Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/3): TNH, SAB và GAS
Theo KBSV, các nhà máy điện khí (khách hàng chính của GAS) kỳ vọng sẽ được huy động tích cực hơn. KBSV dự phóng sản lượng khí bán cho các nhà máy điện kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023, đạt khoảng 6.032 triệu m3 khí (tăng 10,4%).
TNH: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 38.000 đồng/cổ phiếu
Doanh thu quý IV của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE: TNH) đạt 125 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ). Mặc dù giá khám bệnh tăng từ cuối tháng 8, biên lợi nhuận gộp vẫn ở mức 47% (một phần do lượng khám nội trú giảm).
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của TNH tăng trưởng nhưng lợi nhuận ròng giảm nhẹ. Doanh thu đạt 463 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ). Lợi nhuận ròng đạt 141 tỷ đồng (giảm 1,1% so với cùng kỳ), với biên lợi nhuận ròng giảm từ 34,6% xuống 30,5%. Lợi nhuận ròng không còn cao như trước do số lượt khám nội trú và khám chữa các bệnh nặng tăng chậm hơn; chi phí quản lý tăng 30% so với cùng kỳ do phát sinh những chi phí liên quan tới bệnh viện mới (như đào tạo nhân viên).
TNH đã lên kế hoạch xây dựng đồng thời ba bệnh viện trong năm trước. Tuy nhiên, bệnh viện đã điều chỉnh kế hoạch và tập trung vào hai bệnh viện: TNH Việt Yên và TNH Lạng Sơn với thời gian đi vào hoạt động có thể là vào năm 2024 và 2025. Công ty Chứng khoán SSI cho rằng kế hoạch này phù hợp và chắc chắn hơn.
TNH đã nhận được giấy phép xây dựng bệnh viện đa khoa với quy mô 300 giường bệnh tại tỉnh Bắc Giang (TNH Việt Yên) vào tháng 1/2023 và bắt đầu khởi công vào đầu tháng 2/2023. Với kinh nghiệm của công ty trong việc xây dựng và vận hành bệnh viện, SSI kỳ vọng bệnh viện sẽ mất khoảng 15-18 tháng để đi vào hoạt động.
TNH cũng cho biết hai công ty liên kết được thành lập là Công ty Cổ phần Bệnh viện Mắt và Công ty Cổ phần Bệnh viện Sản Nhi đã nộp hồ sơ giải thể. Vốn góp của TNH đã được hoàn trả và chuyển nhượng cho đơn vị mới liên quan đến dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn vừa được công bố.
Với mức đầu tư đề xuất là 570 tỷ đồng và quy mô 300 giường bệnh, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn năm 2023-2027. Ban lãnh đạo vẫn cam kết mở Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Sản Nhi tại tỉnh Thái Nguyên tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu và phát triển.
Trong năm 2023, SSI ước tính doanh thu đạt 492 tỷ đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng ước đạt 152 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) với giả định TNH huy động đủ vốn từ phát hành cổ phiếu để giảm gánh nặng nợ. Mặt khác, SSI lưu ý rằng chi phí quản lý có thể sẽ tăng lên và thuế thu nhập doanh nghiệp tại hai bệnh viện cũng sẽ tăng lên, cụ thể Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ từ 5% lên 10% và Bệnh viện Yên Bình tăng từ 0% đến 5%.
Trong năm 2024, SSI kỳ vọng doanh thu sẽ đạt 540 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) với giả định bệnh viện Việt Yên mới sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2024. Tuy nhiên, SSI cho rằng lợi nhuận ròng sẽ giảm xuống mức 145 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ) do công suất hoạt động của bệnh viện mới này sẽ ở mức thấp.
SSI điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu TNH lên 38.000 đồng/cổ phiếu (từ 33.200 đồng/cổ phiếu) với kế hoạch mở rộng tập trung hơn, cũng như việc khởi công xây dựng Bệnh viện Việt Yên và khởi động dự án Bệnh viện Lạng Sơn.
SSI chưa đưa Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Mắt vào định giá, do các dự án này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Với tiềm năng tăng giá là 3% từ mức giá hiện tại, SSI nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu TNH lên trung lập.
SAB: BSC khuyến nghị theo dõi với giá mục tiêu 210.000 đồng/cổ phiếu
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) lần lượt đạt 34.979 tỷ đồng (tăng 33%) và 5.500 tỷ đồng (tăng 40%) nhờ mức nền thấp của 2021, cải thiện cơ cấu sản phẩm và hai đợt tăng giá một vài Skus.
Biên lợi nhuận gộp đạt 31% tăng 1,94 điểm phẩn trăm so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ cải thiện cơ cấu, chuyển một phần mức tăng giá nguyên vật liệu vào giá bán và tối ưu hóa chi phí có thể bù đắp được việc tăng các chi phí đầu vào khác.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 của SAB đạt lần lượt là 38.100 tỷ đồng (tăng 8,9%), và 5.598 tỷ đồng (tăng 7%).
