDSC cho rằng tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao 18%/mệnh giá là liều thuốc giảm đau cho cổ phiếu DRC.