Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/2): PVS, PVD và TPB

Theo VNDirect, về dài hạn, TPB vẫn là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam nhờ vào lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi tiên phong trong chuyển đổi số thông qua thủ tục cho vay đơn giản và tinh gọn. Hơn nữa, chất lượng tài sản tốt và hệ số an toàn vốn cao (CAR 2022: 13%) sẽ là bộ đệm vững chắc cho ngân hàng trong việc tăng trưởng vào những năm tới.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/2): PVS, PVD và TPB
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/2): PVS, PVD và TPB

PVS: MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 28.300 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), lợi nhuận của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVS) đã bước qua vùng trũng. Theo đó, trong quý IV/2022, PVS ghi nhận 5.331 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 16% so với cùng kỳ, biên lãi gộp đạt 6,1% cải thiện so với mức 5,3% so với cùng kỳ đã giúp công ty ghi nhận 326 tỷ đồng lãi gộp (tăng 25% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, PVS còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết hơn 134 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 651 triệu đồng cùng kỳ. Các yếu tố trên đã giúp PVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 325 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý II/2019 (15 quý).

Theo MASVN, tình hình tài chính của PVS thuộc nhóm vững mạnh nhất thị trường. PVS có hơn 5.250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng với hơn 4.800 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, trong khi đó tổng nợ vay ngắn và dài hạn là hơn 1.375 tỷ đồng, mức tiền ròng đạt 8.675 tỷ đồng tương ứng trên 75% vốn hóa công ty.

MASVN cho rằng giai đoạn 2020 – 2022 có thể là vùng trũng về lợi nhuận của PVS khi các hợp đồng lớn trong giai đoạn này (Gallaf 3, SHWE) được ký với giá dầu ở vùng 60 – 65 USD/ thùng kèm theo đó là giá thép ở vùng cao ảnh hưởng đến biên lãi gộp của doanh nghiệp.

Biên lãi gộp giai đoạn này ở mức 3,9 – 5,5%, trong khi đó quý IV/2022 nhờ yếu tố giá thép giảm mạnh, biên lãi gộp của PVS đã cải thiện lên mức 6,1%. Kỳ vọng giá dầu Brent duy trì mức trên 80 USD/ thùng kèm theo sự hạ nhiệt của giá thép, MASVN kỳ vọng biên lãi gộp của PVS sẽ cải thiện lên mức 5,7% giúp lợi nhuận PVS tăng trưởng.

Trong năm 2023, MASVN kỳ vọng PVS sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hiện tại (Gallaf Batch 3, Shwe Jacket Phase 3, Hai Long OSS, và các dự án khác trên đất liền). Triển vọng khâu thượng nguồn được MASVN kỳ vọng khả quan hơn trong năm 2023 có thể sẽ giúp PVS có thêm những hợp đồng xây lắp. Ngoài ra dự án Lô B – Ô Môn được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến trong nửa đầu năm 2023, đây sẽ là thông tin có tác động lớn đến giá PVS.

Với mức giá đóng cửa 24.400 đồng/cổ phiếu PVS đang giao dịch ở mức P/B 0,96 lần, đây là mức định giá hấp dẫn với 1 doanh nghiệp đầu ngành và đang có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trở lại. MASVN kì vọng năm 2023 PVS sẽ đạt 17.275 tỷ đồng doanh thu (tăng 5,2%) và 1.067 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 38%), theo đó EPS và BV lần lượt đạt 2.233 đồng/cổ phiếu và 28.293 đồng/cổ phiếu.

PVD: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 26.800 đồng/cổ phiếu

Doanh thu quý IV/2022 của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) đạt 1.458 tỷ đồng (tăng 9,4% so với cùng kỳ) với động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ dịch vụ khoan. Theo đó, mảng dịch vụ khoan ghi nhận doanh thu 909 tỷ đồng (tăng 26,2% so với cùng kỳ) trong khi biên lội nhuận gộp đạt 17,1% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây nhờ hiệu suất sử dụng giàn cao trong quý IV/2022, hoàn nhập một số chi phí trích trước tạm tính giá vốn.

Nhờ biên gộp cao từ mảng khoan, biên gộp chung của PVD cũng đạt 17,9% - cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Do đó, lợi nhuận gộp PVD đạt 261 tỷ đồng, tăng 92,3% so với cùng kỳ.

Trong quý IV/2022, PVD đã thực hiện trích lập thêm 30 tỷ đồng khoản phải thu từ Kris Energy, nâng tổng số dư dự phòng lên 75 tỷ đồng, xấp xỉ 81% khoản phải thu của Kris Energy. Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp PVD tăng gần như gấp đôi so với cùng kỳ.

Bên cạnh chi phí quản lý tăng mạnh, chi phí tài chính của của PVD cũng bị ảnh hưởng bởi đà tăng của lãi suất. Tuy nhiên, PVD vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 54 tỷ đồng so với mức lỗ trong cả 3 quý đầu năm.