Doanh thu thuần vẫn ghi nhận tăng trưởng 8,9% chủ yếu nhờ việc tăng giá một vài sản phẩm trong 2 đợt của năm 2022 và cung cấp nhiều dòng sản phẩm có giá cả hợp lý như SG Special, SG Lager,…và chính sách bán hàng cạnh tranh giúp SAB tiếp tục mở rộng thị phần trong bối cảnh kinh tế khó khăn nửa đầu năm 2023 (đặc biệt tại phân khúc phổ thông).
Theo BSC, SAB có tiềm năng tăng trưởng tại phân khúc cận cao cấp như SG chill, SG Export ,..nhờ kì vọng phục hồi của nền kinh tế và đặc điểm địa lý của Việt Nam và cơ cấu tài chính vững chắc đảm bảo việc triển khai các chính sách marketing đa dạng hướng đến tập khách hàng trẻ tiềm năng, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn khi lãi suất tăng.
Biên lợi nhuận hoạt động năm 2023 dự kiến giảm từ 15,7% xuống 15,4%, bởi biên lợi nhuận gộp năm 2023 kì vọng giảm nhẹ từ 30,8% xuống còn 30,6% do kì vọng cơ cấu tiêu dùng sản phẩm phổ thông sẽ cao hơn năm 2022 trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thắt chặt trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, tác động của kì vọng giá nguyên vật liệu chính trung bình sẽ giảm trong nửa cuối 2023 từ -17% đến -20%, có độ trễ so với thị trường do vấn đề tồn kho, nhưng vẫn cao hơn từ tăng 5% đến tăng 10% giá trung bình của năm 2021. Chi phí bán hàng tăng tăng 11,4% chủ yếu đến từ chi tiêu hiệu quả cho các chiến dịch marketing để tăng cường nhận thức về thương hiệu và duy trì vị thế của SAB trong môi trường cạnh tranh cao.
BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu SAB với giá trị hợp lý năm 2023 là 210.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp DCF với WACC là 10% và P/E mục tiêu là 24,5 lần tương đương mức định giá của cổ phiếu này trong giai đoạn 2020-2022 và thấp hơn trung vị P/E các doanh nghiệp là 33 lần.
Dựa trên những dư địa về sự chủ động chiếm thị phần tại cả phân khúc phổ thông và phân khúc cận cao cấp nhờ cải thiện cơ cấu sản phẩm và cơ trúc tài chính lành mạnh đảm bảo khả năng triển khai các hoạt động bán hàng và marketing đa dạng, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn khi lãi suất duy trì ở mức cao.
GAS: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 118.300 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) đạt 100.723 tỷ đồng (tăng 27,5%) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 15.062 tỷ đồng (tăng 70%). Doanh thu và lợi nhuận có kết quả tăng trưởng tốt nhờ sản lượng tiêu thụ tích cực so với 2021 do nhu cầu khí từ các nhà máy điện phục hồi và giá dầu Brent, dầu FO cũng như LPG neo ở mức cao.
Biên lợi nhuận cả năm 2022 của GAS được cải thiện, đạt 21,16%. Nhu cầu khí khô từ các khách hàng nhà máy điện kỳ vọng phục hồi tích cực trong năm 2023. Theo các tổ chức khí tượng quốc tế, xác suất thời tiết xuất hiện El Nino tăng trên 50% từ tháng 5/2023. Điều này đồng nghĩa với việc lượng nước về hồ cho các nhà máy thuỷ điện sẽ giảm bớt so với giai đoạn 2021 – 2022.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các nhà máy điện khí (khách hàng chính của GAS) kỳ vọng sẽ được huy động tích cực hơn. KBSV dự phóng sản lượng khí bán cho các nhà máy điện kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023, đạt khoảng 6.032 triệu m3 khí (tăng 10,4%).
KBSV cho rằng GAS có động lực tăng trưởng từ tiêu thụ khí LNG. Theo đó, nhiệt điện khí LNG sẽ được ưu tiên phát triển trong tương lai. GAS sẽ hưởng lợi từ xu hướng này khi đang là nhà đầu tư tiên phong khi sở hữu 9/14 kho LNG được xây dựng và khai thác trong giai đoạn tới.
Dự án LNG đầu tiên của GAS là kho LNG Thị Vải là nơi cung cấp khí cho: nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022.
Tuy nhiên, tiến độ Nhơn Trạch 3&4 hiện tại vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc đàm phán cam kết đầu ra cho dự án. KBSV cho rằng việc Nhơn Trạch 3 và 4 hoàn thành và giá LNG nhập khẩu giảm là điều kiện thúc đẩy kho LNG này đi vào hoạt động.
KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GAS năm 2023 sẽ lần lượt đạt 95.667 tỷ đồng (giảm 5%) và 12.617 tỷ đồng (giảm 16,2%). Giá dầu Brent ở mức trung bình 85 USD/thùng. Sản lượng tiêu thụ tích cực từ nhu cầu gia tăng của nhà máy điện khí, đạt khoảng 8,5 tỷ m3 (tăng 8,9%). Biên lợi nhuận gộp đạt 19,27% do giả định giá bán giảm cùng chiều với giá dầu.
Dựa trên định giá FCFF và P/E, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GAS. Giá mục tiêu là 118.300 đồng/cổ phiếu.