Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/2): NT2, PVD và BSR
VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của BSR sẽ giảm 40,6% so với cùng kỳ trong 2023 do đợt bảo dưỡng định kỳ và tỷ suất lọc dầu giảm, nhưng vẫn cao hơn 28% so với trước khủng hoảng Ukraine. Lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng 17,6% so với cùng kỳ.
NT2: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.000 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) thể hiện sự phân hóa với doanh thu tăng và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhưng kết quả kinh doanh cả năm 2022 vẫn cho thấy mức tăng trưởng khả quan.
Kết thúc quý IV/2022, NT2 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.923 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6 tỷ đồng (giảm 95,2% so với cùng kỳ). Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 8.786 tỷ đồng (tăng 42,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 108,1% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt 729 tỷ đồng (tăng 36,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 156% kế hoạch năm).
Trong quý IV, sản lượng hợp đồng (Qc) được phân bổ ở mức thấp và giá khí đầu vào tiếp tục duy trì ở mức cao làm giảm biên lợi nhuận gộp. Khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi 240 tỷ đồng liên quan đến doanh thu bán điện với EPTC ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận sau thuế.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, lợi nhuận sau thuế và dòng tiền tự do năm 2023 của NT2 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi doanh nghiệp đã thanh toán hết nợ vay dài hạn và sắp hết thời gian khấu hao tài sản cố định.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao và miền Nam hiện đang là khu vực có nhu cầu phụ tải cao nhất cả nước, sản lượng của NT2 kỳ vọng sẽ tiếp tục được huy động cao trong năm nay do tình hình thủy văn dần kém khả quan hơn và sản lượng NLTT chỉ hoạt động tốt vào một số khung giờ nhất định.
El Nino nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào tháng 5 với xác suất trên 50% và sẽ mạnh dần đến cuối năm, hiện tượng thủy văn sẽ kém khả quan hơn cho các doanh nghiệp thủy điện, do đó các doanh nghiệp nhiệt điện như NT2 sẽ được huy động sản lượng cao hơn trong năm nay.
VCBS dự phóng sản lượng điện trong năm 2023 và năm 2024 của sẽ NT2 lần lượt đạt 3.888 triệu kWh (giảm 4,4% so với cùng kỳ) và 4.392 triệu kWh (tăng 13% so với cùng kỳ).
Sản lượng suy giảm nhẹ trong năm 2023 do NT2 sẽ tiến hành đại tu nhà máy định kỳ và mất thời gian khoảng 42 ngày, sản lượng điện của NT2 có thể sẽ khó quay trở lại giai đoạn trước năm 2020 do sự phát triển mạnh của các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời tại khu vực phía Nam.
NT2 luôn duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao trong quá khứ. VCBS kỳ vọng tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt của NT2 sẽ dao động quanh mức 25-30% trong năm nay nhờ vào sự cải thiện của dòng tiền thuần khi doanh nghiệp đã trả hết nợ vay và có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định.
VCBS đánh giá NT2 là một cơ hội đầu tư tốt với mức tỷ suất cổ tức tương đối hấp dẫn. VCBS dự phóng doanh thu năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 8.648 tỷ đồng (giảm 1,6% so với cùng kỳ) và 9.195 tỷ đồng (tăng 6,3% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 892 tỷ đồng (tăng 22,3%) và 1.131 tỷ đồng (tăng 26,9% so với cùng kỳ).
EPS năm 2023, 2024 dự phóng đạt 3.097 đồng/cổ phiếu và 3.930 đồng/cổ phiếu. VCBS khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NT2 và giảm giá mục tiêu xuống còn 27.000 đồng/cổ phiếu.
PVD: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 25.100 đồng/cổ phiếu
Từ cuối năm 2022 đến nay, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) đã liên tục công bố thông tin về việc ký mới các hợp đồng thuê giàn khoan. Cụ thể, ngày 20/10/2022, giàn PV DRILLING I (PVD I) đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng cho chương trình khoan năm 2023 của Công ty Japan Vietnam Petroleum Company (JVPC).
Chương trình khoan dự kiến bắt đầu vào tháng 4/2023. Hiện tại giàn PVD I phục vụ chiến dịch khoan của Vietsovpetro.
Ngày 7/12/2022: Giàn PV DRILLING II chính thức thực hiện chương trình khoan tại tại khu vực West Java, Indonesia theo hợp đồng kéo dài 2 năm và 1 năm tùy chọn gia hạn. Hợp đồng khoan được ký với Tập đoàn Pertamina (Indonesia).
Ngày 12/12/2022, giàn PV DRILLING VI (PVD VI) ký hợp đồng cung cấp giàn khoan cho chương trình khoan dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2023 với Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Trong nước (PVEP POC).
Ngày 11/01/2023, giàn PVD VI tiếp tục ký kết hợp đồng cung cấp giàn khoan cho SK Innovation Co. Ltd. (SKI), theo đó giàn PVD VI sẽ thực hiện chương trình khoan với SK sau khi hoàn thành chương trình khoan cho PVEP POC.