Trong báo cáo gần nhất về PVD, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo PVD có thể ghi nhận 320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong năm 2023. Tuy nhiên, dự phóng được dựa trên giả định PVD trích dự phòng phần lớn số dư khoản phải thu còn lại của Kris Energy trong 2023.

Việc trích lập thêm 30 tỷ đồng dự phòng vào cuối năm 2022 khiến số trích lập của PVD trong năm 2023 sẽ thấp hơn so với giả định trước đó. Do đó, VDSC điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận 2023 của PVD lên 344 tỷ đồng.

Với nhu cầu cao từ khu vực cũng như lợi thế về mặt độ tuổi các giàn khoan, PVD đã hoàn tất việc ký kết các hợp đồng khoan đến hết năm 2023. Theo đó, giá cho thuê giàn đạt tối thiểu 75.000 USD/ngày trong năm 2023, tăng 23% so với cùng kỳ trong khi hiệu suất sử dụng giàn khoan năm 2023 của công ty hơn 90% so với mức 84,6% của năm 2022.

Dù giá cho thuê giàn tại khu vực hơn 120.000 USD/ngày ở thời điểm hiện tại nhưng giá cho thuê giàn 2023 của PVD ước tính ở mức 75.000 USD/ngày. Điều này đến từ việc PVD đã thực hiện ký kết một số hợp đồng trước đó với giá thấp như giàn PVD III. Hiện PVD đang tìm kiếm hợp đồng mới cho năm 2024. VDSC tin rằng việc tìm kiếm các hợp đồng cho năm 2024 ở thời điểm hiện tại sẽ giúp cho PVD có được mức giá cho thuê giàn tốt hơn so với mức trung bình của năm 2023.

Một số hợp đồng hiện tại của PVD đang ở mặt bằng giá tốt như Valeura hay Pertamina khi đều đang hưởng mức giá thuê giàn khoảng 90.000 USD/ngày. Trong một dự báo mới nhất, S&P cho rằng giá thuê giàn có thể đạt 160.000 USD/ngày vào năm 2024.

Cho năm 2023, VDSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 6.834 tỷ đồng và 344 tỷ đồng, cao hơn so với dự phóng trước đó. VDSC duy trì khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu của PVD từ 21.500 đồng/cổ phiếu lên 26.800 đồng/cổ phiếu nhằm phản ánh triển vọng tích cực của PVD trong năm 2024 với một mức giá cho thuê giàn tiệm cận với khu vực.

TPB: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 31.000 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận ròng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) trong quý IV/2022 tăng 15,5% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định và chi phí dự phòng giảm. Tín dụng tăng 14,3% so với đầu năm vào cuối 2022, trong đó cho vay bán lẻ tăng 23% (chiếm 58,3% dư nợ).

Đáng chú ý, nhờ bộ đệm dự phòng dày sẵn có trước đó, TPB đã có ít áp lực hơn trong việc trích lập thêm dự phòng trong năm nay, khi chi phí dự phòng quý IV/2022 giảm 79,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 6.262 tỷ đồng (tăng 29,6% so với cùng kỳ).

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, Việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng, trong khi lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như là thanh khoản của các ngân hàng. Nhìn chung, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn vĩ mô sẽ ảnh hưởng lên triển vọng ngành ngân hàng trong năm tới khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Trước diễn biến này, VNDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ròng của TPB sẽ chậm lại. Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong năm 2023-2024 và đạt 16-18% so với cùng kỳ trong 2023-24, do tăng trưởng tín dụng chậm lại và đạt 10-12% (tăng trưởng kép 2020-22: 17%), NIM thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng tăng.

Về dài hạn, TPB vẫn là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam nhờ vào lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi tiên phong trong chuyển đổi số thông qua thủ tục cho vay đơn giản và tinh gọn. Hơn nữa, chất lượng tài sản tốt và hệ số an toàn vốn cao (CAR 2022: 13%) sẽ là bộ đệm vững chắc cho ngân hàng trong việc tăng trưởng vào những năm tới.

Theo VNDirect, việc thị trường điều chỉnh mạnh trong thời gian vừa qua đã đưa mức định giá của TPB về vùng rất hấp dẫn. Hiện tại, định giá của TPB chỉ đang ở mức 0,98 lần P/B 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm), dù sức khỏe nội tại và tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng vẫn duy trì tốt trong dài hạn.

Vì vậy, VNDirect cho rằng những rủi ro nói trên đã phần nào được phản ánh. Rủi ro giảm giá gồm lãi suất tăng cao hơn dự kiến, nợ xấu tăng cao hơn dự kiến, và khó khăn trên thị trường BĐS và TPDN tiếp tục kéo dài. Theo VNDirect, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu TPB đến từ kế hoạch chia tổ tức bằng tiền mặt trong năm nay (2.500 đồng/cổ phiếu).

Hải Đường

Theo VietnamFinance