Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/2): HPG, HT1 và KBC

SSI ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 của HPG sẽ phục hồi 15% so với năm ngoái, đạt 9,7 nghìn tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/2): HPG, HT1 và KBC
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/2): HPG, HT1 và KBC

HPG: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 20.000 đồng/cổ phiếu

Doanh thu quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) đạt 26 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ và giảm 26% so với quý trước. Lợi nhuận ròng trong quý ghi nhận mức lỗ kỷ lục 2 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý IV/2022 chủ yếu do sản lượng giảm mạnh và tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Sản lượng tiêu thụ tháng 1/2023 vẫn yếu do kỳ nghỉ Tết. Theo đó, sản lượng tiêu thụ tháng 1 là 304 tấn (giảm 20% so với cùng kỳ). Công ty Chứng khoán SSI cho rằng đây không phải là mức giảm đáng kể khi kỳ nghỉ Tết rơi vào tháng 1 năm nay, sớm hơn một tháng so với năm trước. Tuy nhiên, sản lượng HRC và phôi thép giảm đáng kể xuống lần lượt là 86 nghìn tấn (giảm 62% so với cùng kỳ) và 21 nghìn tấn (giảm 50% so với cùng kỳ).

Sản lượng sản xuất trong tháng 1/2023 không đổi so với tháng trước ở mức 392 nghìn tấn, tương đương với công suất hoạt động ước tính là 55%. HPG đã khởi động lại một lò tại Hải Dương vào tháng 12/2022 và công ty đang xem xét khởi động lại ba lò còn lại trong nửa đầu năm 2023.

SSI cho biết, giá thép đang phục hồi cùng với xu hướng giá khu vực nhưng với tốc độ chậm hơn. Theo đó, giá thép xây dựng trung bình đã phục hồi khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương 8% trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, mức tăng giá thành phẩm như vậy là thấp hơn so với mức tăng 20% của giá Trung Quốc, hay mức tăng trung bình 25% của giá quặng sắt và than cốc do nhu cầu trong nước yếu.

Mặt khác, giá thép HRC, thường có mối tương quan cao hơn với giá trong khu vực, đã tăng hơn 20% trong hai tháng qua. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn yếu, với khối lượng giảm trong 3 tháng liên tiếp vừa qua (giảm trung bình khoảng 30% mỗi tháng) do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm hạ nguồn (đặc biệt là tôn mạ).

SSI cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp ổn định giá thép nhưng điều này có thể không có tác động đáng kể đến khối lượng xuất khẩu của HPG. Nhu cầu của Trung Quốc cải thiện, được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại, giúp giá thép khu vực phục hồi tích cực trong ba tháng qua và trở nên ổn định hơn trong năm 2023 sau năm 2022 thực sự khó khăn.

Tuy nhiên, giá thép khó quay trở lại xu hướng tăng do nhu cầu của Trung Quốc được kỳ vọng chỉ đạt mức phục hồi khiêm tốn với việc số lượng bán nhà giảm mạnh trong năm 2022, và việc mở cửa trở lại cũng sẽ làm tăng nguồn cung. Ngoài ra, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu của HPG có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.

SSI ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG sẽ giảm 4,7% so với cùng kỳ trong năm 2023 đạt 4,1 triệu tấn do sự chững lại thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Sản lượng HRC có thể giảm 12% đạt 2,3 triệu tấn so với mức đỉnh trong năm 2022.

Kết hợp với sản lượng phôi thép là 240 nghìn tấn (giảm 17% so với cùng kỳ), sản lượng thép thô trong năm 2023 dự kiến là 6,6 triệu tấn - tương đương với công suất hoạt động là 76% so với 85% trong năm 2022.

SSI giả định rằng giá thép xây dựng trung bình và giá thép HRC sẽ giảm lần lượt giảm 2,8% và giảm 17,7% ở mức 15,6 triệu đồng/tấn và 615 USD/tấn. Giá quặng sắt và than cốc đầu vào được giả định giảm giảm 5% và giảm 28% so với cùng kỳ lần lượt là 110 USD/tấn và 320 USD/tấn.

Theo đó, SSI dự báo doanh thu sẽ giảm 14% đạt 121 nghìn tỷ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ đạt 9,7 nghìn tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.

HPG đang giao dịch ở mức PE và EV/EBITDA năm 2023 là 12,4 và 6,3 lần. Theo quan điểm của SSI, đây là mức khá hợp lý sau khi tính đến sự phục hồi của tỷ suất lợi nhuận trong năm 2023.

SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu với giá mục tiêu 1 năm là 20.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên PE và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 11 lần và 6,5 lần. SSI cho rằng công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, giá cổ phiếu có thể đã phản ánh sự phục hồi lợi nhuận trong năm 2023 và có thể sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn do triển vọng lợi nhuận vẫn còn yếu trong nửa đầu năm 2023.

HT1: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 19.008 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết thị trường xi măng Việt Nam luôn dư cung và thị trường xuất khẩu luôn giải quyết hơn 1/3 đầu ra cho các doanh nghiệp trong nước. Áp lực cạnh tranh trong 2022 tăng lên đáng kể khi thị trường xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường trong nước dẫn tới cạnh tranh lớn về giá bán.