Như vậy có đến 3/4 giàn khoan tự nâng của PVD ký lại hợp đồng từ cuối tháng 10/2022, giai đoạn giá thuê giàn khoan tự nâng bắt đầu tăng mạnh từ 85.000 USD/ngày lên vùng 110.000 USD/ngày, do đó Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng giá thuê mới của các giàn trên cũng có sự cải thiện tương ứng.
Trong quý IV/2022, PVD đã ghi nhận 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau 3 quý lỗ liên tiếp, trong đó hoạt động chính là cung cấp dịch vụ khoan đã ghi nhận lãi gộp 155 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 22 tỷ đồng trong quý III và 32 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Công ty cũng đã trích lập 75/92 tỷ đồng nợ xấu từ KrisEnergy. Cho năm 2023, MASVN dự báo PVD sẽ ghi nhận 7.876 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 45% và 564 tỷ lãi ròng, cao nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Với kì vọng trên MASVN đưa mức giá mục tiêu của PVD lên mức 1 lần, tương ứng mức giá 25.100 đồng/cổ phiếu.
Sau nhịp tăng mạnh từ vùng 12.000 lên 22.000, PVD đã có nhịp điều chỉnh và đang cân bằng tại vùng 18.500 – 19.500 đồng/cổ phiếu. MASVN cho rằng nhà đầu tư nên quan sát diễn biến cân bằng và chờ cơ hội tạo nền mới của PVD tại mức này. Chiến lược giải ngân có thể cân nhắc tại mốc quanh 19.000 đồng/cổ phiếu và giải ngân thêm nếu PVD vượt kháng cự tại 20.000 đồng/cổ phiếu.
BSR: VNDirect khuyến nghị khả quan với mức giá 27.300 đồng/cổ phiếu
Doanh thu quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (HoSE: BSR) tăng 17,2% so với cùng kỳ lên 40.430 tỷ đồng nhờ giá bán trung bình cao hơn, đến từ việc giá dầu diesel và nhiên liệu bay tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý IV/2022 giảm 4,8 điểm % so với cùng kỳ do crack spread (sự chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khai thác từ đó) xăng giảm (crack spread xăng tại châu Á quý IV/2022: 7,6 USD/thùng; giảm 51% so với cùng kỳ) và tỷ suất lợi nhuận hóa dầu thấp hơn.
Trong quý IV/2022, BSR được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất cao hơn, kết hợp với lượng tiền mặt ròng dồi dào giúp cho lợi nhuận tài chính ròng tăng 171% so với cùng kỳ lên 409 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận ròng quý IV/2022 giảm 44% so với cùng kỳ xuống 1.499 tỷ đồng, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với lợi nhuận ròng quý III/2022 (tăng 3,1 lần so với quý trước).
Cả năm 2022, doanh thu của BSR tăng 65% so với cùng kỳ lên 167.171 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 115% so với cùng kỳ lên 15.450 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng crack spread xăng tại châu Á sẽ đạt trung bình 13 USD/thùng (thấp hơn 24% so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn 56% so với năm 2019) nhờ nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi giúp giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung.
Đối với crack spread dầu diesel, crack spread diesel sẽ bình ổn ở mức cao trong năm 2023, quanh 25 USD/thùng (thấp hơn 27% so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn 82% so với năm 2019) do tác động của lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm lọc dầu từ Nga sẽ khiến thị trường tiếp tục bị thắt chặt, và nguồn cung diesel gia tăng được thúc đẩy bởi mức tỷ suất lợi nhuận lọc dầu cao.
VNDirect giảm dự phóng EPS năm 2023-2024 xuống 6,6% và 2,2% do áp dụng giả định giá dầu Brent 2023 thấp hơn là 85 USD/thùng (từ mức 90 USD/thùng) và giảm tỷ suất lọc dầu năm 2023-24 xuống 2,3%/2,8%.
VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của BSR sẽ giảm 40,6% so với cùng kỳ trong 2023 do đợt bảo dưỡng định kỳ và tỷ suất lọc dầu giảm, nhưng vẫn cao hơn 28% so với trước khủng hoảng Ukraine. Lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng 17,6% so với cùng kỳ.
Dù lợi nhuận có thể đã đạt đỉnh trong năm 2022, VNDirect cho biết vẫn ưa thích BSR vì mức định giá hấp dẫn (3,2 lần EV/EBITDA năm 2023), vị thế tiền mặt dồi dào và kỳ vọng crack spread duy trì ở mức cao.
Do đó, công ty chứng khoán này duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 27.300 đồng, dựa trên tỷ trọng tương đương của EV/EBITDA mục tiêu 2023 là 6,5 lần và P/B mục tiêu 2023 là 1,5 lần. Động lực tăng giá là crack spread cao hơn. Rủi ro giảm giá là crack spread thấp hơn dự kiến, giá dầu giảm và thời gian bảo dưỡng kéo dài hơn dự kiến.