Trong đó, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HoSE: HT1) hoạt động chính tại thị trường miền Nam, với chỉ có 5 lò quay trên tổng số 87 lò quay trên toàn quốc, thị trường miền Nam luôn dư cầu. Do có lợi thế về vị trí địa lý, giá bán của xi măng Hà Tiên 1 luôn đạt cao nhất ngành tại các thị trường. Theo đó, HT1 vẫn luôn giữ được biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cao hơn các doanh nghiệp khác cũng ngành.

Theo BVSC, giải ngân đầu tư công lớn với nhiều dự án tại miền Nam là động lực trực tiếp cho tăng trưởng của HT1. Với thị phần lớn tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, HT1 được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án trọng điểm tại khu vực này.

Giá than và giá dầu tăng mạnh trong tháng 3/2022 – 5/2022, và đang có xu hướng giảm dần trong các tháng cuối năm 2022. BVSC dự báo, xu hướng giảm này sẽ còn tiếp diễn trong 2023, do suy thoái kinh tế toàn cầu; sản lượng cung ứng xăng dầu từ các quốc gia không thuộc OPEC tăng cao hơn dự kiến; chiến sự Nga – Ukraina dần đi tới hồi kết, các bên đạt được thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa, thị trường này chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam, sẽ làm giảm áp lực cho thị trường xi măng trong 2023. Xuất khẩu tới Philippines cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn 8/2021 – 2/2022 bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng Việt Nam. Trong bối cảnh, cước vận tải biển giảm nhiệt trong các quý cuối năm 2022, BVSC cho rằng xuất khẩu sang Phillipines cũng giảm bớt áp lực.

BVSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của HT1 tăng trưởng mạnh trên nền thấp của 2022 với kỳ vọng thị trường xuất khẩu bớt khó khăn so với 2022, giúp giảm cạnh tranh trong nước.

Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lại vào nửa cuối năm 2023 sẽ là động lực giúp HT1 tăng sản lượng và giảm áp lực về giá bán. Với triển vọng giải ngân đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành trong 2023 và HT1 tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp đầu ngành tại miền Nam, BVSC khuyến nghị khả quan với HT1 tại thời điểm hiện tại với mức giá hợp lý là 19.008 đồng/cổ phiếu.

KBC: Agriseco khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 25.000 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022. Trong đó, doanh thu âm và lợi nhuận lỗ 540 tỷ trong quý IV.

KBC ghi nhận doanh thu thuần âm 331 tỷ đồng so với mức 1.169 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 do khoản giảm trừ doanh thu tăng mạnh. Nguyên nhân là do KBC đã nhận lại 2,5ha đất đã bán tại dự án Khu đô thị Tràng Duệ do chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Do đó, lợi nhuận sau thuế lỗ gần 540 tỷ đồng.

Doanh thu cả năm 2022 giảm nhưng lợi nhuận ròng tăng gần 20% do đánh giá lại tài sản. Cả năm 2022, doanh thu giảm 77%, trong năm KBC chỉ ghi nhận được doanh thu từ KCN Tân Phú Trung (18,7ha) và Khu đô thị Tràng Duệ (1,5ha). Lợi nhuận ròng đạt 1.596 tỷ đồng (tăng 18%) nhờ khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị đầu tư Công ty Cổ phần Sài Gòn – Đà Nẵng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng vay nợ của KBC đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng hơn 2.300 tỷ đồng do khoản trái phiếu đáo hạn đến tháng 6/2023.

Mặc dù vay nợ có tăng so với đầu năm nhưng các hệ số đòn bẩy tài chính vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ vay vẫn nhỏ so với tổng tài sản và tài sản lưu động. Quy mô tổng tài sản 35.000 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn đạt gần 28.000 tỷ đồng. Hiện tại, số dư tiền mặt và đầu tư tài chính hơn 4.000 tỷ đồng khá cao so với áp lực nợ ngắn hạn.

Doanh thu và lợi nhuận năm 2023 kỳ vọng sẽ khả quan hơn so với năm 2022 nhờ ghi nhận doanh thu từ các dự án ký MOU (KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu mở rộng với tổng trị giá hơn 3.500 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, vốn FDI đăng ký vào TP. HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh – nơi tập trung nhiều dự án của KBC tiếp tục tăng. Tuy nhiên việc đạt kế hoạch đề ra đầu năm sẽ gặp nhiều thách thức do bối cảnh chung thị trường BĐS. Về trung và dài hạn, KBC vẫn tiềm năng nhờ quỹ đất thương phẩm lớn hơn 1.000ha (Tràng Duệ 3, Tân Tập, Nam Tân Tập) nằm tại các tỉnh thu hút vốn FDI cao trải dài từ Bắc vào Nam.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của KBC năm 2022 chưa đạt kỳ vọng của Agriseco khi tiến độ bán hàng chậm hơn kỳ vọng cũng như chưa ghi nhận vào doanh thu đối với các hợp đồng đã ký biên bản ghi nhớ. Riêng dự án Tràng Cát, tiến độ có thể chậm lại do ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản.

Trong năm 2023, Agriseco đáng giá tình hình có thể khả quan hơn với đóng góp từ các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu. KBC vẫn có triển vọng tốt trong dài hạn nhờ quỹ đất lớn tại các tỉnh thành đang thu hút vốn FDI. Do đó, Agriseco đánh giá cổ phiếu KBC ở mức trung lập với giá mục tiêu 1 năm của KBC là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance